Điều gì đang xảy ra tại Trung Quốc khiến nhiều người té ngã bất ngờ như vậy? Còn có những cô gái mỗi ngày đều đăng những hình ảnh giàu sang của mình lên mạng xã hội, trong khi thực chất những thứ đó đều là giả. Mục đích để làm gì? Hay có những thanh niên chọn lối sống nằm ngửa không muốn kết hôn, mua nhà hay thăng tiến trong xã hội. Nguyên nhân là do đâu?
Số 1: Đồng loạt ngã
Hiện tượng té ngã chúng ta vừa thấy ở đầu video thật ra khá dễ giải thích đối với người Trung Quốc, nhưng lại khó hiểu với hầu hết mọi người. Không phải người dân không muốn ra tay giúp đỡ, mà họ sợ bị đổ lỗi là người đã gây ra tai nạn ấy. Trên thực tế, nhiều người tốt đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ như thế. Từng có nhiều trường hợp mà người té ngã hay bị thương là những kẻ mà người ta biết rõ là kẻ giả vờ té … để trục lợi.
Tuy nhiên, trong những vụ án, chính quyền Trung Quốc lại đứng về phía kẻ lừa đảo kia và bắt bên còn lại phải bồi thường. Điều này dần khiến người tốt chùn bước mỗi khi muốn chạy đến giúp ai đó. Thực trạng này phổ biến đến mức các bậc cha mẹ giờ đây thường dặn con cái rằng: “Đừng giúp đỡ người gặp nạn, hãy chỉ quan tâm đến việc của con thôi”.
Số 2: Giàu có giả tạo
Trong những năm gần đây, Trung Quốc chứng kiến một xu hướng bất thường là… giả giàu. Những cô gái lái những chiếc xe sang trọng mà họ không sở hữu, đeo những chiếc túi nhái hàng hiệu, mặc những bộ cánh sang trọng được mua từ chợ đồ giả. Trên mạng xã hội, họ check-in tại các khách sạn năm sao, đăng ảnh ăn uống ở những nhà hàng sang trọng, hay trên máy bay riêng. Tất cả chỉ nhằm giúp họ tạo nên hình ảnh về một tiểu thư giàu có, để săn đại gia.
Một thực tế, ở Trung Quốc: 1% những người siêu giàu sở hữu đến gần 31% của cải quốc gia, trong khi đó, hơn 600 triệu người vẫn sống trong cảnh nghèo đói. Do vậy, nhiều cô gái có quan niệm sai lầm rằng cưới được đại gia là cách dễ dàng nhất để họ đổi đời. Thế là ngành công nghiệp giả giàu này đã ra đời. Những cô gái ấy sẽ tham gia trại huấn luyện săn chồng giàu, để học cách hóa trang thành giới thượng lưu. Người tham gia phải trả một khoản phí để biến họ từ Lọ Lem trở thành những quý cô và nhận được sự chú ý của những người đàn ông giàu có.
Ngoài ra, họ phải chia nhau chi phí thuê khách sạn, xe hơi, hàng hiệu, và những trải nghiệm ở những nơi sang trọng, để đánh bóng tên tuổi trên mạng xã hội. Thậm chí, làm cả phẫu thuật thẩm mỹ để có được vẻ ngoài cuốn hút nhất. Sâu xa hơn, sự lừa dối này không chỉ hủy hoại nhân phẩm một khi bị bại lộ, mà còn góp phần tạo nên một xã hội dối lừa, tôn sùng vật chất.
Số 3: Bị đánh cắp tương lai
Cô Chen Chunxiu, xuất thân từ một gia đình nông dân ở Sơn Đông, đã thi tuyển đại học 16 năm trước, nhưng không nhận được giấy báo nhập học từ bất kỳ trường nào. Thế nhưng, tháng 5/2020, khi đăng nhập vào trang web chính phủ, cô bất ngờ phát hiện thấy thông tin cá nhân của mình trong ảnh của một người lạ, cho biết rằng cô đã tốt nghiệp trường đại học danh tiếng vào năm 2004.
Điều này khiến cô Chen bị sốc. Sau đó, cô được biết rằng thư nhập học của cô 16 năm trước đã được gửi cho một sinh viên khác trong cùng quận, có điểm thi thấp hơn nhiều, nhưng có cha là một quan chức chính phủ. Dưới áp lực của dư luận, trưởng thôn, giám đốc phòng tuyển sinh và những người liên quan đã bị xử phạt bằng việc khai trừ đảng, nhưng không có bất kỳ hình phạt tài chính hoặc pháp lý nào. Còn cô sinh viên giả mạo kia, cùng cha của mình được cho là đã bị cơ quan điều tra xử lý, nhưng chi tiết thế nào không ai biết. Họ cũng chưa bao giờ xuất hiện công khai để xin lỗi.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, từ năm 2018 đến 2019, tại 14 trường cao đẳng ở tỉnh Thần Đông, có 242 người bị nghi mạo danh người khác để vào đại học. Một số cư dân mạng Trung Quốc phản ánh hơn 1000 vụ mạo danh kỳ thi tuyển sinh đại học, chỉ ở một quận ở tỉnh Giang Tô.
