Thượng viện Mỹ đã ngăn chặn chính phủ liên bang đóng cửa một phần với việc thông qua dự luật chi tiêu tạm thời. Dự luật vẫn cần chữ ký Tổng thống Joe Biden để có hiệu lực trước hạn chót cuối tuần.
Cuộc bỏ phiếu hôm 15/11 (giờ địa phương) tại Thượng viện với kết quả 87-11 đã đánh dấu kết thúc lần bế tắc tài chính lần thứ 3 trong năm nay tại Quốc hội Mỹ, theo Reuters. Ông Biden nhiều khả năng sẽ ký ban hành dự luật trên.
“Không kịch tính, không chậm trễ, không đóng cửa của chính phủ”, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ông Chuck Schumer thuộc đảng Dân chủ, nói trước cuộc bỏ phiếu.
Với dự luật trên, các nhà lập pháp Mỹ đã cho mình thêm hơn 2 tháng trước hạn chót tiếp theo là vào ngày 19/1/2024, chỉ vài ngày sau khi các cuộc bầu cử kín ở bang Iowa báo hiệu sự bắt đầu của mùa tranh cử tổng thống năm 2024.
Dự luật ngân sách mới được Thượng viện thông qua do Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, một đảng viên Cộng hòa, đưa ra. Reuters coi dự luật này là điều hiếm hoi trong chính trường Mỹ hiện nay vì nó nhận được sự ủng hộ lớn của cả 2 đảng.
Đảng Dân chủ tỏ ra hài lòng trước việc dự luật trên vẫn giữ nguyên mức chi tiêu đã được nhất trí trong thỏa thuận hồi tháng 5 giữa cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và ông Biden, trong khi không bao gồm các điều khoản yêu cầu họ phải nhượng bộ trên các vấn đề nóng như quyền phá thai.
Đảng Cộng hòa cho biết họ muốn tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ liên bang, điều mà có thể làm gián đoạn mọi thứ từ công tác nghiên cứu khoa học đến quy định tài chính.
Sự thỏa hiệp của ông Johnson đã khiến các đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn tức giận. Họ khẳng định sẽ tiếp tục siết chi tiêu liên bang vào hạn chót tới.
Sau khi được ký ban hành, dự luật lần này sẽ cung cấp kinh phí cho công tác xây dựng quân sự, phúc lợi cho cựu chiến binh, giao thông, nhà ở, phát triển đô thị, nông nghiệp, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), các chương trình năng lượng và nước cho đến ngày 19/1/2024.
Ngân sách cho tất cả các hoạt động khác của chính phủ liên bang, bao gồm cả quốc phòng, sẽ hết hạn vào ngày 2/2/2024.
Tranh cãi về vấn đề kinh phí duy trì hoạt động của chính phủ đã ngăn cản các nhà lập pháp theo đuổi các đề xuất khác, bao gồm cả đề xuất của ông Biden viện trợ 106 tỷ USD cho Israel, Ukraine và an ninh biên giới Mỹ.
T.P