Friday, January 10, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLỗ hổng khiến bà Trương Mỹ Lan chi phối hơn 90% cổ...

Lỗ hổng khiến bà Trương Mỹ Lan chi phối hơn 90% cổ phần SCB

Tính đến tháng 10.2022, bà Trương Mỹ Lan đã sở hữu, chi phối 1.394.253.393 cổ phần Ngân hàng SCB, chiếm 91,536% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên giúp; trong đó Trương Mỹ Lan trực tiếp đứng tên sở hữu 75.888.800 cổ phần, chiếm 4,982% vốn.

Bà Trương Mỹ Lan khi chưa bị khởi tố.

Chiêu thức rút tiền từ SCB của bà Trương Mỹ Lan

Như Lao Động đã thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan. Theo đó, C03 đề nghị truy tố bị can Trương Mỹ Lan về 3 tội: “Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản”.

Theo kết luận điều tra, bà Trương Mỹ Lan là chủ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bao gồm một tập hợp các công ty con, công ty liên kết như: Công ty Cổ phần Tập đoàn VTP, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsor, Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square…

Với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng trong việc huy động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu kinh doanh của Tập đoàn và các công ty kể trên, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân bằng việc mua, sở hữu phần lớn số lượng cổ phần để thao túng hoạt động của các ngân hàng này phục vụ cho mục đích cá nhân.

Trong đó, từ tháng 12.2011, bằng hình thức nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần, Trương Mỹ Lan đã nắm giữ 81,43% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ) dưới tên của 32 cổ đông; 98,74% cổ phần của Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa dưới tên của 36 cổ đông và 80,46% cổ phần của Ngân hàng TMCP Đệ Nhất dưới tên của 24 cổ đông.

Sau khi 3 ngân hàng này được hợp nhất vào ngày 1.1.2012 với tên gọi là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB), Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,606% cổ phần của Ngân hàng SCB, đồng thời tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên Cổ phần Ngân hàng SCB để tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên 91,545% vào ngày 1.1.2018.

Tính đến tháng 10.2022, Ngân hàng SCB có vốn điều lệ 15.231.688.100.000 đồng (tương ứng 1.523.168.810 cổ phần) với tổng số 4.129 cổ đông, được NHNN công nhận; trong đó, Trương Mỹ Lan đã sở hữu, chi phối 1.394.253.393 cổ phần Ngân hàng SCB, chiếm 91,536% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên giúp; trong đó Trương Mỹ Lan trực tiếp đứng tên sở hữu 75.888.800 cổ phần, chiếm 4,982% vốn điều lệ.

Tài liệu điều tra xác định: Các cá nhân và đại diện các tổ chức này (trừ các pháp nhân nước ngoài đã liên hệ nhưng không đến làm việc) đều khai đứng tên cổ phần cho Trương Mỹ Lan.

Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, lỗ hổng pháp lý và trách nhiệm của cơ quan quản lí ở đâu trong câu chuyện bà Lan trực tiếp và gián tiếp sở hữu tới 91,536% cổ phần SCB, từ đó, gây thất thoát, thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân số tiền rất lớn.

Lo khó kiểm soát sở hữu chéo ngân hàng

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – cho biết theo quy định hiện hành, một cá nhân không được sở hữu quá 5% cổ phần của một ngân hàng; Một cá nhân và người liên quan không được sở hữu quá 20%; Một pháp nhân và người liên quan không được sở hữu quá 15%.

Trong khi đó, bà Trương Mỹ Lan trực tiếp và gián tiếp sở hữu trên 90% cổ phần tại SCB thông qua các cá nhân và pháp nhân. Điều này là hoàn toàn sai so với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Về mặt câu chữ, có thể bà Lan không liên quan đến các cá nhân, tổ chức được bà nhờ đứng tên sở hữu cổ phần, nhưng việc sở hữu vượt quá tỉ lệ tại một tổ chức tín dụng theo quy định là vẫn sai trong mọi trường hợp.

Trên thực tế, trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về kết quả ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng vừa qua, NHNN cho rằng tổ chức tín dụng, người có liên quan của tổ chức tín dụng góp vốn, mua cổ phần tại tổ chức tín dụng khác vẫn là vấn đề cần quan tâm có thể tiềm ẩn rủi ro.

NHNN cũng cho rằng, việc xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật, dẫn đến tổ chức tín dụng có thể bị chi phối bởi các cổ đông này.

Điều này dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch, đồng thời, việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

NHNN chỉ rõ việc sở hữu chéo liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ/ngành, trong khi đối tượng quản lý của NHNN chỉ là các tổ chức tín dụng nên việc sở hữu giữa các công ty trong lĩnh vực khác, NHNN không có thông tin cũng như công cụ để kiểm soát.

Ngoài ra, NHNN chỉ ra rằng, việc phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thông tin để xác định tính liên quan về sở hữu của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng rất khó khăn, NHNN không chủ động được trong việc tra cứu thông tin cũng như xác định được độ chính xác, tin cậy của các nguồn thông tin; đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán, công nghệ phát triển nhanh như hiện nay.

Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức đề xuất: “Quan trọng nhất là NHNN phải nắm con số thật và quản trên con số thật”.

Liên quan đến vấn đề sở hữu chéo tại ngân hàng, chiều 23.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà – Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – cho rằng, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định hạn chế thao túng, chi phối tổ chức tín dụng.

Trong đó, điều chỉnh người có liên quan có phù hợp với các loại hình tổ chức tín dụng và điều chỉnh sở hữu cổ phần cá nhân 3% thay vì 5% và quy định giảm dần lộ trình cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một số khách hàng, người có liên quan. Ông Phạm Văn Hoà cho rằng, “đây là vấn đề lớn”.

Theo đại biểu, quan trọng nhất hiện nay là ngân hàng phải kiểm soát, quan tâm hơn đối với trường hợp “ông chủ” của ngân hàng là doanh nghiệp đứng sau. Việc kiểm soát ngân hàng là cần thiết nhằm đảm bảo không thể xảy ra như hiện tượng SCB. Nguồn vốn cho vay đến các cổ đông của ngân hàng như hiện nay phải được giám sát mạnh mẽ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới