Friday, December 27, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhững lợi ích và hậu quả khi Campuchia theo TQ

Những lợi ích và hậu quả khi Campuchia theo TQ

Khu vực Đông Nam Á được xem là khu vực có sự gia tăng ảnh hưởng và cạnh tranh chiến lược mạnh mẽ của nhiều nước trên thế giới. Trung Quốc là nước lớn có lợi thế vì vị trí địa lý, văn hóa, cũng như nhu cầu mở rộng hợp tác trong chính sách hướng Nam mà nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở thủ đô Bắc Kinh ngày 10.2.2023.

Campuchia là quốc gia đặc biệt trong chính sách của Trung Quốc trong khu vực. Từ năm 1993 cho đến nay, quan hệ Trung Quốc – Campuchia không ngừng phát triển. Trung Quốc trở thành người bạn lớn nhất của Campuchia. Đáp lại, Campuchia đã trở thành người bạn đáng tin cậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, lịch sử quan hệ Trung Quốc – Campuchia, cho thấy nó được phát triển bởi chính sách thực dụng giữa một bên cho và một bên nhận. Và hiện nay, bên nhận đang phải trả cái giá cho những gì mà họ đã nhận từ bên cho.

Mối quan hệ Campuchia – Trung Quốc

Ngay từ thời Trung Đại, trong tầm nhìn của các bậc vua chúa và lãnh đạo các dân tộc lớn của khu vực Á Đông từ Nhật Bản kéo tới Ấn Độ, Campuchia luôn chiếm vị trí quan trọng về quân sự và ngoại giao. Các hoàng đế Trung Hoa cũng nhận thấy được điều này, nên luôn duy trì sức ảnh hưởng và quan hệ chặt chẽ với Đế chế Khmer. Từ đó tạo ảnh hưởng về khu vực đất đai rộng lớn phía nam thông qua giao thương trên biển. Vị trí chiến lược quan trọng và sự giàu có về tài nguyên đã góp phần tạo ra Đế chế Khmer hùng mạnh trong quá khứ, đồng thời cũng tạo ra nhiều mảng tối trong lịch sử và biến đất nước chùa tháp trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng chính trị giữa các nước.

Đến năm 1958, Campuchia và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Mối quan hệ ban đầu đầy ngờ vực do Trung Quốc dính líu đến cuộc nội chiến và xung đột xã hội ở Campuchia. Đặc biệt là việc Bắc Kinh được cho là đã ủng hộ chế độ Khmer Đỏ trong hai thập niên 1970 và 1980. Sau Hiệp định Hòa bình Campuchia ký tại Paris năm 1991, quan hệ Campuchia – Trung Quốc mới dần phục hồi, phát triển và thành khăng khít hiện nay hai bên luôn coi nhau là người bạn số 1 của mình.

Tháng 11/2000, Chủ tịch Trung Quốc là Giang Trạch Dân đã có chuyến thăm chính thức tại Campuchia. Trong chuyến đi này, hai bên đã ký kết Tuyên bố chung Trung Quốc – Campuchia về hợp tác song phương, xác định quan hệ hữu nghị truyền thống chặt chẽ và vững chắc hơn trong thế kỷ mới.

Tháng 12/2012, Trung Quốc và Campuchia đã tuyên bố nâng tầm quan hệ trở thành đối tác chiến lược toàn diện.

Nó đã mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước, Tập Cận Bình nhất trí lấy năm 2013 là năm hữu nghị Trung Quốc, Campuchia nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhìn chung, mối quan hệ song phương giữa 2 nước đã trải qua một quá trình biến đổi đáng kể trong hơn 3 thập kỷ qua. Từ nghi ngờ chuyển sang nồng ấm, từ nâng cấp trở thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện như hiện nay.

Tạo dựng nền kinh tế phụ thuộc

Đi cùng với những bước tiến trong ngoại giao là sự gia tăng đầu tư mạnh mẽ Trung Quốc vào Campuchia. Đại lục tham vọng tạo dựng một nền kinh tế phụ thuộc cho Campuchia. Bằng chứng là nguồn đầu tư của Trung Quốc đổ vào rất nhiều lĩnh vực từ thương mại hàng hóa, viện trợ, đầu tư, thậm chí là cả quân sự.

Tính từ năm 1994 cho đến năm 2021, Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 17,3 tỷ đô la, tương đương khoảng 44,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Campuchia. Các tổ chức của Campuchia xử lý số liệu thống kê đã gọi Trung Quốc là Khu vực Trung Hoa Đại Lục, bao gồm Trung Quốc Đại Lục, Hồng Kông, Ma Cao và cả Đài Loan. Nhưng do những vấn đề chính trị nên những khoản đầu tư của Đài Loan vào Campuchia không đáng kể.

Điều đáng nói là GDP tính đến năm 2021 của Campuchia chỉ là 26,6 tỷ USD; năm 2022 là 28,5 tỷ USD. Tức là GDP của Campuchia năm 2022 chỉ gấp khoảng 1,6 lần con số 17,3 tỷ USD. Dòng tiền Trung Quốc đổ vào đã đẩy Campuchia vào một mối quan hệ bấp bênh, thậm chí lệ thuộc vào Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng trở thành thị trường xuất khẩu chính của Campuchia, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Campuchia có diện tích đất canh tác nông nghiệp rất lớn; tuy nhiên, cơ sở vật chất và hạ tầng nông nghiệp còn rất lạc hậu. Trung Quốc đã cảm nhận rõ điều này, nên đã tập trung nhiều cho viện trợ và đầu tư nông nghiệp cho Campuchia.

Có thể nói, phía Đại lục đã góp phần vực dậy nền nông nghiệp của xứ sở Chùa Tháp, từ khâu giống, phân bón, máy móc nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm. Trong nông nghiệp thì việc sản xuất lúa và xuất khẩu gạo được coi là trung tâm; trong đó lúa gạo chiếm tới 70% giá trị sản lượng lớn nông nghiệp của Campuchia.

Nửa đầu năm 2023, trong số 52 thị trường xuất khẩu gạo mục tiêu của quốc gia này; thì Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất, với 138.364 tấn gạo được xuất sang Trung Quốc, thu về 88,9 triệu đô la. Mặc dù Campuchia luôn nhập siêu lớn trong thương mại với Trung Quốc, nhưng việc tăng cường thương mại hai bên cũng đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho chính quyền Phnom Penh.

Ngoài lợi ích trong xuất khẩu gạo nói trên, xứ Chùa Tháp cũng đã nhận được nhiều lợi ích trong thương mại với Trung Quốc về hàng may mặc, hàng thủy sản và các mặt hàng nông sản khác.

Nhìn chung, những gì Trung Quốc đã hỗ trợ cho Campuchia để vực dậy nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á này là điều không thể chối cãi khi GDP năm 2000 chỉ là 3,67 tỷ đô la, năm 2022 đã lên tới 28,5 tỷ đô la.

Sử dụng kinh tế để đạt được mục tiêu chính trị

Là nguồn viện trợ, đồng thời là nhà đầu tư và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia, trên thực tế Trung Quốc đã dựng lên ở đất nước này một nền kinh tế mà nếu muốn phát triển thì không thể không dựa vào ai khác ngoài Trung Quốc.

Ai trả tiền, người ấy có quyền là triết lý đã có từ lâu. Một Campuchia lệ thuộc sẽ phải làm những gì mà Trung Quốc mong muốn. Tất nhiên, đây là một việc có đi có lại. Campuchia sẽ có rất nhiều tiền để thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhiều bằng chứng cho thấy chính phủ, thời ông Hun Sen rất giỏi dự báo những gì Trung Quốc mong muốn và hành động phù hợp theo những mong muốn đó. Tình hình thực tế có lẽ gần đúng như vậy.

Do có vai trò là bên trả tiền, nên phía Đại lục có nhiều lợi ích về chính trị và an ninh chiến lược ở Campuchia. Điển hình là việc từng bước ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với khu vực. Đây là một sự phản ứng tự nhiên bởi người Trung Quốc cho rằng, khi mình đã mạnh thì cần phải giành lấy những gì thuộc về một cường quốc. Dã tâm của họ là muốn kiểm soát Đông Nam Á như cái cách mà Hoa Kỳ đã làm về Tây Âu và Nam Mỹ.

Đặc biệt là Trung Quốc sẽ tìm cách gia tăng khoảng cách lớn nhất giữa họ và các nước láng giềng, nhất là với Nhật Bản, Ấn Độ và Nga. Trung Quốc muốn đảm bảo rằng, vị thế cường quốc của họ sẽ không có một quốc gia nào ở châu Á có thể đe dọa được.

Bên cạnh đó, hiện nay Campuchia đang có tranh chấp với Thái Lan ở khu vực đền Preah Vihear. Tất nhiên Trung Quốc ủng hộ lập trường của quốc gia chùa tháp tại khu vực này. Đây vừa là một động thái để lấy lòng, vừa là một mắt xích quan trọng để Trung Quốc dần kiểm soát chính phủ của Campuchia.

Cùng với việc ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, việc tăng cường trục quan hệ Trung Quốc – Campuchia còn giúp chính quyền Bắc Kinh gia tăng sức ép đối với Việt Nam trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á đang nóng lên, đồng thời đẩy mạnh mục đích chia rẽ mối quan hệ gắn bó lâu đời Campuchia và Việt Nam. Việc sử dụng Campuchia để gây sức ép chống Việt Nam ở mọi lĩnh vực, nhất là ở ASEAN, được cho là mục tiêu quan trọng nhất của Trung Quốc vì những lý do sau:

Thứ nhất, Campuchia vẫn là quốc gia láng giềng có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam. Có đường biên giới trên đất liền giáp với Việt Nam dài 1.037 km và có vùng giáp biển với Việt Nam. Đặc biệt là các tỉnh Đông Bắc của Campuchia giáp với các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam. Trên vùng biển Việt Nam – Campuchia vẫn còn đang tồn tại nhiều xung đột và tranh chấp phức tạp, vì giữa hai nước vẫn chưa có hiệp định về đường biên giới biển.

Thứ hai, về quan hệ chính trị và kinh tế – xã hội, Việt Nam và Campuchia có mối quan hệ truyền thống lâu đời. Mối quan hệ này có lúc thăng lúc trầm, nhưng nhìn chung nó đã đóng góp rất tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội và sự ổn định chính trị – an ninh của hai nước cũng như của khu vực.

Ngoài việc cô lập Việt Nam, Trung Quốc còn muốn dùng Campuchia để trung lập hóa ASEAN thông qua phương thức hoạt động của tổ chức này. Và phương thức đang được chính quyền Bắc Kinh khai thác hiệu quả nhất chính là nguyên tắc đồng thuận được ghi nhận tại điều 20 Hiến chương ASEAN năm 2007. Nguyên tắc này có nghĩa là một thủ tục thông qua quyết định được coi là hoạt động nhằm soạn ra một văn bản thông qua thương lượng và thông qua văn bản đó mà không cần biểu quyết. Đồng thuận có nghĩa là không có sự phản đối nào, dựa trên sự tự do và tự nguyện. Để đạt được đồng thuận, người ta phải tiến hành thảo luận, thương lượng, đồng thời sử dụng các kỹ thuật nhằm dung hòa các bên.

Theo nguyên tắc này, một quyết định chỉ được thông qua khi tất cả các nước thành viên nhất trí thông qua hay có nghĩa là một quyết định chỉ được coi là của ASEAN khi được tất cả các nước thành viên nhất trí thông qua. Quyết định sẽ không được thông qua nếu có một quốc gia thành viên phản đối. Vì vậy, nguyên tắc này đã đảm bảo lợi ích cho tất cả các quốc gia thành viên. Đây là nguyên tắc cơ bản trong việc quyết định các chính sách hợp tác quan trọng cũng như các lĩnh vực quan trọng của ASEAN.

Các nước ASEAN khi đưa ra bất kỳ quyết định nào đều phải có sự đồng thuận của cả 10 quốc gia thành viên. Mà Campuchia cũng là một thành viên chính thức của ASEAN và hiển nhiên đã trở thành đại diện về lợi ích của Trung Quốc trong nội bộ ASEAN.

Những cái giá mà Campuchia phải trả

1. Đồng thuận trên những mối lo

Kể từ khi Vương quốc Campuchia được tái lập từ năm 1993 cho đến nay, chính phủ Campuchia đều được thành lập dưới sự liên minh của hai đảng là Đảng Nhân dân Campuchia, hay còn được gọi là Đảng CPP, và Đảng Mặt trận Thống nhất Dân tộc Vì một nước Campuchia Độc lập- Trung lập- Hòa bình- Hợp tác, gọi tắt là Đảng Funcinpec. Vì vậy, có thể nói rằng quan điểm và phản ứng của chính phủ Campuchia cũng chính là quan điểm và phản ứng của Đảng CPP và Đảng Funcinpec.

Chẳng hạn trong cuộc gặp gỡ Tổng Bí thư – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 18/5/2014, Thủ tướng Hun Sen đã nói rằng sự phát triển của Campuchia, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế của Campuchia hiện nay không thể thiếu sự đóng góp to lớn của lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc thông qua việc cung cấp viện trợ không hoàn lại và vốn cho vay ưu đãi của Trung Quốc. Từ câu nói này, rõ ràng chính phủ và các nhà lãnh đạo Campuchia đã hoàn toàn ủng hộ sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở quốc gia này vì những lợi ích trước mắt mà chính quyền Bắc Kinh mang lại.

Việc Đảng CPP ủng hộ Trung Quốc có thể nhìn nhận từ những khía cạnh chủ yếu như sau:

Khi sự kiện tháng 7/1997 diễn ra. Hoa Kỳ và các nước phương Tây cho rằng Hun Sen đã tiến hành đảo chính Norodom Ranariddh, nên đã có những hành động lên án Hun Sen. Ngược lại, phía Trung Quốc lập tức công nhận chính phủ của Thủ tướng Hun Sen là chính phủ hợp pháp. Thái độ này của Bắc Kinh rất có giá trị đối với một chính phủ còn non trẻ của Campuchia, vì điều tiên quyết họ cần khi đó là sự ủng hộ và công nhận của một số nước lớn, đặc biệt là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc như là Trung Quốc.

Sau sự kiện tháng 7/1997, Trung Quốc liên tục khẳng định quan điểm ủng hộ Đảng CPP, chính phủ Hoàng gia Campuchia và đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho quốc gia này.

Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen từng ở trong hàng ngũ Khmer Đỏ, nên ông đã hiểu rõ bản chất của Trung Quốc. Từ đó, ông cùng Đảng CPP cũng thể hiện sự lo sợ, tuy không lộ rõ, trước sự ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế ở quốc gia mình. Đứng trước thực trạng phụ thuộc về kinh tế và chính trị trong mối quan hệ với Trung Quốc, chính phủ Campuchia cũng có những bước điều chỉnh nhằm hạn chế những sự tác động tiêu cực. Tuy nhiên, những phản ứng đó đến cho tới nay vẫn tỏ ra thụ động và chưa thực sự tìm ra được được hướng cơ bản để có thể giúp đất nước này chủ động trong các chính sách kinh tế đối nội và đối ngoại.

2. Những bất ổn tiềm tàng về chính trị

Ở Campuchia, nguyên Thủ tướng Hun Sen giống như người hùng chính trị khi ông đã nắm quyền trên 30 năm. Nhưng dù sao, xứ Chùa Tháp dưới thời của ông vẫn đóng vai trò là bên nhận tiền của Trung Quốc. Từ đó, thách thức chính trị vẫn tồn tại đối với Đảng CPP. Ông Hun Sen và ông Hun Manet, con trai ông Hun Sen, hiện đang là Đương kim Thủ tướng của Vương quốc Campuchia. Theo dự báo của các chuyên gia địa chính trị, mặc dù ông Hun Manet từng được đào tạo ở phương Tây, nhưng ông vẫn sẽ theo đuổi chính sách của chính quyền tiền nhiệm, tức là vẫn giữ lập trường quan hệ ngoại giao hướng đến Trung Quốc.

Tuy nhiên, đây là vấn đề của tương lai, vì ông Hun Manet chỉ mới trúng cử hồi tháng 8.

Trong quá khứ, chính phủ tiền nhiệm đã có những chính sách thay đổi về Hoa Kỳ và phương Tây, hướng tới thân thiết với Trung Quốc hơn bao giờ hết. Do vậy, các nước phương Tây muốn tạo ra một lực lượng đối lập làm đối trọng chính để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Đây cũng là lý do cho sự ra đời của lực lượng Sam Rainsy sau này là Đảng Cứu Nguy Dân Tộc, có tên gọi tắt là Đảng CNRP, trở thành lực lượng đối lập tại Campuchia.

Tuy nhiên, CNRP đã bị giải thể vào năm 2017. Trong cuộc bầu cử năm 2023, Ủy ban bầu cử Campuchia đã loại Đảng Ánh Nến, một tàn dư của Đảng CNRP trước thềm bầu cử. Đảng này có tư tưởng bài Việt Nam mạnh mẽ, với lãnh tụ là ông Sam Rainsy. Ông này từng tiến hành nhồi nhiều mốc chủ quyền tại biên giới Việt Nam – Campuchia và phát biểu những nội dung nhằm kích động quần chúng nhân dân xứ sở Chùa Tháp đòi lại những phần đất đã mất.

Trong quá khứ, với sự hỗ trợ của các thế lực bên ngoài, lực lượng đối lập tại Campuchia với vai trò của Đảng CNRP thậm chí còn có ý đồ tiến hành một cuộc cách mạng Màu ở Campuchia với mục đích là lật đổ chính phủ Hun Sen.

Trong điều kiện hiện nay, khi sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng gia tăng đi cùng với những lợi ích của Đại Lục ngày càng bám sâu vào mọi ngõ ngách của xã hội Campuchia, khả năng thông qua cách mạng màu để lật đổ chính phủ đương nhiệm của ông Hun Manet là rất khó để xảy ra. Nhưng nguy cơ chính trị của ông không phải vì thế hoàn toàn mất đi.

Theo một thống kê mới nhất, thì Campuchia có tới 60 đảng phái hoạt động. Trong đó, Đảng Nhân Dân Campuchia và Đảng Funcinpec là hai đảng chính đang cầm quyền. Không ai đoán trước được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Nhưng Campuchia có một số lượng đảng đông đảo, nên có thể sẽ có một chính đảng khác được phát triển và nó sẽ đe dọa sự lãnh đạo của hai Đảo CPP và Đảo Funcinpec.

3. Sự bất bình nảy sinh

Bên cạnh những sự bất ổn tiềm tàng về chính trị, không ít người dân và các tổ chức xã hội phản đối chính sách của Trung Quốc đối với Campuchia. Trong khi những tổ chức phi chính phủ, những người dân mất đất và một số nhân sĩ tri thức của Campuchia có thái độ phản ứng không đồng thuận trước sự can dự ngày càng sâu và toàn diện của Trung Quốc đối với Campuchia, thì nước này lại nồng nhiệt hoan nghênh viện trợ Trung Quốc, bởi nó không có sự ràng buộc.

Chính phủ xứ Chùa Tháp đã thông qua các dự án đầu tư nước ngoài để giải quyết vấn đề thất nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ muốn sử dụng lao động người Trung, vì vừa dễ dàng về mặt ngôn ngữ, lại vừa giúp giải quyết những vấn đề thất nghiệp cũng đang rất nghiêm trọng ở trong chính sách của Đại Lục. Cùng với các dự án và hợp đồng được ký kết, người lao động Trung Quốc tràn sang Campuchia rất đông, rất khó kiểm soát. Đa phần lao động người Trung sang Campuchia là lao động phổ thông. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% là được chính phủ Campuchia cấp phép làm việc, còn lại 70% là lao động bất hợp pháp.

Hiện nay, con số ngày càng tăng do các dự án mà Trung Quốc đầu tư ở Campuchia ngày càng nhiều. Ngay cả Bộ Trưởng Thương mại Trung Quốc cũng phải thừa nhận rằng: “Trật tự hợp tác lao động Trung Quốc – Campuchia đang rất hỗn loạn”. Chính bộ này cũng nhận xét: “Trên thực tế, các công ty Trung Quốc chưa chú ý đầy đủ việc đào tạo nhân viên sở tại. Tỷ lệ sử dụng người lao động Trung Quốc quá cao đã dẫn đến sự bất mãn của người dân Campuchia. Họ cho rằng người Trung Quốc đến đây là để hốt tiền, chứ không phải tạo cơ hội việc làm cho người Campuchia”.

Một thống kê cho thấy, đa số dân địa phương không được hưởng lợi gì từ làn sóng đầu tư của các công ty Trung Quốc, bởi lợi lộc chỉ dồn vào các chủ nhà hàng và khách sạn người Trung. Trong khi các chủ nhà hàng địa phương lại chật vật cầm cự với lượng du khách phương Tây đang ngày càng vơi dần. Còn du khách nội địa thì thường tránh xa khu vực thành phố do giá quá cao.

Cũng bởi vậy, mà nhiều hộ dân tại Thành phố Sihanoukville thành phố lớn thứ 4 Campuchia vốn sống dựa vào ngành du lịch truyền thống nay đã không thể trụ lại nữa.

Đa phần du khách từ quốc gia tỷ dân chọn tour trọn gói và trả tiền toàn bộ tại Trung Quốc chứ không hề tiêu 1 đồng nào tại Campuchia. Họ được đưa thẳng từ sân bay tới casino và ở đó cả tuần đánh bạc chứ không sử dụng bất kỳ dịch vụ nào của người dân địa phương như cái cách mà du khách phương Tây đã làm.

Chứng kiến những sự thay đổi ở Sihanoukville, nhiều người dân tỏ ra băn khoăn về tương lai của họ. Hiện tượng bất mãn và di cư bất thường của cộng đồng người địa phương đã để lại khoảng không gian mênh mông cho người Trung Quốc mặc sức tung hoành. Số còn lại, vì thu nhập giảm mạnh buộc phải đến các công trường xây dựng làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm. Tình hình còn tệ hại hơn khi nhiều nhà đầu tư Trung Quốc mở casino khiến cho người dân địa phương bị thu hồi đất, mất cửa, mất nhà. Họ phải ngủ ngay tại lán trên công trường mặc cho những rủi ro luôn rình rập. Bên cạnh điều kiện làm việc tồi tệ tại các casino hay các công trường, việc mở rộng ngành công nghiệp cờ bạc ở Campuchia đã gây tác động tiêu cực đối với môi trường và cộng đồng xung quanh.

Hoạt động của các sòng bạc ở Sihanoukville và đảo Coron đã làm gia tăng lượng lớn rác thải và vật liệu xây dựng bị xả thẳng ra biển. Từng là điểm đến du lịch nhiều tiềm năng, Sihanoukville giờ đây bị nhiều du khách nước ngoài quay lưng do chi phí đắt đỏ, ô nhiễm nặng nề xảy ra do quá nhiều công trình được xây dựng một cách tùy tiện. Có thể nói rằng, người Trung Quốc rất biết cách để thu hồi giá trị đồng tiền mà họ đã bỏ ra và họ thường làm điều này bất chấp những hậu quả để lại cho người dân quốc gia mà họ đầu tư.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới