Monday, January 20, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLoạt "điểm nghẽn" thách thức mục tiêu tăng trưởng GDP 2024

Loạt “điểm nghẽn” thách thức mục tiêu tăng trưởng GDP 2024

Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, để đạt được tăng trưởng GDP cao trong năm 2024 đòi hỏi doanh nghiệp phải tự đổi mới chuỗi giá trị sản xuất, phân phối để thích ứng cạnh tranh mới. Trong khi đó, Nhà nước cần có nhiều đột phá chính sách, thậm chí xé rào khỏi cách làm cũ, tư duy cũ.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Uỷ viên Uỷ ban TCNS, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

Quốc hội vừa giao mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6%-6,5%, đây là con số cao so với thực tế có thể đạt được năm 2023 khoảng trên 5%. Nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp thụ hưởng cho rằng: Mục tiêu tăng trưởng cao sẽ có ý nghĩa hơn nếu các vấn đề nội tại của doanh nghiệp, của nền kinh tế được tháo gỡ.

Chuyên gia về thuế Nguyễn Văn Phụng, hai năm áp dụng giảm thuế VAT 2%, từ 10% xuống 8%, 6 tháng năm 2024 dự kiến Chính phủ sẽ đề xuất giảm tương tự. Nhưng giờ là lúc ngồi lại để phân tích, đánh giá hiệu quả chính sách để thay đổi phù hợp.

Vì đâu kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2024 đạt cao?

Trao đổi với PV Dân Việt, đại biểu Trần Văn Lâm, Uỷ viên Uỷ ban TCNS, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đặt mục tiêu tăng trưởng 6% đến 6,5% tôi cho rằng rất khả quan bởi ba trụ cột tăng trưởng: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng đều rất khả quan.

Với, xuất khẩu trong thời gian qua bị kìm hãm nhưng cuối năm đã phục hồi rất tốt, có triển vọng. Trong thời gian tới, nhu cầu thị trường thế giới tăng, khả năng phục hồi của xuất khẩu nước ta là rõ nét. Cùng với đó, nhu cầu của thị trường trong nước cũng đang có dấu hiệu phục hồi. Cuối năm 2023 và đầu năm 2024, khối lượng tiền lớn từ gói hỗ trợ kích cầu theo Nghị quyết 43 được đưa vào nền kinh tế mới thực sự ngấm, phát huy hiệu quả sẽ tác động lớn tới thị trường. Lượng tiền lớn ra thị trường sẽ kích thích sản xuất, tiêu dùng.

Về đầu tư, đầu tư công vẫn được giải ngân tuy có chậm, song tôi cho rằng đầu tư tư nhân sẽ phục hồi bởi sau một năm khó khăn, thị trường và doanh nghiệp cũng dần phục hồi.

Về tiêu dùng, năm 2024, Việt Nam sẽ thực hiện cải cách tiền lương, điều này cũng tạo sức cầu lớn, do đó, nền kinh tế có cơ sở tăng mạnh hơn năm nay. Nếu như không có những yếu tố tác động ngược chiều, đột biến thì mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2024 hoàn toàn có thể đạt được.

Cũng trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia về thuế và doanh nghiệp làm về xuất khẩu hàng sang Trung Quốc cùng có chung quan điểm. Các vấn đề vi mô, tác động trực tiếp đến doanh nghiệp cần được nhìn nhận rõ nét và thay đổi.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia về thuế, nguyên Vụ trưởng Vụ Thuế doanh nghiệp (Tổng cục Thuế). Một trong những động lực giúp tăng trưởng GDP thực tế cho doanh nghiệp là giảm chi phí thuế, phí. Năm 2022, 2023, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, và về mặt nào đó đã tác động tích cực đến doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có một chính sách đã và đang khiến DN khó khăn, phát sinh thêm chi phí là thuế VAT. Năm 2022, 2023, Quốc hội cho phép giảm thuế VAT 2% đối với các mặt hàng chịu thuế 10% xuống còn 8%. Nhưng loại trừ ngân hàng, viễn thông, bất động sản, công nghệ thông tin…

“Người ta đang cãi vã lẫn nhau, qua 2 năm thực hiện có hiệu quả chưa cao. DN là người ở giữa chuỗi sản xuất, không chỉ làm với một lĩnh vực mà nhiều lĩnh vực khác nhau nên rất khó khăn khi bóc tách đâu là khoản được ưu đãi xuống 8%, đâu là khoản vẫn giữ 10%. Doanh nghiệp nộp thuế xong lại khấu trừ, lại phát sinh chi phí. Cho nên tôi kiến nghị Chính phủ, Quốc hội năm 2024 cần cho giảm đồng bộ cho mọi ngành, lĩnh vực đều nên kinh tế thông suốt, không phát sinh chi phí”, ông Phụng nhấn mạnh.

Liên quan đến chính sách gia hạn phí, lệ phí thuê đất. Chuyên gia Phụng cho rằng: Về chính sách giảm phí đối với hạ tầng, gia hạn tiền thuê đất là rất tốt nhưng khi thực hiện các địa phương lại tăng giá đất lên, khiến DN dù được giảm phí thuê nhưng lại trả tiền nhiều hơn. “Tôi đề nghị năm 2024, phải giữ nguyên giá đất như các năm trước”, ông Phụng nêu.

Liên quan đến nguồn lực tăng trưởng, ông Phụng cho rằng tăng trưởng cao hay thấp thì cũng phải hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam có độ mở cao, đầu vào nguồn vốn phụ thuộc rất nhiều từ bên ngoài. Nhiều thị trường các nước, khi FDI rút ra thì “loạng choạng”, năng lực nội tại của kinh tế Việt Nam còn yếu cho nên phải làm sao cân bằng phát triển FDI, và kinh tế tư nhân trong nước, giữ chân được FDI và có chính sách để họ làm ăn lâu dài ở Việt Nam.

Chính sách hỗ trợ nhưng lại làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp

Đầu ra của doanh nghiệp hiện nay phụ thuộc rất lớn vào thế giới, DN Việt có thể hoặc sẵn sàn sản xuất nhưng không có đơn hàng thì cũng rất khó khăn. Chính vì vậy, phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng, mở thêm thị trường, thậm chí khai thác thị trường nội địa bởi sức mua của hơn 100 triệu dân là rất lớn, cần xác định đây là bà đỡ cho doanh nghiệp lúc khó khăn.

“Sau đợt Covid-19, tình trạng lừa đảo cả trong nước và nước ngoài rất nhiều, doanh nghiệp sản xuất, bán hàng đều phải thận trọng, chắc chắn và an toàn mới hợp tác được. Tính gì thì tính, doanh nghiệp lúc này cần hiệu quả đồng vốn là quan trọng nhất”, ông Phụng nói.

Theo ông Phụng, nhiều nút thắt về cơ chế chính sách, trong đó có đất đai cần được tháo gỡ. Ví dụ, doanh nghiệp lo ngại bị hồi tố chính sách, nên không dám triển khai dự án, dự án hoàn thành, phải chờ bởi sợ hồi tố chính sách.

Cũng trao đổi với PV Dân Việt, doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Bagico cho rằng: Nói về tầm vĩ mô, nếu muốn tăng trưởng cao, Việt Nam phải có nhiều chính sách đột phá nhằm ứng dụng những cơ hội mới, xu hướng mới cho nền kinh tế thêm dư địa, động lực.

Ngay như năng lượng xanh, trong khi Việt Nam vướng mắc, doanh nghiệp khó khăn khi đổ nhiều tiền của phải nằm chờ bán điện, thì như Trung Quốc, chính sách ưu đãi năng lượng mới rất rõ rệt, họ trợ giá cho pin năng lượng mặt trời rẻ bằng 50% năm trước, năng lượng sạch của họ là số 1 thế giới.

“Ở Việt Nam ta cũng vậy, cơ hội chuyển đổi trong các ngành kinh tế mới như năng lượng xanh, kinh tế số là có, có dư địa cho răng trưởng GDP là có nhưng phải quyết liệt. Tôi thấy một số ngành, lĩnh vực mới được nói nhiều gần đây là bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thương mại số… Việt Nam hoàn toàn có cơ hội, điều quan trọng phải cụ thể hoá chính sách ra chứ thực tế, khi thực hiện doanh nghiệp vãn bị vướng lắm”, bà Thực nói.

Cơ hội cho các ngành dịch vụ số, bán dẫn, AI của lao động Việt là rất lớn, khi dân số trẻ, ham học hỏi và cơ sở hạ tầng nhiều địa phương đã sẵn sàng.

Tuy nhiên, bà Thực nêu ví dụ: “Tại Bắc Giang, đây là địa phương được các nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên tìm kiếm cơ hội đặt nhà máy, xây trụ sở. Tuy nhiên, một số rào cản về hành chính, quy hoạch đôi lúc làm chùn chân họ.

“Nếu các thủ tục của Việt Nam chậm, ba năm chưa xong thủ tục cho một dự án đầu tư, thì doanh nghiệp sẽ đi chỗ khác ngay, chúng ta mất cơ hội”, bà Thực nói.

Cụ thể, vị này cho rằng, tỉnh muốn mở một khu công nghiệp quy mô 300ha từ diện tích lúa, quota đất lúa phải có trong quy hoạch gây mất cơ hội.

Bà Thực cho rằng, ở khu vực phía Bắc, địa phương muốn chuyển đổi đất nông nghiệp làm công nghiệp nhưng không được. Tôi thiết nghĩ cần có chủ trương đột phá không phải tỉnh nào cũng có quy hoạch lúa.

“Nếu một địa phương như Bắc Giang, có đủ cơ sở hạ tầng và có chuỗi doanh nghiệp công nghệ, giờ nhà đầu tư muốn mở thêm dự án, khu công nghiệp, nhưng vướng giới hạn đất cho nông nghiệp, cái này vượt thẩm quyền địa phương, Chính phủ phải vào cuộc, cho họ cơ chế đặc thù để chuyển đổi”, vị doanh nhân nói.

Nói thêm về lĩnh vực thương mại xuất nhập khẩu, bà Nguyễn Thị Thành Thực nêu một vấn đề là ứng dụng kinh tế số đang len lỏi vào từng lĩnh vực của Việt Nam và các đối tác khai thác rất tốt mà doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay.

“Nhiều nhà cung ứng hàng từ Trung Quốc vừa qua mở các kênh bán lẻ online ngay biên giới, ship hàng từ Lạng Sơn, Móng Cái về Hà Nội qua chợ điện tử, mạng xã hội. Nhiều chợ đầu mối tại Hà Nội như Long Biên, Ninh Hiệp ở trong tình trạng vắng bóng khách mua và tiểu thương không bán được hàng”, bà Thực nêu vấn đề.

Theo vị này, đây là tính tất yếu của xu hướng thương mại bán lẻ, bán hàng online qua các kênh thương mại điện tử, nếu chậm chân, chúng ta sẽ không thể cạnh tranh được.

Việc bán buôn qua biên giới, không chỉ làm suy giảm khả năng sản xuất của doanh nghiệp trực tiếp sản xuất mà còn khiến đổ vỡ hệ thống bán lẻ. Nguy cơ nhiều hàng giả, nhái xâm nhập sâu nội địa, ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung.

Theo bà Thực, cùng một mặt bằng chung về thương mại điện tử, AI như nhau, với thị trường hơn 100 triệu dân, doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng ứng dụng cái mới, sẵn sàng với nó. Nhà nước cũng cần có chính sách kiểm soát hàng hoá, không để hàng giả, gian lợi dụng thương mại điện tử để làm suy giảm năng lực của kinh tế Việt Nam.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới