Tuesday, January 7, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông “ổn định” nhưng mong manh

Biển Đông “ổn định” nhưng mong manh

Thế giới đã bước vào tháng cuối cùng của năm 2023. Nhận định tổng quan về tình hình Biển Đông trong năm, các nhà nghiên cứu nhiều năm theo dõi khu vực này cho rằng, Biển Đông vẫn đang giữ được trạng thái ổn định tương đối. Tuy nhiên, căng thẳng trên biển vẫn tồn tại, có thời kỳ rất căng thẳng.

Điều đầu tiên đáng chú ý trong các nhận định là, những va chạm giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông dường như là điểm nóng nhất trong năm. Tuy vậy, tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát của các bên liên quan, căng thẳng chưa bị đẩy lên thành xung đột. Biển Đông vẫn nằm trong “ngưỡng an toàn”, cho dù cái “ngưỡng” ấy cũng khá trừu tượng.

Bắc Kinh và Manila liên tục mâu thuẫn về nhiều vấn đề tranh chấp trên biển, nhưng vẫn giữ được sự kiềm chế khi không có những va chạm vượt quá giới hạn. Đó là kết quả của chiến dịch ngoại giao dày đặc giữa hai bên. Philippines đã gửi 34 công hàm phản đối Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc bình tĩnh bác bỏ hầu hết các cáo buộc và không quên nhắc đến vai trò của các “thế lực đứng sau” kích động, làm cho quan hệ hai nước xấu đi, nhất là sau khi Tân Tổng thống Marcos Jr nắm quyền kể từ tháng 5/2022.

Biển Đông nhiều sóng gió còn vì một lẽ, các thế lực bên ngoài nhân cơ hội căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Liên quan chủ yếu và thường xuyên tới các tranh chấp trên Biển Đông là các quốc gia: Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và vùng lãnh thổ Đài Loan.

Cần thấy rằng, những căng thẳng kéo dài không phải là vấn đề bao trùm của vấn đề Biển Đông trong năm 2023. Xu thế hợp tác và những cố gắng của các nước trong khối ASEAN đã có những bước tiến tích cực, như việc Trung Quốc và ASEAN đã tiến hành vòng đọc thứ ba Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông COC, dẫu rằng có đàm phán xong được cũng còn là chuyện “mơ về nơi xa lắm” (!).

Hợp tác và đấu tranh vẫn là xu thế chủ yếu. Các nước ASEAN đã có những hoạt động hợp tác thiết thực, chủ động hơn, như tập trận chung trên biển, thúc đẩy trao đổi hợp tác trong năm Indonesia giữ vai trò Chủ tịch.

Bức tranh chung là như thế, nhưng nó chỉ là tạm thời, bởi “trạng thái ổn định” ngày càng trở nên mong manh. Ngòi nổ cho sự căng thẳng Philippines – Trung Quốc trong năm qua được coi là nguyên nhân chủ yếu tạo ra sự mong manh đó. Mức độ nguy hiểm trong các va chạm cũng như quy mô căng thẳng có dấu hiệu mở rộng, như việc tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công các tàu của Philippines – chuyện này giống như hồi năm 2014 họ đã gây gổ với tàu của Việt Nam.

Philippines rõ ràng là bên yếu thế hơn trong những tranh chấp cũng như va chạm với Trung Quốc. Bởi vậy nước này đã có những động thái tăng cường và mở rộng quan hệ với các đối tác đồng minh quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, Australia. Đây cũng là điều khiến Bắc Kinh ngần ngại, góp phần làm dịu tình hình trên biển.

Theo phân tích của một số chuyên gia, lựa chọn chiến lược của Philippines có tác động tiêu cực tới vai trò trung tâm của ASEAN. Việc điều phối, giải quyết các mâu thuẫn trên biển của ASEAN sẽ gặp khó khăn khi mà Manila “cứng rắn” quá. Có nhà phân tích cho rằng, quá trình đàm phán COC đang diễn ra giữa ASEAN và Trung Quốc rơi vào tình trạng bất đồng là do sự “thiếu khôn ngoan” chăng? Hay là do chưa có đối sách phù hợp với một nước lớn vốn lắm mưu nhiều kế?

Tuy Biển Đông còn nhiều sóng gió nhưng cán cân lực lượng đang thay đổi. Thay đổi cấu trúc quyền lực ở khu vực đang diễn ra, cụ thể là, Philippines không đơn độc trong việc ứng phó với hành động bắt nạt của Trung Quốc. Đang có những tranh chấp phức tạp và đan xen giữa cuộc đọ sức chiến lược nước lớn trong và ngoài khu vực với cuộc đọ sức chiến thuật nước nhỏ.

Muốn giữ ổn định lâu dài thì, các nước lớn không có quyền áp đặt quyết định lên các nước nhỏ. Còn những quốc gia vừa và nhỏ cần thúc giục các nước lớn hành động có chừng mực, đồng thời nhận thức rằng họ có quyền tự vệ, hoặc thậm chí dùng tới vũ lực tuân theo luật pháp quốc tế để ngăn các quốc gia khác đe dọa và sử dụng vũ lực.

Tóm lại, các nước có liên quan trực tiếp tới vấn đề Biển Đông không có những điều chỉnh chiến lược đáng kể trong năm 2023.

Mối lo ngại lớn đối với Trung Quốc vẫn là Mỹ. Với vị trí siêu cường, Mỹ đã nỗ lực kêu gọi các nước đồng minh tăng cường quan hệ với Philippines, tạo ra các liên kết “tiểu đa phương” với nước này. Không dừng ở đó, Washington còn bắt tay các đồng minh châu Âu, mong nhận được sự hỗ trợ Manila. London đã sốt sắng ủng hộ đề nghị này của Nhà Trắng.

Vì sao Mỹ làm thế? Vì Mỹ muốn làm tăng chi phí cho các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông cốt kiềm chế Trung Quốc. Các chi phí đó là cái “rổ” khổng lồ: chi phí quân sự; chi phí pháp lý; chi phí chính trị; chi phí ngoại giao; chi phí kinh tế và chi phí dư luận.

Ngoài ra Washington cũng tận dụng tối đa sự tham gia “đóng góp” của các đồng minh, để nhẹ gánh cho Mỹ. Tháng 9/2023, Australia và Philippines đã nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược. Ngay sau đó Canberra đã có những động thái hỗ trợ an ninh cho Manila trong những năm tiếp theo.

Tương tự là Nhật Bản. Sự tham gia tích cực của các đồng minh Mỹ đã góp phần củng cố thêm chiến lược chuỗi đảo mà ở đó Philippines là một trong những mắt xích quan trọng.

Nói Biển Đông “ổn định” là vì những mối quan hệ đa chiều như vậy. Các bên vẫn đang nhìn ngó, kiềm chế lẫn nhau, khó xảy ra những xung đột lớn. Tói đây, ngoại giao vẫn được coi là mặt trận hàng đầu. Nhưng nó “mong manh” là ở chỗ, chỉ cần một chút thiếu kiềm chế là xảy ra xung đột, là chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mà có thể lại bắt đầu từ việc Trung Quốc thôn tính Đài Loan và xảy ra hiệu ứng domino.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới