Wednesday, November 20, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTại sao bạn nên dừng ngay việc đọc báo?

Tại sao bạn nên dừng ngay việc đọc báo?

Ngày xưa muốn đọc tin tức bạn phải mua sách, mua báo. Muốn có những tin mới nhất thì bạn phải dậy thật sớm, chịu khó xách cái mông ra ngoài đầu ngõ để mua tờ báo dù trời lạnh xun vòi. Nhưng bây giờ thì sao? Bạn chỉ cần nằm trong chăn, mở cái điện thoại ra, ngay lập tức sẽ có tràn ngập thông tin cho bạn đọc. Thông tin nó nhiều đến mức các hãng tin phải cạnh tranh nhau. Bạn sẽ thấy các tờ báo tìm mọi cách để tiếp cận bạn, để mời bạn, quyến rũ bạn “Anh ơi, anh xem em đi”, “Anh ơi, anh đọc em đi”. Tại sao họ bu vào bạn như vậy? Câu trả lời rất đơn giản: Đó là ngày xưa bạn mất tiền để đọc báo, còn bây giờ dù bạn đọc báo miễn phí thì người ta vẫn có tiền.

Điều đó có vẻ tuyệt vời. Nhưng ở góc nhìn khác, có lẽ chúng ta phải đặt câu hỏi rằng: Có nên đọc tin tức nữa không? Hãy điểm lại những tin tức gần đây mà bạn đã đọc xem, Một đám cháy khiến ba người thiệt mạng, Một cô gái bị công an tạm giam vì đi xe sai quy định, Một ca sĩ gặp sự cố khi đang biểu diễn, Một tai nạn khiến cô gái không qua khỏi, Một đại gia dọn khỏi siêu biệt thự nghi vấn thuê nhà, Một bài thơ vô nghĩa được in trong sách nhưng hóa ra lại là tin giả.

Rồi trước khi tìm hiểu xem chúng ta có nên đọc tin tức hay không, thì tác giả một cuốn sách về tâm lý học nổi tiếng đã thực hiện thử nghiệm với chính bản thân ông. Trước đó vị tác giả thường xuyên đọc tin tức suốt cả ngày. Nhưng đến một ngày ông đã quyết định dừng tất cả mọi thứ. Ông kể rằng, “Tôi ngừng nghe và đọc tin tức, tôi ngừng đặt báo và tạp chí, tôi dẹp luôn cả tivi và đài phát thanh, tôi xóa các ứng dụng tin tức khỏi chiếc iPhone của mình, tôi còn không thèm đụng vào một tờ báo miễn phí nào và cố tình nhìn đi chỗ khác khi có ai đó trên máy bay tìm cách mời tôi đọc một tin tức nào đó”.

Những tuần đầu tiên thì quả thật là khó khăn, hết sức khó khăn tôi luôn sợ mình sẽ bỏ lỡ điều gì đó. Thế nhưng sau một thời gian tôi có được một cách nhìn khác. Kết quả sau 3 năm là, suy nghĩ sáng suốt hơn nhiều, kiến thức giá trị hơn, những quyết định tốt hơn và có thời gian rảnh hơn hẳn. Còn điều tuyệt vời nhất đó là: Tôi chưa hề bỏ lỡ điều gì quan trọng cả. Mạng lưới xã hội của tôi, không phải là Facebook, mà là mạng lưới xã hội trong thực tế, bao gồm bạn bè và người quen bằng xương bằng thịt, đã có tác dụng như một công cụ để lọc tin tức giúp tôi ngừng cập nhật và sau đó thì vị tác giả đã quyết định rằng ông sẽ không cần thiết phải đọc tin tức.

Thực sự thì việc đọc tin tức mang đến cái hại nhiều hơn là lợi, cụ thể như sau:

Đầu tiên, là bạn nghĩ rằng mình đọc tin tức để có thêm hiểu biết, có thêm kiến thức cho cuộc sống, giúp mình hiểu hơn cuộc đời. Khi bạn không đọc tin tức ngày nào thì bạn sẽ cảm thấy mình tối cổ ngày đó. Nhưng vấn đề đặt ra cái đầu tiên là; Tin tức bạn đọc có chính xác hay không?

Thực tế thì cơ bản tin tức bạn đọc là có thật, nhưng chưa chắc nó đã chính xác và khách quan như nó vốn đã xảy ra. Bởi người viết tin tức chỉ biết một phần nào đó câu chuyện và kể cả khi họ biết mọi thứ thì vẫn chưa chắc cái tin đó đã là chính xác. Vì vấn đề để câu view: Bộ não của chúng ta phản ứng khác nhau với các kiểu thông tin khác nhau. Những thông tin nào gây sốc, giật gân, liên quan đến cá nhân, ồn ào, thay đổi nhanh chóng sẽ được chúng ta cực kỳ quan tâm và theo dõi liên tục.

Chính vì thế, rất nhiều người đưa tin đã chế biến, thêm gia vị cho thông tin khiến chúng ta thưởng thức nó với sự phê pha nhất định. Các nhà sản xuất tin tức tận dụng triệt để điều này. Những câu chuyện cuốn hút, những hình ảnh bắt mắt và những yếu tố giật gân là những cái chúng ta nhận được thông qua nỗ lực “thêm gia vị” của các nhà báo. Ví dụ như các bạn thấy nhiều cái tiêu đề đọc thì muốn sốc, nhưng khi đọc xong nội dung rồi chúng ta mới thấy tiêu đề không sốc mà sốc là ở cách giật tít của trang báo. Đáng lẽ nên viết rằng một cụ ông bị táo bón trong đêm giao thừa thì có lẽ không ai quan tâm, nên nhà báo viết: “Không thể tin được! Một cụ ông đi vệ sinh liên tục tới hai năm. Chuyện gì đã xảy ra?” Các bạn thấy có muốn đọc không? Chắc là có.

Lý do thứ hai, tin tức không hề đáng bận tâm. Trong 12 tháng vừa qua, bạn có lẽ đã tiêu thụ khoảng 10.000 mẩu tin, tương đương với khoảng 30 tin mỗi ngày. Nhưng hãy thành thật nhìn lại xem bao nhiêu trong số đó đã giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn, giúp cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn. Liệu có được 10 tin không, hay thậm chí là năm tin? Đó là chưa hỏi rằng có bao nhiêu tin trong số này mang lại điều tiêu cực khí cuộc sống của bạn mệt mỏi, áp lực, làm bạn suy nghĩ lệch lạc hơn.

Lý do thứ ba, khiến bạn nên cân nhắc đọc tin tức, là tin tức chỉ khiến ta phí thời gian. Chỉ cần giả sử rằng một người bình thường trung bình dành khoảng hai tiếng cho việc theo dõi tin tức (thực ra con số có thể cao hơn rất nhiều) vì những đợt drama như bà Phương Hằng hay Ngọc Trinh, có khi chúng ta phải dành đến cả đêm để tranh cãi nhau trên mạng xã hội. Xét trên phạm vi toàn cầu, đây là một sự thiệt hại kinh khủng về năng suất làm việc, Hai tiếng mỗi ngày tức là 14 tiếng mỗi tuần, tức là 25 ngày liên tục trong 1 năm. Một sự lãng phí rất lớn.

Vậy thì, nếu có, chỉ nên quan tâm tin tức giúp ích cho bạn. Ví dụ như tin kinh tế, xem hôm nay tình hình kinh tế thế giới ra sao; hay sức khỏe để xem nên ăn uống gì cho khỏe mạnh. Ngoài ra, dành thời gian đọc sách, tích lũy kiến thức. Cuộc sống chúng ta ngắn lắm. Nên dành thời gian cho những người mình yêu thương và những thứ đáng giá bạn ạ!

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới