Wednesday, January 22, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhững biện pháp “cắt đường lưỡi bò” của Việt Nam

Những biện pháp “cắt đường lưỡi bò” của Việt Nam

Với tiềm lực kinh tế và quân sự hiện nay, Trung Quốc đang ngày càng hung hăng đẩy mạnh hoạt động san lấp, cải tạo các đảo và bãi đá ngầm, đưa các tàu thăm dò sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông nhằm hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò phi pháp. Bắc kinh còn các phương tiện thông tin tung ra những ấn phẩm gắn yêu sách nhằm thực hiện “Tam chủng chiến pháp” để gây khó khăn cho Việt Nam. Việt Nam đã có những đối sách nào chống lại các hành động ngang ngược của Trung Quốc?

Tam chủng chiến pháp là gì?

“Tam chủng chiến pháp” là một khái niệm Đảng Cộng sản và Quân ủy Trung ương Trung Quốc phê chuẩn năm 2003. Mục tiêu ban đầu của nó là nhắm vào Đài Loan. Sau này được mở rộng ra các khu vực và lĩnh vực khác, bao gồm cả khu vực Biển Đông. Chiến pháp này đã được triển khai mạnh mẽ nhằm biến luật pháp (bao gồm cả luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia) trở thành vũ khí chống lại phương Tây và trấn áp những quốc gia bất đồng chính kiến.

Phán quyết Biển Đông năm 2016 của Tòa trọng tài (PCA) như một cú huých để Trung Quốc chủ động đẩy mạnh và hoàn thiện thêm, rồi dần dần đưa chiến pháp này thành phương tiện chủ động dẫn dắt dư luận theo hướng có lợi cho mình. Hiện “Tam chủng chiến pháp” được nước này sử dụng hiệu quả trong việc bóp méo những yêu sách của các quốc gia khác (trong đó có Việt Nam) trên Biển Đông.

Tam chủng chiến pháp bao gồm: Pháp luật chiến, Tâm lý chiến và Dư luận chiến. Pháp luật chiến (hay Pháp lý chiến) được cho là bắt nguồn từ Binh pháp Tôn Tử với triết lý “không đánh mà thắng”. Các nhà quân sự Trung Hoa luôn coi nó là một loại vũ khí có khả năng làm què quặt đối thủ và chiếm lấy quyền đưa ra các sáng kiến chính trị.

“Pháp luật chiến” bao gồm nhiều biện pháp khác nhau, sử dụng có chọn lọc những điều khoản của công ước quốc tế và các quy tắc tập quán quốc tế, cố tình giải thích sai, thậm chí bóp méo thành những điều luật mới, Lấy đó làm cơ sở pháp lý để biện minh cho hành động ngang ngược của mình, điều chỉnh hành vi của nước ngoài nhằm giúp Trung Quốc giành chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh và bảo vệ yêu sách, lợi ích cốt lõi của mình.

Pháp lý chiến cũng là một cơ sở để tiến hành Tâm lý chiến và Dư luận chiến. Phía Trung Quốc định nghĩa Tâm lý chiến là một cuộc chiến tranh sử dụng nhiều cách tác động đến tâm lý, qua đó làm ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu, giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định của đối thủ. Nó làm tăng các tranh chấp nội bộ, làm đối phương bị chia rẽ thành các nhóm chống đối nhau. Các hình thức tâm lý được Trung Quốc sử dụng hiện nay bao gồm: Dọa dẫm, Đánh lừa, Chia rẽ và Gây hoang mang, sợ hãi.

Về dư luận chiến là sử dụng dư luận truyền thông như một vũ khí để tuyên truyền, để làm suy yếu ý chí của đối phương trong khi vẫn bảo đảm sức mạnh tinh thần và sự đoàn kết, thống nhất giữa các quan điểm dân sự và chính trị của Trung Quốc. Mục tiêu của loại hình này là dùng dư luận khắc chế dư luận, nhằm gây ảnh hưởng đến sự nhận thức của công chúng trong nước và quốc tế có lợi cho Trung Quốc.

Dư luận chiến phải có sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới, phải đi trước dẫn dắt dư luận, phải linh hoạt và thích ứng với tình hình chính trị và quân sự, đẽo gọt chương trình cho phù hợp với từng nhóm đối tượng trong nước và quốc tế. Điều này đã được Trung Quốc sử dụng hiệu quả khi lồng ghép đường lưỡi bò phi pháp vào các văn hóa phẩm. Sau đó, những ấn phẩm này sẽ được xuất bản trong nước và mở rộng ra nước ngoài. Cùng với đó là chính quyền cũng yêu cầu giới văn nghệ sĩ có ảnh hưởng chia sẻ đường lưỡi bò phi pháp.

Có thể nói chiến dịch này của Trung Quốc đã khá thành công khi làm cho một số bạn trẻ ở Việt Nam quay lưng lại. Họ sẵn sàng ủng hộ thần tượng thay vì ủng hộ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.

Ngoài các ấn phẩm văn hóa, phía Trung Quốc còn sử dụng các phương thức khác như: tẩy chay kinh tế gây áp lực ngoại giao, tập trung quân ở biên giới, dùng tàu cá để quấy rối, cho thuê các khu vực khai thác dầu khí mà các nước khác tuyên bố chủ quyền. Nước này cũng áp đặt bá quyền, bày tỏ sự đe dọa, mua chuộc các nước khác bằng dự án kinh tế, mà Sáng kiến Vành đai và Con đường là một ví dụ điển hình.

Cách Trung Quốc vận dụng Tam chủng chiến pháp

1. Tiếp cận vấn đề Biển Đông.

Tam chủng chiến pháp đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp Trung Quốc tiếp cận các mối quan hệ với các nước láng giềng, đặc biệt là vấn đề Biển Đông và mối quan hệ với Việt Nam. Quốc gia này đã phối hợp chặt chẽ ba mặt trận nhằm mục đích kiểm soát những cuộc tranh luận hiện hành và gây tác động vào nhận thức theo hướng có lợi cho mình; đồng thời gây tổn thương đến năng lực đáp trả của các đối thủ.

Pháp luật chiến được coi là mũi nhọn tạo ra các cơ sở để phát triển; còn Tâm lý chiến giúp nâng tầm ảnh hưởng của Pháp luật chiến như một loại vũ khí gây ảnh hưởng và tấn công tâm lý đối phương, làm đối phương hoài nghi vào bằng chứng lập luận của mình. Còn Dư luận chiến sẽ gây phản ứng dây chuyền rộng khắp trong nước cũng như quốc tế để ủng hộ các luận điểm pháp lý của Trung Quốc. Sự kết hợp Tam chủng chiến pháp được thể hiện rõ trong việc Trung Quốc duy trì yêu sách Đường lưỡi bò phi pháp trong đó có hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

2. Gây sức ép buộc các bên thay đổi

Các biện pháp trong Tam chủng chiến pháp được triển khai trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, không giới hạn trong quân sự. Nó cũng được áp dụng trên tất cả các tầng lớp, từ lãnh đạo cao cấp đến người dân; từ hội nghị quốc tế đa phương cho đến quan hệ song phương; nhằm tạo niềm tin của công chúng và sự đúng đắn và hợp pháp của hồ sơ Trung Quốc trong từng lĩnh vực cụ thể. Từ năm 2003 cho đến nay, các xuất bản phẩm về Biển Đông của Trung Quốc đã lên tới con số 12.000 cùng hàng nghìn bài báo, trên các tạp chí trong và ngoài nước, tất cả nhằm vào công chúng, chứ không phải các cuộc tranh luận chuyên môn.

Tam chủng chiến pháp không chỉ dừng lại ở các bài báo pháp luật, mà còn lan ra các lĩnh vực khác. Như các tạp chí khoa học tự nhiên tất cả các bài báo đều yêu cầu kèm bản đồ đường 9 đoạn phi pháp, dù nội dung không liên quan.

Cùng với đó, Trung Quốc cũng tạo ra sức ép để các công ty nước ngoài có trụ sở tại quốc gia này duy trì được lưỡi bò phi pháp trên trang web của mình. Không chỉ đối với các công ty có trụ sở ở Trung Quốc, ngay cả các công ty lớn như Google hay Apple cũng nhiều lần phải chiều lòng chính quyền Bắc Kinh. Như trường hợp mới đây khi Google Maps đã xóa lá cờ Việt Nam bằng gốm trên đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khi Việt Nam lên tiếng yêu cầu mới khôi phục trở lại.

3. Gia tăng quyền lực mềm của Trung Quốc

Tam chủng chiến pháp được cho là tối quan trọng để tăng cường quyền lực mềm của Trung Quốc trên thế giới. Phạm vi áp dụng của chiến pháp này hiện không bị giới hạn bởi biên giới tổng quốc gia, giúp Trung Quốc có thể đạt được mục đích mà chưa cần sử dụng đến giải pháp quân sự. Tận dụng các kẽ hở và các khoảng trống trong luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã dùng Tam chủng chiến pháp để thực hiện chiến thuật vùng xám. Họ lần lượt đặt ra các lằn ranh đỏ, lợi ích cốt lõi và 4 tôn trọng để hướng dư luận làm quen dần với các lập luận và hành vi, bất kể chúng có phù hợp hay không phù hợp với luật pháp quốc tế. Như vậy, khi các sự kiện pháp lý hay thực địa càng nóng lên, Tam chủng chiến pháp từ phía Trung Quốc sẽ hoạt động dày đặc cùng một lúc. Họ sẽ đưa ra các câu chuyện như có thật mang tính thêu dệt, muốn cái sai được nói đi nói lại thành cái đúng, đe dọa làm nhụt chí đối phương bằng Tâm lý chiến, và giải thích sai lệch hoặc chủ động đề xuất các quy định mới của luật pháp quốc tế để hưởng lợi ích riêng thông qua Pháp luật chiến.

“Tam công chiến pháp” của Việt Nam

Để đối phó với “Tam chủng chiến pháp” năm 2011, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã đề xuất công thức 3C hay còn được gọi là “Tam công kiếm pháp”. Nó bao gồm “công khai, công luận và công pháp”.

Công khai trong tam công chiến pháp là công khai phản bác lại các lập luận pháp lý sai trái của phía Trung Quốc trên các kênh chính thức, bán chính thức và không chính thức. Cùng với đó là sự phối hợp giữa các biện pháp chính thức bao gồm công hàm, công thư và các tuyên bố pháp lý với các biện pháp đấu tranh tuyên truyền qua các kênh mạng xã hội, như hoạt động của hội luật gia, các ấn phẩm, xuất bản phẩm, kingfinder, Facebook, YouTube… nhằm tạo hiệu ứng khuếch đại và lan tỏa sâu rộng.

Phía Việt Nam cũng vận động cộng đồng quốc tế từ cấp độ chính phủ đến cấp độ học giả và các nhà nghiên cứu, tìm hiểu thêm về Tam chủng chiến pháp của Trung Quốc cùng các tác động tiêu cực đến cung điện pháp lý quốc tế ở khu vực.

Việt Nam cũng công khai các bằng chứng pháp lý và lịch sử, sẵn sàng tranh luận, bảo vệ quyền chính đáng khác phù hợp với luật quốc tế trong lập trường của từng bên; phân tích rõ để dư luận trong nước cũng như cộng đồng quốc tế hiểu rõ các sự kiện xảy ra nghiêm trọng trên Biển Đông, từ đó tạo ra tâm lý tự tin, tin tưởng vào chính nghĩa và luật pháp quốc tế, đoàn kết chống lại mọi tác động dọa dẫm, đánh lừa, chia rẽ, gây hoang mang, sợ hãi của chiến tranh tâm lý từ phía Trung Quốc.

Việt Nam cũng đã lần lượt đưa ra các Sách Trắng năm 1977, 1982 và 1988 với các bằng chứng bác bỏ lập luận của Trung Quốc về việc quốc gia này phát hiện sớm nhất hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Còn công luận sẽ giúp chỉ ra những điểm sai trái mà Dư luận chiến đang nhắm đến thông qua các hoạt động tuyên truyền gây ảnh hưởng lên nhận thức của công chúng trong nước và quốc tế. Công luận sẽ có biện pháp truyền thông phù hợp để cho mọi người cùng hiểu tính chất vô lý trong yêu sách đường lưỡi bò phi pháp, thấy rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam và tranh thủ được sự ủng hộ của công luận quốc tế.

Công luận không chỉ là nói với dư luận trong nước mà là cả cho người dân của các nước liên quan yêu sách trên Biển Đông, và cả dư luận quốc tế.

Trong đấu tranh công luận, việc sử dụng các diễn đàn đa phương có một vai trò quan trọng để phản đối những yêu sách và những hành động không phù hợp với Công ước Luật biển năm 1982 của Trung Quốc tại Biển Đông. Vấn đề Biển Đông đã được đưa vào các Tuyên bố ASEAN, vào Diễn đàn Trao đổi của Hội nghị các nước thành viên Công ước Luật biển trong Nhóm Bạn bè của Công ước Luật biển, thành lập năm 2021 theo sáng kiến của Đức và Việt Nam cũng như cuộc chiến công hàm giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2011 và từ năm 2019 cho đến năm 2021 về mở rộng ranh giới thềm lục địa ở Biển Đông.

Còn đối với công pháp, thì đó là luật pháp quốc tế. Việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông phải căn cứ vào luật pháp quốc tế. Công luận cần được hướng dẫn đi theo đúng những nguyên tắc của Công pháp quốc tế.

Cuộc chiến pháp lý từ năm 2019 cho đến năm 2021, với sự tham gia của nhiều nước trong và ngoài khu vực, đều nhất quán bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò phi pháp” và “quần đảo Tứ Sa”; yêu cầu của Trung Quốc phải tôn trọng Phán quyết Biển Đông năm 2016 của PCA, tôn trọng tự do hàng hải, coi Công ước Luật biển năm 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất và nhất quán, giải quyết các tranh chấp trên biển bằng pháp hòa bình.

Những biện pháp cắt “đường lưỡi bò” phi pháp

Yêu sách “đường 9 đoạn” phi pháp của Trung Quốc kể từ khi công bố luôn gây phản ứng mạnh mẽ ở Việt Nam và thế giới. Trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã mạnh tay ngăn cấm các văn hóa phẩm có “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, cũng như các ấn phẩm trên thế giới có hình ảnh “đường lưỡi bò” hoặc tuyên truyền sai lệch về Việt Nam. Kể từ năm 2019, Việt Nam đã cấm phát hành một số bộ phim có hình ảnh “đường lưỡi bò”, bao gồm Đạo Mộ Bút Ký, Abominable, Uncharted và Pine Gap. Ngoài ra, các bản đồ quả địa cầu, sách báo hay các ấn phẩm game có chứa hình ảnh như vậy đều bị cấm ở Việt Nam.

Năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một Nghị định cho phép tịch thu các ấn phẩm có “đường 9 đoạn” phi pháp và phạt tiền các cơ sở phát hành các ấn phẩm như vậy. Mới đây thì bộ phim John Wick 4 đã bị cấm chiếu ở Việt Nam vì có Chân Tử Đan, người công khai ủng hộ “đường lưỡi bò phi pháp”. Không chỉ vậy, trước đó cũng có rất nhiều bộ phim khác của Trung Quốc đều bị cấm chiếu ở Việt Nam vì trong phim có hình ảnh “đường lưỡi bò” hoặc làm sai sự thật về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tiếp đến, ngày 3/7/2023, Cục Điện ảnh Việt Nam đã chính thức xác nhận bộ phim Barbie do Warner Bros sản xuất bị cấm chiếu ở Việt Nam vì có hình ảnh được cho là mô tả “đường lưỡi bò”. Sau đó, người ta lại phát hiện ra rằng IMA entertainment , một công ty Trung Quốc là đơn vị tổ chức show diễn của nhóm nhạc Blackpink tại Hà Nội, đã đưa vào trang web của mình một bản đồ thể hiện “đường 9 đoạn”. Trước phản ứng dữ dội, IMA entertainment đã nhanh chóng đóng cửa trang web của mình và CEO của công ty đã đưa ra lời xin lỗi tới công chúng Việt Nam.

Những biện pháp kinh tế

Không chỉ xuất hiện trên phim ảnh. “Đường 9 đoạn” phi pháp vốn đã được vẽ trên các trang hộ chiếu Trung Quốc từ năm 2012. Điều này đã gây trở ngại cho các công ty Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, bởi không phải công ty nào cũng ủng hộ yêu sách của Trung Quốc. Khi “đường 9 đoạn” được vẽ lên trang hộ chiếu Trung Quốc, các cơ quan chức năng Việt Nam đã từ chối chấp nhận người mang hộ chiếu Trung Quốc làm người đại diện theo pháp luật của các công ty tại Việt Nam.

Kể từ cuối năm 2019, chính quyền Việt Nam cũng từ chối đơn xin giấy phép lao động và giấy chứng nhận tư pháp của công dân Trung Quốc mang hộ chiếu in bản đồ đường chín đoạn. Ngoài ra, sau vụ việc một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trong nước bị phát hiện bán xe ô tô do Trung Quốc sản xuất có lắp đặt hệ thống định vị chứa bản đồ đường lưỡi bò phi pháp, Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam từ chối các sản phẩm có bản đồ tương tự.

Kể từ phán quyết vào năm 2016, yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông được khẳng định là không có cơ sở, những hành động trên có thể được coi là biện pháp để bảo vệ lợi ích trên biển chính đáng của Việt Nam.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới