“Siêu cỗ máy” nặng nghìn tấn giúp việc xây dựng những công trình khủng ở Trung Quốc trở nên dễ dàng và nhanh hơn.
Trung Quốc được mệnh danh là “đất nước của những cây cầu”, với nhiều công trình cầu đường hàng đầu thế giới được thực hiện bằng những công nghệ xây dựng hiện đại và kỹ thuật tiên tiến. Đặc biệt phải kể đến máy dựng dầm cầu nặng nghìn tấn chỉ có duy nhất một chiếc trên thế giới.
“Siêu cỗ máy” này có tên Kunlun (Côn Lôn), được phát triển và sản xuất bởi Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCC), công ty xây dựng do Hội đồng Nhà nước Trung Quốc trực tiếp giám sát.
Kunlun dài 40m, cao 9,3m, nặng 967 tấn với hơn 15.000 bộ phận lắp ráp, có thể nâng và vận chuyển hộp cầu 1.000 tấn.
Kunlun có thể thích ứng với hoạt động xây dựng trong môi trường từ -20 đến 50 độ C. Ngoài ra, nó có thể chịu được sức gió tối đa cấp 7 ở trạng thái vận hành và sức gió tối đa cấp 11 ở trạng thái không hoạt động.
Bên cạnh đó, Kunlun được trang bị hệ thống cảm biến laser radar, giúp cỗ máy hoạt động ngay trong điều kiện thời tiết thiếu ánh sáng, đồng thời tự động điều chỉnh sai lệch trong quá trình xây lắp.
Ước tính, Kunlun có thể giúp mỗi công trình tiết kiệm khoảng 20% chi phí và tăng tốc độ lắp dựng lên 25%.
Cỗ máy lần đầu tiên được sử dụng vào tháng 11/2020 trong dự án xây dựng cầu Mai Châu, cầu đường sắt vượt biển nối liền thành phố Hạ Môn và Phúc Châu của tỉnh Phúc Kiến.
Sự xuất hiện của Kunlun đánh dấu sự cải tiến lớn về công nghệ và thiết bị phục vụ xây dựng đường sắt cao tốc của Trung Quốc, tạo điều kiện cho việc thiết kế tốc độ đường sắt cao tốc của nước này đạt 400 km/h (tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải) và đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến cầu đường ở những nơi có địa hình đặc biệt.
Trung Quốc có hệ thống đường sắt lớn thứ 2 thế giới với tổng chiều dài hơn 100.000km (sau Mỹ với hơn 250.000km). Trong số 10 tàu nhanh nhất thế giới, có tới 4 tàu đến từ đại lục.
T.P