Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiAi rơi vào “bẫy Thucydides”?

Ai rơi vào “bẫy Thucydides”?

Bẫy Thucydides là một khái niệm mang hàm nghĩa rằng, chiến tranh là xu hướng tự nhiên khi một trung tâm quyền lực mới nổi lên đe dọa thay thế trung tâm quyền lực cũ. Theo đó phân tích của các nhà nghiên cứu quốc tế thì hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc cơ nguy cơ cao nhất.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 15/11, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC, kết thúc trong bầu không khí ảm đạm vì không đạt được thỏa thuận nào. Tuy nhiên, ông Tập dường như đã đạt được mục đích riêng: giành được những nhượng bộ trong chính sách của Mỹ để đổi lấy những lời hứa hợp tác, giảm bớt căng thẳng song phương. Nhờ đó sẽ có điều kiện tập trung nhiều hơn vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cơ hội thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, bởi gần đây họ tỏ ra không mặn mà, thậm chí xa lánh Trung Quốc.

Ông Tập nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rằng, Trung Quốc tìm cách chung sống hòa bình với Mỹ và, sẵn sàng trở thành “đối tác và bạn bè” của Mỹ. Những lời này nhằm xoa dịu cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đang có nguy cơ chịu sự đàn áp của Trung Quốc, có thể bị cấm xuất cảnh và giam giữ đối với một số giám đốc điều hành.

Ông chủ Trung Nam Hải hồ hởi: “Chúng tôi mời bạn bè từ cộng đồng doanh nghiệp trên khắp thế giới đầu tư. Chúng tôi muốn tăng cường dấu ấn của bạn ở Trung Quốc”. Ông cũng hứa hẹn sẽ hành động ngay, sửa sai đối với những vấn đề khiến các nhà đầu tư nước ngoài phản đối, từ trộm cắp tài sản trí tuệ cho đến bảo mật dữ liệu.

Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden cũng ca ngợi thỏa thuận nối lại các cuộc đối thoại quân sự đã bị Trung Quốc cắt đứt sau chuyến đi năm 2022 của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan. Tuy nhiên, ông Biden tỏ ra không hài lòng về hàng loạt hành động gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc, nhất là các vụ va chạm gần đây với Philippines.

Rõ ràng, Bắc Kinh đã ít nhiều đạt được mục đích giữ mối quan hệ bình thường với Mỹ và các nước phương Tây để phát triển kinh tế. Đó là mục tiêu và động lực cơ bản mà ông Tập mang đến Hội nghị APEC.

Qua đây càng chứng minh một điều, quan hệ quốc tế đang chuyển sang một giai đoạn mới, với đặc điểm nổi bật là cạnh tranh giữa các nước lớn, đặc biệt là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là một trong những nhân tố quan trọng định hình cục diện thế giới, bởi cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung sẽ có tác động mang tính chi phối sâu rộng nhất tới điều chỉnh chính sách của các nước trong lúc này và trong tương lai gần.

Theo Giáo sư Graham Allison – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị tại Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard, sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc đang thách thức vị thế chủ đạo của Mỹ, khiến hai quốc gia này rơi vào “bẫy Thucydides”.

Ông Allison đã cùng nhóm nghiên cứu khảo sát “16 tình huống nguy hiểm” khi một cường quốc lâu năm bị thách thức bởi một quyền lực mới đang lên. Và ông phát hiện ra rằng, có tới 12 trường hợp đối đầu kết thúc bằng một cuộc xung đột công khai, thậm chí có thể dẫn đến chiến tranh thế giới.

Theo phân tích của các học giả, vị thế “thống trị” của Mỹ bị lung lay là do kết quả mang lại từ chính sách cải cách, mở cửa và hội nhập nhanh chóng của Trung Quốc vào nền kinh tế – chính trị khu vực và thế giới. Hiện nay “sức mạnh” Mỹ và phương Tây đang suy giảm. Qua các số liệu kinh tế 40 năm (giai đoạn 1983 – 2023) cho thấy, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình của các nước lớn trong giai đoạn này là: Trung Quốc tăng 9,78%/năm, Mỹ: 2,8%/năm; Anh: 2,33%/năm, Pháp: 1,99%/năm, Đức: 1,88%/năm, Nhật Bản: 1,52%/năm, Liên minh châu Âu (EU): 2,27%/năm.

Như vậy trong vòng 4 thập niên, so với các cường quốc trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7), mỗi năm, Trung Quốc có mức tăng trưởng trung bình cao từ 3,5 đến 5,2 lần. Nhờ tốc độ tăng trưởng cao liên tục, GDP đầu người của Trung Quốc từ 347 USD (năm 1990) tăng lên 12.970 USD (năm 2022), tăng cao gấp 37,4 lần. Về quy mô quốc gia, nếu như năm 1990, nền kinh tế Trung Quốc chỉ bằng 1/16 nền kinh tế Mỹ và 1/16 kinh tế EU thì đến năm 2021, Trung Quốc chính thức vượt EU và dự kiến đến năm 2030 sẽ vượt Mỹ.

Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế tạo đà tăng cường tiềm lực quốc phòng và quân sự của Trung Quốc. Do đó, Mỹ tiếp tục bị rút ngắn khoảng cách về tiềm lực quân sự và phải cảnh giác cao độ trước các sức ép nhiều mặt từ Trung Quốc.

Một khi tương quan sức mạnh Mỹ – Trung Quốc về kinh tế, quốc phòng và quân sự thay đổi thì sẽ ảnh hưởng lớn đối với hệ thống đồng minh và đối tác. Cùng với việc thay đổi nhanh chóng của các công nghệ mới, cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường sẽ ngày càng diễn ra sâu sắc trên nhiều lĩnh vực. Đó là động lực chính định hình cục diện quan hệ quốc tế trong tương lai.

Như vậy, để tránh rơi vào “bẫy Thucydides” thì cả hai cường quốc Mỹ-Trung đều cần có chiến lược mới. Quốc gia nào cũng cần có lực lượng, đồng minh, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Giờ đây khu vực này đã trở thành trung tâm của địa chính trị toàn cầu, với số số hàng tỷ người. Ngoài ra, phần lớn thương mại trên thế giới đều phải đi qua các tuyến đường trên biển ở đây.

Hội nghị thượng đỉnh APEC, vì vậy, trở nên một sân khấu chính trị. Tấm màn nhung đã khép lại trong không khí “hiểu biết và tin cậy”, “khẳng định quyết tâm mang lại một môi trường đầu tư và thương mại tự do, cởi mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, toàn diện và có thể dự đoán”- đó là trong diễn văn chính thức của nước chủ nhà. Còn trong thực tế thì, “cái bẫy” vẫn ngày càng sâu thêm, khó lường hơn bởi tham vọng của các siêu cường.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới