Sunday, November 17, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội'Đại gia' Đan Mạch muốn rót 10,5 tỷ USD làm điện gió...

‘Đại gia’ Đan Mạch muốn rót 10,5 tỷ USD làm điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Copenhagen Infrastructure Partners (CIP – Đan Mạch) là một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới đang có kế hoạch đầu tư hơn 110 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đến năm 2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch)


2 tập đoàn lớn dự kiến rót hàng chục tỷ USD vào Việt Nam

Ngày 3/12, trong chương trình làm việc tại UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Robert Helms, thành viên HĐQT Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch) và ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy (Anh).

Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) là một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi và quản lý quỹ toàn cầu hàng đầu thế giới có trụ sở chính tại Đan Mạch. Hiện nay, tập đoàn đã phát triển và quản lý 50 GW, tương đương 28 tỷ USD tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Anh, Đức… và có kế hoạch đầu tư hơn 110 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đến năm 2030.

Tại Việt Nam, CIP đã thành lập công ty liên doanh và 2 văn phòng đại diện để nghiên cứu phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, bao gồm dự án điện gió ngoài khơi La Gàn 3,5 GW tại tỉnh Bình Thuận với tổng vốn đầu dự kiến là 10,5 tỷ USD.

Còn với Enterprize Energy (EE), đây là tập đoàn đa ngành của Anh hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên biển và phát triển năng lượng (gồm dầu khí, điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ và nhiệt điện).

Tại Việt Nam, EE đã hợp tác với Societe Generale (Pháp), Vestas (Đan Mạch), ODE (Anh) để phát triển tổ hợp Thăng Long Wind tại tỉnh Bình Thuận với 2 dự án cấu phần: Thăng Long Wind (TLW) để kết nối lưới điện quốc gia, công suất 3.400 MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD; Thăng Long Wind 2 (TLW2) để sản xuất và xuất khẩu năng lượng hydrogen từ điện phân nước, tổng công suất 2.000 MW, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng cho rằng các dự án của 2 tập đoàn cơ bản phù hợp với Quy hoạch Điện VIII, đề nghị phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) để nghiên cứu, triển khai hiệu quả các dự án đầu tư cụ thể.

Thủ tướng cho rằng các bên liên quan cần cầu thị lắng nghe ý kiến của nhau, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh, bảo đảm hài hòa, hợp lý, nhất là về khâu tải điện và giá cả, trên tinh thần cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Thủ tướng đề nghị hành động nhanh chóng, triển khai, hoàn thành nhanh, gọn, dứt điểm một số dự án, sau đó rút kinh nghiệm và mở rộng triển khai các dự án khác. Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các tập đoàn nói riêng đầu tư hiệu quả, lâu dài.

Phát triển điện gió ngoài khơi vẫn khó tại Việt Nam

Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng gió, hơn 39% lãnh thổ của Việt Nam có tốc độ gió lớn hơn 6 m/s tại độ cao 65m. Đặc biệt, khoảng 8% diện tích lãnh thổ, tương đương 112 GW được đánh giá là có tiềm năng năng lượng gió tốt.

Bên cạnh đó, cùng với năng lực và kinh nghiệm xây dựng các công trình ngoài khơi, các công trình biển và hệ thống logistics phụ trợ của ngành dầu khí hiện nay, Việt Nam có thể phát huy tốt nội lực để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi gắn với chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics trong những năm tới.

Mặc dù phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam có những cơ hội lớn, nhưng cũng đang đối diện với những thách thức lớn, theo TS. Nguyễn Đức Hiển, đó là tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ; nguồn vốn lớn và dài hạn.

Đồng thời, nhiều vấn đề lớn đặt ra cần phải làm rõ như về quy hoạch, cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng, quy định cho thuê, cấp phép, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định vận hành, cơ chế giá điện và hợp đồng mua bán điện và các quy định về vận hành hệ thống điện, hệ thống cảng biển, phát triển chuỗi cung ứng.

Mới đây, Orsted – tập đoàn lớn nhất thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, vừa thông báo quyết định dừng toàn bộ hoạt động phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Orsted cho hay, các chính sách chủ chốt liên quan đến triển khai và mua điện từ dự án điện gió ngoài khơi bị chậm trễ và không rõ ràng.

Theo Orsted, ngay cả sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, thị trường vẫn phải chờ kế hoạch triển khai nhằm xác định phân bổ mục tiêu công suất cho từng thời kỳ cũng như quy định hướng dẫn về cơ chế lựa chọn nhà đầu tư. Do chưa có chính sách rõ ràng, thống nhất nên nhà đầu tư chưa mạnh dạn rót hàng tỷ USD vào các dự án. Hơn nữa, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư và cơ chế bán điện vẫn chưa rõ ràng.

Thêm nữa, cơ chế mua điện của Chính phủ từ các dự án điện gió ngoài khơi hiện vẫn chưa rõ ràng, Nhiều người băn khoăn sẽ là cơ chế thông qua đàm phán thương mại trực tiếp dựa trên giá trần hay cơ chế đấu thầu cạnh tranh về giá hay một mức giá mua điện cố định trong một thời gian có lợi cho nhà đầu tư.

Rõ ràng, các vấn đề pháp lý cùng với một số thách thức như đứt gãy hay hạn chế của chuỗi cung ứng; lạm phát và chi phí vốn tăng cao; cạnh tranh tăng từ các đối thủ khác trong ngành này đã khiến Orsted quyết định dừng phát triển các dự án tại Việt Nam.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới