Những người chăn nuôi chó lấy thịt ở Hàn Quốc đe dọa sẽ thả 2 triệu con chó gần Văn phòng Tổng thống để phản đối việc Seoul dự kiến ban hành luật cấm ngành nghề này.
Joo Young Bong, người đứng đầu Hiệp hội người nuôi chó thịt Hàn Quốc, đầu tuần này tuyên bố tổ chức của ông sẽ thả rông 2 triệu con chó gần các địa điểm chính phủ trọng yếu ở Seoul.
“Chúng tôi rất phẫn nộ và chúng tôi đang tính đến việc thả 2 triệu con chó đang nuôi gần Văn phòng Tổng thống, nhà của Bộ trưởng Nông nghiệp và văn phòng của các nhà lập pháp đã đệ trình dự luật”, ông nói.
“Ăn thịt chó không thể là tội phạm như buôn bán ma túy hay mại dâm”, ông Joo nói trong một chương trình đài phát thanh. “Bạn đã bao giờ thấy có ai ăn thịt chó mà gây hại cho người khác chưa?”.
Cả đảng cầm quyền và phe đối lập tại Hàn Quốc đang hợp tác xây dựng luật cấm tiêu thụ thịt chó.
Dự luật của Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền đề xuất mức phạt tối đa là 5 năm tù hoặc 50 triệu won (38.000 USD) tiền phạt đối với những người tham gia buôn bán thịt chó. Trong khi Đảng Dân chủ tự do đối lập muốn mức phạt 3 năm tù và phạt tiền lên tới 30 triệu won.
Nếu được ban hành, luật này sẽ có hiệu lực vào năm 2027. Theo đó, chính phủ sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính để các doanh nghiệp thịt chó ngừng hoạt động.
Thống kê của chính phủ cho thấy có 1.150 trang trại chó, 34 lò mổ, 219 công ty phân phối và khoảng 1.600 nhà hàng phục vụ thịt chó trên khắp Hàn Quốc.
Ông Joo không đồng ý với những con số trên. Ông cho rằng chỉ 1/3 số trang trại đã phản hồi cuộc thăm dò của chính phủ vì mục đích của cuộc khảo sát rõ ràng là để xóa sổ các doanh nghiệp này.
Bất chấp quy mô đáng kể của ngành công nghiệp thịt chó, Hàn Quốc hiện không có luật quy định ngành này, từ đó tạo điều kiện cho những cơ sở kinh doanh thịt chó “chui” hoạt động trong điều kiện mất vệ sinh và dùng các phương thức nuôi giết tàn bạo.
Các nhà hoạt động lập luận rằng những con chó được giải cứu khỏi các trang trại chó thịt có thể bao gồm cả vật nuôi bị đánh cắp.
Một cuộc thăm dò năm 2022 của Gallup Korea chỉ ra rằng 64% số người được hỏi phản đối việc tiêu thụ thịt chó. Chỉ có 8% thừa nhận đã ăn thịt chó trong năm qua, giảm đáng kể so với mức 27% vào năm 2015.
T.P