Saturday, January 18, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnPhương Tây mệt mỏi trước yêu cầu của Ukraine về vũ khí...

Phương Tây mệt mỏi trước yêu cầu của Ukraine về vũ khí và tài chính

Phương Tây từng nhiệt tình ủng hộ Ukraine cả về vật chất và tinh thần trong cuộc xung đột vũ trang với Nga. Nhưng giờ đây Mỹ và EU đã tỏ ra mệt mỏi trước các đòi hỏi của Ukraine về vũ khí và tài chính.

Pháo và xe quân sự của Ukraine bị bỏ lại trên chiến trường.

Bầu cử Ukraine khả năng cao bị hoãn, phương Tây ít quan tâm

Tổng thống Ukraine Zelensky mới đây tuyên bố hoãn bầu cử tổng thống sắp tới của nước này (theo kế hoạch ban đầu là sẽ tổ chức vào tháng 3/2024). Động thái này có khả năng sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực của Ukraine trong tìm kiếm thêm tiền bạc và viện trợ quân sự của phương Tây khi sự chú ý của công chúng toàn cầu đang dồn sang cuộc chiến Israel – Hamas.

Thông thường bầu cử tổng thống tại Ukraine diễn ra cứ 5 năm một lần. Ông Zelensky tuyên thệ Tổng thống Ukraine vào tháng 5/2019, nghĩa là nhiệm kỳ của ông sắp kết thúc trong vài tháng nữa. Tuy nhiên, Ukraine đang trong trạng thái thiết quân luật và ông Zelensky đã vận dụng Hiến pháp Ukraine để trì hoãn cuộc bầu cử kế tiếp. Theo luật Ukraine, khi tình trạng quân luật được ban bố, người ta có quyền cấm tổ chức bầu cử tổng thống Ukraine, quốc hội Ukraine, và các chính quyền tự trị.

Đối với ông Zelensky, bất cứ lời bàn nào về bầu cử lúc này sẽ làm tăng “các vấn đề chia rẽ chính trị” có thể ảnh hưởng đến nước này trong cuộc xung đột vũ trang với Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên truyền hình, Tổng thống Zelensky nói: “Chúng ta phải nhận thức rằng bây giờ là thời kỳ phòng thủ, thời kỳ chiến trận quyết định số phận của quốc gia và dân tộc, chứ không phải thời gian cho sự thao túng mà phía Nga có thể tận dụng. Tôi tin rằng bây giờ không phải là lúc cho chuyện bầu cử”.

Nhưng đấy chưa phải là tất cả. Trong cuộc phỏng vấn, ông Zelensky nói rằng một cuộc bầu cử sẽ tốn khoảng 135 triệu USD.

Ngoài ra, theo ông Zelensky, nếu tổ chức bầu cử, sẽ đòi hỏi phải thay đổi luật bầu cử cấm bỏ phiếu trong thời gian thiết quân luật, bảo đảm quá trình bầu cử công bằng cho những ai phục vụ ngoài mặt trận và tiếp cận được hàng triệu cử tri Ukraine đã phải di tản trong thời chiến.

Một câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ và EU có tài trợ cho bầu cử ở Ukraine hay không? Khả năng cao là không do các nước phương Tây e ngại ông Zelensky có thể tận dụng các phương tiện truyền thông trong tay để thúc đẩy các mục tiêu chính trị và gây sức ép để các nước này cung cấp thêm cho Ukraine vũ khí đạn dược và tiền bạc.

Uy tín của ông Zelensky trong giới chức phương Tây được cho là không còn như trước nữa. Việc Ukraine chưa gia nhập được EU và NATO cũng là do nước này chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn mà phương Tây đòi hỏi ở họ.

Liên minh châu Âu (EU) đã khẳng định rõ rằng chính phủ Ukraine phải chứng minh họ đang tiến hành các cải cách về thể chế, bao gồm lĩnh vực tư pháp và chống tham nhũng, tôn trọng chế độ pháp quyền, thể hiện cam kết quản trị hiệu quả, hiện đại hóa các thể chế quốc gia và địa phương.

Cụ thể, Ukraine phải đáp ứng 3 tiêu chí chính, còn gọi là “tiêu chí Copenhagen”, bao gồm việc xây dựng được các thể chế ổn định và dân chủ và hình thành được nền kinh tế thị trường vận hành ổn.

Tuy nhiên, EU chỉ ra rằng Ukraine còn nhiều yếu kém trong các khía cạnh nêu trên.

EU cũng không hài lòng về việc Ukraine chưa hình thành được một hệ thống đảng phái theo kiểu EU dựa trên các lợi ích và giá trị kinh tế xã hội. Họ cho rằng các chính trị gia đắc cử tại Ukraine thường sau đó sẽ không thực hiện đúng cải cách mà họ đã cam kết với EU.

EU cũng đánh giá nền kinh tế của Ukraine chưa thực sự thị trường và khó hấp thụ cạnh tranh trong khối.

Phương Tây mệt mỏi, không còn hào phóng trong viện trợ vũ khí

Còn trong lĩnh vực quân sự, cả Mỹ và EU đều đã hào phóng viện trợ quân sự cho Ukraine nhưng những gì mà Ukraine làm được trên chiến trường không đáp ứng được mong mỏi của các nhà tài trợ này.

Cụ thể, Mỹ chỉ đạo viện trợ tới hơn 75 tỷ USD cho Ukraine. EU cũng cam kết khoảng 25 tỷ euro viện trợ quân sự cho quốc gia Đông Âu này. Chính quyền Ukraine đã tiếp nhận dần trọng pháo, hệ thống phòng không hiện đại, xe tăng Leopard 1, thậm chí cả máy bay tiêm kích F-16…

Tuy nhiên, Ukraine chưa thành công trong chiến dịch phản công Nga.

Sau 600 ngày chiến sự, quân đội Ukraine hứng chịu sự thiếu thốn nghiêm trọng đủ các loại vũ khí đạn dược. Nhiệt huyết của người Ukraine theo đuổi xung đột với Nga dường như cũng đã giảm, không còn như thuở nào.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, tướng Valery Zaluzhny thừa nhận xung đột Nga – Ukraine đã rơi vào thế bế tắc và phía Ukraine cần có một bước nhảy vọt về công nghệ thì mới phá được thế giằng co này. Ngụ ý của tướng Zaluzhnyi và Tổng thống Zelensky là Ukraine cần thêm tiền bạc từ phương Tây để tạo bước nhảy về công nghệ.

Nhưng ở đây, Ukraine lại vấp phải một vấn đề. Tổng thống Mỹ Biden đã yêu cầu quốc hội Mỹ cấp thêm 106 tỷ USD cho Israel, Ukraine và vành đai Thái Bình Dương. Nhưng phe Cộng hòa đang cản trở nỗ lực hỗ trợ Ukraine.

Một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy sự ủng hộ chủ trương vũ trang cho Ukraine đã giảm trong các đảng viên thuộc cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ Mỹ.

Trong khi đó, dường như ít có khả năng EU sẽ có khả năng bù trừ vào khoảng trống của Mỹ liên quan đến tình hình Ukraine. Điều này đúng đối với trường hợp nước Đức – quốc gia hùng mạnh nhất của EU. Các chính trị gia và quan chức quốc phòng Đức nói rằng không còn gì trong kho vũ khí hạn chế của Đức để trao cho Ukraine. Theo họ, ngành công nghiệp Đức cần đẩy mạnh sản xuất vũ khí hơn nữa.

Tin tức cho hay tâm lý mệt mỏi về chiến tranh đang lan rộng trong EU. Chính Tổng thống Zelensky đã phát biểu như thế này: “Sự kiệt sức lan truyền như một làn sóng. Ở Mỹ, ở châu Âu”.

Trong khi đó, cuộc chiến giữa Israel và Hamas tại Trung Đông đang kéo sự chú ý của thế giới khỏi tình cảnh của Ukraine hiện nay, một cách hết sức rõ ràng, kể từ ngày 7/10 vừa qua, khi Hamas bất ngờ đột kích vào lãnh thổ Israel.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới