Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNóng chuyện Thị Tứ

Nóng chuyện Thị Tứ

Thị Tứ là một đảo san hô trong cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa. Việt Nam có nhiều bằng chứng xác thực quá trình thực thi chủ quyền với Hoàng Sa, trong đó có bia chủ quyền tại đảo Thị Tứ do Hải quân Việt Nam Cộng hòa cắm từ năm 1963.

Philippines khánh thành cơ sở giám sát mới trên đảo Thị Tứ.

Tuy nhiên, năm 1971, Philippines cho quân bí mật chiếm đóng Thị Tứ cùng một số đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa. Để kiểm soát và chiếm giữ lâu dài, cũng là một cách chứng minh chủ quyền, Manila còn cho dân ra ở trong một dự án di dân triển khai khá bài bản. Ngoài Việt Nam và Philippines, Thị Tứ còn là đối tượng tranh chấp của Trung Quốc và Đài Loan.

Từ diện tích ban đầu hơn 30ha, tới nay, với sự bồi đắp của Philippines, đảo “nở” ra thành 44ha, căn cứ vào ảnh chụp của vệ tinh Sentinel-2 của Cơ quan vũ trụ Châu Âu. Cùng với các công trình dân sinh và hạ tầng kinh tế-du lịch khác, Philippines còn đầu tư xây dựng một đường băng từ năm 1975, có khả năng tiếp nhận máy bay cỡ lớn.

Nhận thấy Thị Tứ là một vị trí quan trọng trên Biển Đông, các bên liên quan ngày một to tiếng hơn trong việc khẳng định, đòi chủ quyền. Việt Nam chẳng hạn, mỗi khi Philippines có động thái nào đó (như vụ một tướng của Philippines tới Đảo hồi đầu tháng 6/2021) Hà Nội lại cho người phát ngôn ngoại giao tuyên bố “có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế; kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan đến quần đảo này”.
To tiếng tới mấy, suy cho cùng vẫn chỉ là đấu khẩu. Đấu khẩu dữ dội cũng vẫn ít nguy cơ dẫn đến các tình huống căng thẳng vượt ngoài tầm kiểm soát. Có điều, đó là với Việt Nam – một quốc gia láng giềng của Philippines vốn chỉ chủ trương giải quyết tranh chấp trên biển bằng đối thoại, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật biển 1981, chứ không phải bằng sức mạnh cơ bắp.

Còn với Trung Quốc, đó lại là câu chuyện khác. Bắc Kinh luôn sử dụng các thủ đoạn mà họ vẫn làm nhằm uy hiếp các bên trực tiếp liên quan vấn đề chủ quyền trên Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, là: quấy nhiễu, ngăn cản hoạt động tiếp tế; ban hành lệnh cấm đánh bắt cá…

Với Thị Tứ, Trung Quốc triệt để sử dụng “chiến thuật vùng xám” – tức sử dụng lực lượng dân quân biển vũ trang, các hạm đội đánh cá vũ trang để đạt mục tiêu kiểm soát không gian biển, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp (nhưng dưới ngưỡng chiến tranh để không gây ra xung đột quân sự…) – để uy hiếp Philippines.

Tiếp theo các phản ứng Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế trong năm 2018-2019 khiến cựu ngoại trưởng Albert Del Rosario phải lên tiếng trong một sự kiện bên lề hội nghị của Hiệp hội luật sư Philippines (PAS) tổ chức tháng 8/2019, ở thành phố Makati, rằng: “Tôi nghĩ đã tới lúc chúng ta cân nhắc việc tới Đại hội đồng Liên hợp quốc để có thể đạt đủ số phiếu cần thiết, nhằm thuyết phục Trung Quốc tuân thủ phán quyết của trọng tài”, từ năm 2021, chiều hướng câu chuyện Thị Tứ còn căng thẳng hơn, khiến dư luận Philippines nổi sóng dữ dội.

Thứ nhất, tháng 11/2021, máy bay chở đoàn của Thượng nghị sĩ Philippines Panfilo “Ping” Lacson đến đảo Thị Tứ, đã bị hải quân Trung Quốc cảnh báo bằng vô tuyến.

Thứ hai, sau đó đúng một năm, tháng 11/2022, Trung Quốc ngang nhiên giành lại, thực chất, là cướp lại, một mảnh vỡ tên lửa mà các thủy thủy Philippines phát hiện được tại khu vực quanh đảo Thị Tứ. Các nhà bình luận cho rằng, để khẳng định chủ quyền, với hành động này, Bắc Kinh đã tỏ ra là một kẻ thô lỗ.

Tháng 3 năm nay, chuyện nghiêm trọng hơn khi Philippines tố cáo Trung Quốc cho một tàu hải quân, một tàu hải cảnh cùng hơn 40 tàu dân quân xung quanh đảo Thị Tứ, nhấn mạnh rằng: “Sự hiện diện trái phép liên tục của Trung Quốc rõ ràng không phù hợp với quyền đi lại vô hại của tàu thuyền và một sự vi phạm trắng trợn đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Philippines”. Dù vậy, các tàu Trung Quốc vẫn nghênh ngang trong khu vực này như đi vào chỗ không người.

So với Trung Quốc, Philippines là một quốc gia bé nhỏ. Nhưng “Con giun xéo lắm cũng quằn”. Phản ứng lại, thời gian gần đây, ngoài việc lầm ầm ĩ lên trước thiên hạ nhằm làm Trung Quốc bẽ mặt và gia tăng triển khai xây dựng biến Thị Tứ thành một trung tâm hậu cần ở Biển Đông, từ năm 2021, Philippines đã úp mở một kế hoạch nhiều tham vọng: nâng cấp cơ sở hạ tầng ở đảo Thị Tứ để cải thiện năng lực giám sát tại các vùng biển tranh chấp.

Trước thông tin này, Bắc Kinh đã gửi những tín hiệu đe dọa về phía Manila.

Những tưởng những lời đe dọa đó sẽ khiến Manila cân nhắc lại hành động. Nào ngờ, vào ngày 1/12 vừa qua, PLP đã tổ chức một lễ hoành tráng khánh thành trạm gác mới trên đảo Thị Tứ gồm ba tầng, được trang bị các công nghệ giám sát và viễn thông tân tiến, như các radar, thông tin liên lạc qua vệ tinh hay hệ thống nhận dạng tự động hàng hải…

Cùng sự kiện, chẳng úp mở, Philippines hoan hỷ bắn tin qua lời một chuyên gia quân sự: “thu thập thông tin theo thời gian thực’’ là một ‘‘bước ngoặt quan trọng’’, ‘‘cho phép cải thiện đáng kể khả năng kiểm soát hoạt động của tàu thuyền Trung Quốc và một số nước khác’’ tại khu vực mà Philippines có chủ quyền.

“Một số nước khác” – đành là có thể Manila hàm ý Việt Nam và Đài Loan, nhưng trong bối cảnh hiện nay, ai cũng thấy, Trung Quốc mới là nguyên nhân chính khiến Philippines phải cố công để có được trạm gác nêu trên bằng được vào thời điểm này.

Chưa thu nhận được phản ứng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, với những gì từng trải, nhiều người nhận định: rất có thể sắp tới, câu chuyện Thị Tứ sẽ còn “nóng” hơn nữa với sự gia tăng các hành động gây hấn của Trung Quốc nhằm vào Philippines.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới