Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“COC nội bộ”?

“COC nội bộ”?

Một lần nữa, câu chuyện COC thành điểm chú ý của dư luận. Chỉ có điều, trong trường hợp này, là một COC khác…

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr

“Một COC khác”? Nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên bởi thông tin mới này. Nhưng đó là sự thật, hay đúng hơn, có thể thành sự thật.

Trước đó, cộng đồng quốc tế, nhất là các nước trong ASEAN, từng kỳ vọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), được thông qua ngày 04/11/2002, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8 tổ chức ở Phnôm-pênh (Cam-pu-chia), sẽ hóa giải được những căng thẳng trên Biển Đông.

Tuy nhiên, là một văn kiện thuần tính chính trị, DOC đã không đáp ứng được kỳ vọng. Cho dù trong văn kiện gồm 10 điều này, Điều 4 ghi: “Các bên liên quan chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và về quyền thực thi luật pháp bằng các phương tiện hòa bình mà không viện đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua các cuộc tham vấn thân thiện và những cuộc đàm phán bởi các quốc gia có chủ quyền có liên quan trực tiếp, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận phổ quát của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”, tình hình Biển Đông vẫn ngày một diễn biến phức tạp, căng thẳng hơn do sự gia tăng các hoạt động khiêu khích, gây hấn ngang ngược của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn” trên Biển Đông.

Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN càng nung nấu hơn việc xây dựng một văn kiện có tính ràng buộc pháp lý – văn kiện này từng được nhấn mạnh trong Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, tổ chức tại Jakarta, Indonesia tháng 7/1996.

Hồi đó, ý tưởng COC từng thổi một luồng hy vọng trong ASEAN, nhất là Việt Nam, Philippines, Malaysia, và chừng nào đó là Indonesia – những quốc gia là nạn nhân gây gổ của Trung Quốc.

Người hy vọng thường giàu nhiệt tình. Việt Nam và Philippines là vậy. Hai nước này đã hăm hở lao vào dự thảo COC và hoàn thành năm 1999, trình ra ASEAN thảo luận, sau đó đưa ra đàm phán với Trung Quốc. Tuy nhiên, công phu và tâm huyết của ASEAN chỉ được Bắc Kinh đáp lại bằng sự thờ ơ.

Tới lúc này, nhiều người mới choàng tỉnh, thấy rằng: Bắc Kinh không thờ ơ mới là lạ. Một COC rõ ràng, rành mạch, có tính ràng buộc cao hiển nhiên là điều Bắc Kinh không màng, vì nó sẽ cản trở âm mưu độc chiếm Biển Đông qua yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.

Sau lần đó, các nước ASEAN còn nỗ lực nhiều hơn nữa. Thậm chí, để thúc đẩy tiến độ, Hội nghị cấp cao ASEAN (tháng 11/2011) tổ chức tại Indonesia, lãnh đạo các nước ASEAN quyết định thành lập Nhóm công tác trong khuôn khổ cuộc họp quan chức cao cấp (SOM) ASEAN để bàn thảo xây dựng văn kiện chỉ đạo về các nội dung chính của COC – việc làm được cho là thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự cầu thị và thiện chí.

Cầu thị và thiện chí – ấy là nói trong quan hệ với Trung Quốc. ASEAN biết Trung Quốc, cho tới lúc này vẫn chẳng mấy mặn mà, dù ngoài mặt đôi lúc thể hiện sốt sắng với việc cử đại diện tham gia, đồng thời tỏ ý sẵn sàng tham vấn với ASEAN về COC, nhưng bên trong lại cố tình ngăn cản tiến trình bằng việc khước từ bàn vào những vấn đề cụ thể.

Nói một đằng, làm một nẻo – đấy là Bắc Kinh. Thậm chí, tháng 5/2017, tại cuộc họp SOM ASEAN – Trung Quốc về DOC lần thứ 14 tại Quý Châu (Trung Quốc), các bên, ngoài ghi nhận kết quả của Nhóm Công tác DOC/COC về Dự thảo khung COC, còn nhất trí sẽ trình dự thảo này để Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc (PMC+) vào tháng 8/2017 xem xét, thông qua, theo tinh thần: xây dựng lòng tin; ngăn chặn xung đột; quản lý và kiềm chế xung đột.

Tuy nhiên, ngoài một số điểm khác, hai điểm quan trọng nhất: tính pháp lý và vấn đề “chủ quyền không thể tranh cãi” (chỉ có thể đàm phán song phương thay vì cả ASEAN) đối với hầu như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc trở thành hai điểm tắc không thể vượt qua giữa hai bên (Trung Quốc và ASEAN).

Thế là, tiến độ COC thành câu chuyện hài hước về sự nhanh nhảu của loài… rùa.

Từ đó, mỗi khi thông tin về triển vọng của COC xuất hiện (như thông tin Hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN diễn ra tại Jakarta, ngày 13/7/2023, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí về các hướng dẫn nhằm đẩy nhanh đàm phán về COC), dư luận thường chỉ đáp lại bằng sự hoài nghi.

Hoài nghi và chờ đợi hàng chục năm liền đã khiến các nước ASEAN mệt mỏi, thất vọng thực sự. Trong khi đó, cũng Philippines, Việt Nam, Malaysia và gần đây là Indonesia, ngày một gánh chịu nhiều hơn các đòn gây hấn ngang ngược của Trung Quốc.

Chính thời điểm này, Philippines một lần nữa, tiên phong lựa chọn cách phản ứng khác – như họ đã từng làm với việc khởi động vụ kiện Biển Đông đình đám lên Tòa án trọng tai (PCA) năm 2013. Cụ thể, trong một sự kiện truyền hình trực tuyến ở Hawaii ngày 20/11, ông Ferdinand Marcos Jr- Tổng thống Philippines – đã nói rằng: Căng thẳng ở Biển Đông đòi hỏi Philippines phải hợp tác với các đồng minh và láng giềng để duy trì hòa bình tại vùng biển này.

“Các đồng minh và láng giềng” nào? Không ai khác, là Việt Nam, Malaysia. Cái Philippines định hợp tác là gì? Là tạo ra “bộ quy tắc ứng xử của riêng” giữa 3 quốc gia. Vì đặc điểm và tính chất đó, có người gọi đây như một “COC nội bộ”. Tuy nhiên, trong phát biểu, ông Marcos cũng hy vọng: bộ quy tắc này “sẽ phát triển và mở rộng đối với các nước ASEAN khác”.

Không phủ nhận ba nước mà Philippines đề nghị hợp tác có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở một số khu vực Biển Đông, nhưng ông Marcos cho rằng, vẫn có thể ghi nhận các nước luôn nỗ lực đối thoại một cách thiện chí, nhất trí cao việc đảm bảo duy trì hòa bình, bởi điều đó có lợi cho tất cả.

Vấn đề đặt ra là: cứ cho rằng Philippines, Việt Nam, Malaysia, thậm chí toàn bộ ASEAN đạt được cái gọi là “COC nội bộ” như ý tưởng và mục tiêu của ông Marcos đi, nhưng một khi Bắc Kinh coi văn kiện đó chỉ có giá trị như Phán quyết của PCA (nghĩa là không công nhận), thì “COC nội bộ” này dẫu hay ho, chặt chẽ tới đâu cũng phỏng có ý nghĩa gì trong việc vãn hồi sự bình lặng trên Biển Đông?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới