Campuchia vừa khánh thành sân bay mới lớn và nhất nước này – một dự án do Trung Quốc tài trợ, nhằm mở ra cửa ngõ mới dẫn đến điểm du lịch hàng đầu Campuchia là đền Angkor Wat.
Sân bay quốc tế Siem Reap – Angkor nằm trên một khu đất rộng 700ha, cách quần thể di tích Angkor Wat khoảng 40km về phía đông. Siem Reap – Angkor còn là sân bay lớn nhất Campuchia và có đường băng dài 3.600m, theo Hãng tin AP.
Sân bay Siem Reap – Angkor dự kiến phục vụ 7 triệu hành khách mỗi năm, và có kế hoạch sẽ tiếp tục phát triển để có thể phục vụ 12 triệu hành khách mỗi năm, bắt đầu từ năm 2040.
Tuy sân bay này đã đi vào hoạt động từ hôm 16-10, với chuyến bay đầu tiên hạ cánh ở Thái Lan, nhưng lễ khánh thành lại được tổ chức hôm nay 16-11.
Lễ khánh thành sân bay Siem Reap – Angkor do Thủ tướng Campuchia Hun Manet, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Văn Thiên, Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) Vương Dữ Ba cùng một số quan chức hai nước Campuchia và Trung Quốc khác chủ trì.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Hun Manet cho biết sân bay cũ nằm quá gần các ngôi đền thuộc quần thể di tích Angkor Wat, làm dấy lên lo ngại những chuyến bay sẽ gây ảnh hưởng đến phần móng của ngôi đền.
“Tôi hy vọng năm 2024 sẽ là năm khởi đầu cho sự phát triển và tái sinh của ngành du lịch ở tỉnh Siem Reap của chúng ta”, ông Hun Manet nói.
Trong khi đó, thay mặt Chính phủ Trung Quốc, Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam Vương Dữ Ba cho biết việc khánh thành sân bay Siem Reap – Angkor thể hiện tình hữu nghị sâu sắc giữa nhân dân hai nước, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương.
Sân bay Siem Reap – Angkor mới được xây dựng với tổng chi phí khoảng 1,1 tỉ USD bởi Công ty TNHH Sân bay quốc tế Angkor (Campuchia), một thành viên của Công ty TNHH đầu tư Vân Nam (Trung Quốc), với hợp đồng BOT (hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) kéo dài 55 năm.
Dự án sân bay Siem Reap – Angkor là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường – dự án mà trong đó các công ty Trung Quốc hỗ trợ xây dựng hệ thống giao thông, năng lượng và cơ sở hạ tầng tại những nước đối tác, với khoản vay từ các ngân hàng phát triển của Trung Quốc.
Mục tiêu của chương trình này nhằm phát triển thương mại và kinh tế bằng cách cải thiện kết nối của Trung Quốc với thế giới thông qua “Con đường tơ lụa phiên bản thế kỷ 21”.
Một sân bay khác cũng do Trung Quốc hậu thuẫn đang được xây dựng với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỉ USD tại thủ đô Phnom Penh. Sân bay mới này có tên là sân bay quốc tế Techo, có diện tích khoảng 26.000ha, và dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Trước đó, một dự án khác cũng nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc vừa được khai trương hồi đầu tháng 10 là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên và nhanh nhất Đông Nam Á Jakarta – Bandung.
Theo Hãng tin AP, Trung Quốc là đồng minh và là ân nhân quan trọng nhất của Campuchia, có sức ảnh hưởng tương đối mạnh mẽ đến nền kinh tế nước này.
Sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia được thể hiện thông qua các dự án khách sạn, sòng bạc do Trung Quốc “đỡ đầu” tại thủ đô Phnom Penh và cả những nơi khác trên khắp Campuchia.
T.P