Số 4: Sinh mạng người Trung Quốc chỉ có giá trị ở các nước phương Tây
Một học giả thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc đã từng có bài báo nói rằng Israel chắc chắn là một quốc gia tốt, đã được lưu hành rộng rãi trên các mạng Hoa ngữ ở nước ngoài. Bài báo, còn nói cách đây 10 năm, có một vụ khủng bố ở Jerusalem, nơi một chiếc xe buýt bị đánh bom, khiến hàng chục người thiệt mạng, trong đó có hai người Trung Quốc. Chính phủ Israel ngay lập tức liên hệ với phía Trung Quốc. Tuy nhiên, phát hiện ra hai người này đến từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc và trốn lậu vào Israel làm việc trái phép, nên đại sứ quán Trung Quốc không quan tâm đến việc này.
Sau đó, chính phủ Israel đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt, cho rằng Israel phải chịu trách nhiệm đối với bất kỳ ai chết vô tội trên đất nước mình. Còn việc người này có bị đưa lậu vào nước này hay không lại là chuyện khác. Cuối cùng, cuộc họp đã quyết định rằng hai người Trung Quốc đã chết phải được đối xử bình đẳng như với công dân Israel. Cha mẹ người quá cố sẽ nhận được 1100 đô la trên tháng cho đến khi họ qua đời. Con cái sẽ nhận được 1100 đô la cho đến khi trưởng thành. Những người có vợ sẽ nhận được 1700 đô la cho đến khi họ qua đời. Gia đình của những người đã khuất yêu cầu thanh toán một lần, chính phủ Israel đã trả 700.000 đô la cho mỗi người qua cố.
Tin tức lan truyền làm giấy lên cơn sốt người ở tỉnh Phúc Kiến tìm cách sang Israel làm việc.
Cách làm như Israel không phải là hiếm ở phương Tây. Vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 xảy ra ở Mỹ làm tổng cộng có 2966 người thiệt mạng? Bất kể họ có phải là công dân Mỹ hay không, bất kể họ có thẻ xanh hay không, mỗi người đều nhận được trung bình 1,5 triệu đô la tiền bồi thường từ chính phủ Mỹ.
Có thể thấy, sự lo lắng của người dân Trung Quốc là điều dễ hiểu, bởi trong môi trường như xã hội Trung Quốc, việc quan tâm, bồi thưởng như trên khó xảy ra.
Số 5: Phong trào nằm ngửa
Trước những thực trạng trên có một bộ phận thanh niên đã chọn cách sống không đua tranh với đời, không kết hôn, không sinh con, không mua nhà và chỉ duy trì mức sống tối thiểu. Họ được gọi là “những người nằm ngửa”, mặc kệ đời.
Thuật ngữ này bắt nguồn từ bài viết đăng trên mạng xã hội vào tháng 4/2021 với tiêu đề “Nằm ngửa là chính nghĩa”. Phong trào này lan rộng trong giới trẻ, như một bạn trẻ tâm sự: “Tôi đã thấy thế hệ trước phải lao động cật lực mà không mua được nhà, không mua được xe, vẫn phải chật vật mưu sinh nơi thành thị. Mọi việc đều không giống như nhà nước hứa hẹn rằng phấn đấu chăm chỉ sẽ đổi đời. Họ ví mình như những cây tỏi tây, càng ngoi lên cao càng sớm bị cắt. Chi bằng nằm ngửa ra để khỏi phải bị thu hoạch, bị bóc lột”. Trên Wechat, một bài thơ về chủ đề này đã trở nên phổ biến, có đoạn:
Nằm ngửa là để không khom người
Nằm ngửa là để không cúi quỳ
Nằm ngửa là đang đứng ngang
Nằm ngửa là thẳng bằng xương sống
Hậu quả là Trung Quốc bị thiếu hụt lao động từ chính sách cực đoan mỗi cặp vợ chồng chỉ có một con kéo dài suốt hơn 60 năm, với khẩu hiệu rùng rợn như: “Thêm một đứa trẻ là thêm một nấm mồ. Nhà sẽ bị đánh sập, bò sẽ bị tịch thu nếu từ chối nạo phá thai”.
Ngày 31/1/2021, chính quyền nước này đã thay đổi 180 độ, cho phép mỗi cặp vợ chồng được sinh ba con. Hãng tin Tân Hoa xã lập tức vào cuộc với khảo sát có tiêu đề “Chính sách sinh ba con đây, bạn đã sẵn sàng chưa” Có đến 32.000 người tham gia bỏ phiếu trong chưa đầy 1 giờ, trong đó hơn 29.000 người chọn: “Tôi không quan tâm đến điều đó”. Nhiều cư dân mạng đã bình luận rằng Trung Quốc thiếu hệ thống phúc lợi và bảo hộ lao động hợp lý, người trẻ phải làm việc cật lực kiếm đồng lương ít ỏi để nuôi bốn bố mẹ và ba đứa con. “Tại sao chúng tôi lại muốn có ba đứa con kia chứ?”. Kết quả là người trẻ vẫn quyết định thà nằm ngửa còn hơn.
T.P