Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông được “thai nghén” đã 31 năm (tính từ năm 1992), nhưng đến nay vẫn chưa “đẻ” được. Có thể nói, đây là vụ “chửa trâu” dài nhất trong lịch sử thế giới.
Gần đây, các học giả, các nhà nghiên cứu quá sốt ruột mà kêu lên rằng, thôi, đừng có hi vọng gì, hãy quăng cái dự thảo khung ấy vào sọt rác, giống như Trung Quốc đã từng quăng Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế tại Lahaye vào năm 2016.
Ai cố tình trì hoãn “vụ” này? Đó là Trung Quốc, không ai có thể có khả năng giấu âm mưu độc chiếm Biển Đông sau vỏ bọc chính trị một cách kiên trì và ranh ma như thế.
Vào ngày 22/7/1992, ASEAN thông qua Tuyên bố về Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Ý tưởng về COC đã được các Bộ trưởng Ngoại giao Đông Nam Á đề cập và đầy hi vọng. Thế nhưng, sau khi tất cả các bên đã cam kết đàm phán COC khi ký DOC vào năm 2002, thì Bắc Kinh cố tình chây ỳ. Kể từ năm 2016 khi Philippines thắng kiện Trung Quốc ở PCA thì Trung Quốc càng cay cú, mọi động thái “thúc giục” chuẩn bị các bước chỉ là vỏ bọc bề ngoài, bởi vì rất khó có sự đồng thuận giữa các bên.
Mới đây, hôm 18/11, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương (tại Hawai, Mỹ) Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. khẳng định: Tình hình tại những vùng lãnh hải đang có tranh chấp “ngày càng thảm hại” do thái độ lấn lướt ngày càng tăng của Trung Quốc, trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Bắc Kinh về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông lại vô cùng chậm chạp, và rất ít hi vọng.
Điều mà ông Marcos Jr. cho rằng “thảm hại” quả không sai. Trên trang The Diplomat ngày 21/11 ghi nhận các hành động gây hấn, sách nhiễu của Trung Quốc gia tăng đáng kể từ năm 2022. Bài báo liệt kê nhiều sự cố nghiêm trọng ở Biển Đông, nhất là các vùng biển của Philippines. Không dừng lại ở việc đâm va tàu biển, máy bay, Trung Quốc bắt đầu chú đến những bãi đá ngầm và vùng nước sâu giáp với bờ biển của Philippines. Chưa hiểu họ đang toan tính những gì?
Việc làm thì như thế, nhưng có cơ hội đăng đàn ở các diễn đàn đa phương, Bắc Kinh luôn tỏ ra thiện chí, với những tuyên bố “thắm tình đoàn kết” khu vực và quốc tế (!). Tháng 11/ 2022, Thủ tướng Trung Quốc thời đó là Lý Khắc Cường, tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc lần thứ 25, tại Phnom Penh, đã kêu gọi thắt chặt quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á. Ông Lý cao giọng nói rằng: “Chúng ta cần tuân thủ các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước về Luật biển -1982, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Đông Nam Á, 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và nhiều nguyên tắc phổ quát khác được luật pháp quốc tế công nhận, làm nền tảng cho các tiêu chuẩn cơ bản cho các mối quan hệ giữa Nhà nước”.
Cái vỏ bọc chính trị đã được phô diễn hào nhoáng như thế.
Còn gần đây nhất, hôm 17/11, tại San Francisco, bên lề thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, sau cuộc trao đổi giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Marcos Jr, ông Tập khẳng định: Các bên cần “nỗ lực tìm kiếm các cơ chế để hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông”.
Không thể “nỗ lực” được khi mà ASEAN khó khăn dung hòa các lợi ích của 10 thành viên trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ ở Biển Đông. Và, điều vướng mắc nhất là Trung Quốc không thực tâm đàm phán để đi đến một thỏa thuận công bằng và mang tính ràng buộc. Các cuộc đàm phán bị kéo dài bất tận, đóng vai trò là vỏ bọc chính trị, trong khi trên thực tế, Trung Quốc tìm đủ cách mở rộng quyền kiểm soát đối với nhiều yêu sách lãnh hải rộng lớn hơn nữa. Họ đã và đang thực hiện chiến thuật “bắp cải”, bóc dần từng lớp, không dẫn tới xung đột nhưng dần dần sẽ thay đổi hiện trạng.
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trước một Trung Quốc chọn “vũ lực” để khẳng định các yêu sách của mình, có ý kiến cho rằng: Liệu có thể xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử không chính thức giữa Việt Nam, Philippines và Malaysia? Nếu xây dựng được có thể coi là khúc dạo đầu cho một giải pháp đối với những tranh chấp giữa các nước này. Từ đây đặt nền tảng cho một trong những sự thống nhất rộng lớn trong khu vực về những tranh chấp ở Biển Đông.
Đấy là ý kiến được nêu ra để thăm dò, để tham khảo, nhưng không phải không có lý. Ý kiến khác lại cho rằng, Trung Quốc không thể phớt lờ đàm phán COC mãi được. Tuy nhiên, để đối phó với Chiến lược của Trung Quốc nhằm giăng lưới pháp lý tại những khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền để “bình thường hóa” những tuyên bố đó, thì các nước trong khu vực phải hết sức tỉnh táo và kiên quyết để không sa bẫy.
H.Đ