Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Nghệ thuật” sói đội lốt cừu

“Nghệ thuật” sói đội lốt cừu

Trung Quốc có dấu hiệu đang leo thang hành động ở Biển Đông trong khi thế giới đang bị phân tâm bởi nhiều cuộc chiến và xung đột ở các khu vực khác, nhất là cuộc chiến Hamas-Israel kéo dài 40 ngày qua.

Thế nhưng tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc hôm 15/11, ông Tập Cận Bình vẫn ngọt nhạt nói rằng, tình hình Biển Đông đang rất ổn định. Và hai cường quốc phải nắm tay nhau vì hòa bình, an ninh thế giới (!)

Là ông Tập nói trôi chảy thế, sự thật thì không phải như thế. Theo báo chí phương Tây, tổng kết về thượng đỉnh Joe Biden và Tập Cận Bình trước thềm hội nghị APEC là một dám mây u ám: “Cuộc trao đổi diễn ra trong 4 giờ đồng hồ. Tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc đã thảo luận về hầu hết hồ sơ, tuy nhiên gần như họ chẳng đồng ý với nhau về bất kỳ một chủ đề nào. Dù vậy, ít ra đây là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi quan điểm một cách trung thực, như tổng thống Joe Biden ghi nhận”.

Các thỏa thuận khó đạt được vì những bất đồng nhiều mặt, nhất là tình hình Biển Đông, eo biển Đài Loan. Sau một thập niên các căng thẳng âm ỉ leo thang, những cơn sóng ngầm ở Biển Đông ngày càng trở nên dầy hơn và nguy hiểm hơn.

Sự hung hăng của Trung Quốc với Philippines đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ có thể dẫn đến các xung đột quân sự trên Biển Đông. Điển hình là vụ va chạm hôm 22/10 giữa hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc và tàu tiếp tế của Philippines. Sự việc này đã khiến Manila phải triệu Đại sứ Trung Quốc để phản đối. Còn Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. phải triệu tập ngay cuộc họp khẩn với Bộ Quốc phòng.

Vậy mà cách đây chưa lâu, ông Tập Cận Bình đưa ra tuyên bố xanh rờn về “Tầm nhìn của một châu Á thống nhất”. Ông nêu slogan: “Thân thiện, Chân thành, Cùng có lợi”; “Tầm cỡ mới, Tiến bộ mới và Tầm nhìn mới”.

Ông Tập hứa hẹn Bắc Kinh sẽ “làm việc với các nước khác trong khu vực để xây dựng một châu Á hòa bình, yên bình, thịnh vượng, tươi đẹp, nơi người dân chung sống thân thiện, cùng nhau viết nên một chương mới trong việc thúc đẩy xây dựng một cộng đồng chung tương lai cho châu Á và cho cả nhân loại”.

Thật ra đó chỉ là “nghệ thuật” sói đội lốt cừu. Những lời hoa mĩ đó tréo ngoe mâu thuẫn với thực tế tình hình Biển Đông.

Xin lấy dẫn chứng ngay từ tờ báo Diều hâu của Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu Thời Báo ấn bản Anh ngữ (Global Times). Tờ này nói huỵch toẹt rằng: dự báo sẽ có‘ “những va chạm nghiêm trọng hơn”. Có thể trong thời gian tới, nguy cơ Trung Quốc làm hư hại tàu cảnh sát biển Philippines hoặc đánh chìm một tàu nhỏ của Philippines là rất cao’.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo còn kích động: “Nhiều cư dân mạng Trung Quốc đang tức giận” và do đó sẽ ủng hộ việc “đánh chìm tàu Philippines”.

Trước thái độ ngang ngược này, Tổng thống Biden đã tuyên bố: “Các tàu Trung Quốc đã hành động nguy hiểm và bất hợp pháp khi những người bạn Philippines của chúng tôi thực hiện nhiệm vụ tiếp tế thường lệ trong Vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông. Tôi muốn nói rõ ràng rằng cam kết quốc phòng của Mỹ đối với Philippines là kiên định. Mọi cuộc tấn công vào máy bay, tàu chiến hoặc lực lượng vũ trang của Philippines đều sẽ kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines”.

Một mặt gây căng thẳng trên biển, mặt khác Trung Quốc lại muốn xoa dịu và lái dư luận sang hướng khác. Cái mồi nhử được đưa ra là tiếp tục đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Chẳng là, mới đây, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã đồng ý chính thức khởi động vòng đọc lần thứ ba văn kiện dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Quyết định trên được đưa ra tại Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 21 về Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) diễn ra tại Bắc Kinh vào ngày 26/10.

Chuyên gia Batongbacal của Philippines chẳng hề rào đón khi ông vào thẳng vấn đề: “Tôi nghĩ đã đến lúc chấm dứt đàm phán COC giữa ASEAN-Trung Quốc. Không có ích gì khi nói về các cơ chế COC trong điều kiện bị đe dọa, cưỡng bức và hoàn toàn thiếu kiềm chế…”

Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Miếng pho mát miễn phí chỉ có trên bẫy chuột”. Các loại mồi nhử của Trung Quốc đã không lừa được con cáo nào. Chuyên gia về quan hệ quốc tế của Philippines – Richard Heydarian đã mô tả về sự xấu đi bất ngờ trong quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines.

Ông này xâu chuỗi các sự cố leo thang gần đây giữa hai nước và lo ngại khi cho rằng, hai bên “có nguy cơ đối đầu trực tiếp trừ khi họ chủ động giảm leo thang căng thẳng thông qua một phương thức thương mại mới ở Biển Đông”. Ông đề xuất; phương thức “ngoại giao chủ động, tinh tế” để ngăn chặn hai nước “mộng du đi vào một cuộc xung đột tàn khốc”.

Manila vẫn kiên trì đấu tranh ngoại giao yêu cầu Trung Quốc ngừng can thiệp vào nỗ lực của Philippines nhằm khẳng định sự hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhất là Bãi Cỏ Mây.

Vậy là mặc dù nhiều con bài ngoại giao khôn khéo, vận dụng “chiến thuật vùng xám” trên thực địa, nhưng Trung Quốc vẫn lộ rõ chân tướng. COC đến nay vẫn chỉ là “con đường” và “đích đến” còn rất xa.

Như thế, lời có cánh của ông Tập trong cuộc gặp ông Biden vẫn chỉ là nước sơn hào nhoáng, là thứ “nghệ thuật” quen thuộc trên sân khấu lớn không còn lòe bịp được ai.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới