Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ - Ấn Độ làm dự án cạnh tranh với TQ ở...

Mỹ – Ấn Độ làm dự án cạnh tranh với TQ ở Sri Lanka

Một tập đoàn tư nhân Ấn Độ sở hữu phần lớn dự án xây cảng biển quốc tế ở Sri Lanka mà Mỹ tài trợ, báo hiệu hình thức đối tác mới để đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.


Tập đoàn Adani của tỷ phú Gautam Adani đang tham gia phát triển một nhà ga thuộc dự án cảng quốc tế Tây Colombo ở thủ đô của Sri Lanka.

Adani nắm 51% cổ phần của dự án được cơ quan Chính phủ Mỹ tài trợ hơn 500 triệu USD. Tập đoàn John Keells Holdings và Cơ quan quản lý cảng biển Sri Lanka sở hữu số cổ phần còn lại.

Ấn Độ và Mỹ, cùng với Úc và Nhật Bản, tạo nên liên minh không chính thức mang tên “Bộ tứ”. Lãnh đạo của 4 quốc gia cho biết sẽ cung cấp một lựa chọn thay thế cho các dự án hạ tầng dùng vốn Trung Quốc ở các nước đang phát triển. Cảng mới của Sri Lanka có vẻ là dự án đầu tiên thể hiện xu hướng đó.

Giới phân tích cho rằng dự án này thể hiện quyết tâm của “Bộ tứ” nhằm ngăn chặn xu hướng các nước nhỏ trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời bảo vệ các tuyến đường thương mại và quân sự quan trọng. Một nhà ga khác của cảng thuộc quyền điều hành của công ty cảng thương mại Trung Quốc.

Cedomir Nestrovic, giáo sư về địa – chính trị tại Trường Kinh doanh châu Á – Thái Bình Dương ESSEC ở Singapore, nói rằng sẽ quá đơn giản nếu coi đây chỉ là một thỏa thuận kinh doanh.

Ông Nestrovic cho rằng có thể nhìn thấy những lợi ích địa – chính trị trong dự án được Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế (IDFC) của Mỹ tài trợ 553 triệu USD, chiếm 4/5 kinh phí xây dựng nhà ga.

Ông Nestrovic nói rằng không có nhiều trường hợp mà “Mỹ đầu tư theo cách như vậy, với một khoản tiền như vậy. Động lực về chính trị là một phần của sự cạnh tranh lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông nói.

Những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc về quân sự, thông qua sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản, đã mở rộng sang lĩnh vực kinh tế, thông qua khuôn khổ “Bộ tứ” và nỗ lực giảm bớt đầu tư của Trung Quốc, ông Nestrovic đánh giá.

Nếu mô hình đối tác trong dự án này thành công, các nhà phân tích dự đoán nó sẽ được nhân rộng ở nhiều nơi khác trong khu vực.

Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh và New Delhi cạnh tranh ảnh hưởng ở Sri Lanka và trên khắp Ấn Độ Dương, nơi có hành lang vận tải biển nhộn nhịp. Đối với Ấn Độ, những tuyến vận tải biển đó đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ vùng phía nam, khiến giới phân tích dự đoán nơi đó có thể trở thành điểm nóng tiềm tàng với Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ giữa hai cường quốc châu Á xấu đi nghiêm trọng sau vụ đụng độ chết người trên vùng núi Himalaya cách đây 3 năm.

Ấn Độ dành khoảng 4 tỷ USD để hỗ trợ tài chính và nhân đạo cho Sri Lanka trong năm 2022, trong bối cảnh Sri Lanka tìm kiếm khoản vay cứu trợ của Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) để giảm bớt gánh nặng nợ, sau khi nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch sụp đổ vì đại dịch.

Delhi theo đuổi các dự án lâu dài đầy tham vọng ở Sri Lanka, gồm cả các dự án năng lượng tái tạo và nâng cấp cảng biển ở Trincomalee phía đông bắc thành cảng lớn.

Tập đoàn Adani là hãng quản lý cảng biển lớn nhất ở Ấn Độ, sở hữu hơn chục cảng dọc bờ biển nước này, và giờ đang mở rộng hoạt động sang các quốc gia khác như Bangladesh, Tanzani, và Israel.

Theo các nhà phân tích, Mỹ chọn hợp tác với một tập đoàn tư nhân để làm nhà ga mới ở Sri Lanka để tránh thủ tục quan liêu, đồng thời vẫn tạo được sự hiện diện ít gây chú ý hơn ở các quốc gia Nam Á.

Khoản tài trợ trị giá 500 triệu USD để xây dựng đường dây truyền tải điện ở Nepal và chia sẻ phụ tải với Ấn Độ vấp phải làn sóng phản đối, vì các đảng đối lập nghi ngờ động cơ thực sự của dự án này là để thành lập căn cứ quân sự Mỹ.

Mãi đến tháng 8 năm nay, thỏa thuận với tập đoàn Millennium Challenge của Mỹ mới được triển khai sau 5 năm bế tắc.

Theo các nhà phân tích, trong một thời gian dài, Ấn Độ nghĩ rằng họ có thể tự mình đảm bảo lợi ích của mình ở Ấn Độ Dương, nhưng Delhi đã nhận ra rằng họ không đủ khả năng làm một mình, vì vậy đang chuyển hướng bắt tay với các đối tác cùng chung chí hướng.

RELATED ARTICLES

Tin mới