Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mới"Vành đai và Con đường" - 10 năm nhìn lại

“Vành đai và Con đường” – 10 năm nhìn lại

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) được xem là “đặc sản” của Chủ tịch Tập Cận Bình sau khi trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc năm 2012. Sáng kiến này được xác định là chiến lược quốc gia tại Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII (8/2013). Từ đó đến nay, sau 10 năm triển khai Sáng kiến trên quy mô toàn cầu, BRI đã thu được thành công trên nhiều phương diện, nhưng cũng đứng trước khá nhiều “búa rìu” dư luận và cả những rủi ro về địa chính trị lẫn nợ nần.

Chủ tịch Tập Cận Bình – Tổng công trình sư của Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình ký Sáng kiến “Vành đai, Con đường” năm 2013.
  1. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” với giấc mơ “ôm trọn địa cầu” của Trung Quốc

Trong chuyến thăm cấp cao Kazakhstan năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra thuật ngữ “Vành đai kinh tế và Con đường tơ lụa”. Sau đó, khi phát biểu tại Quốc hội Indonesia, Chủ tịch Trung Quốc tiếp tục đưa ra khái niệm “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”. Hai thuật ngữ này được gọi chung là Sáng kiến “Vành đai và Con đường” và được xác định là chiến lược quốc gia tại Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII (8/2013).

Với mục tiêu đưa Trung Quốc thành quốc gia “Giàu có và quyền lực” vào giữa thế kỷ XXI nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” được xem là chiến lược quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu trên.

Có rất nhiều diễn giải về ý nghĩa địa chiến lược rộng lớn của sáng kiến “Vành đai và con đường”, nhưng về mặt thực tế, có thể được hiểu bao gồm ba sáng kiến liên kết với nhau:

Một là, thiết lập “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” (SREB) trên bộ với ba nhánh chính, mục tiêu là hình thành cầu nối Á – Âu và phát triển các hành lang kinh tế Trung Quốc với Mông Cổ, Nga, Trung Á và Đông Nam Á.

Hai là, xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” (MSR), nhằm xây dựng các hành lang kinh tế qua Ấn Độ Dương, kết nối Trung Quốc với Nam Á, Trung Đông, châu Phi và Địa Trung Hải.

Ba là, hình thành dự án “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” nhằm hướng tới xây dựng một siêu xa lộ thông tin kết nối nước này với châu Âu và châu Phi.

Hai trụ cột đầu tiên của sáng kiến “Vành đai và con đường” là khôi phục “Con đường tơ lụa” trên bộ đã có trong lịch sử và “con đường tơ lụa” trên biển, nhằm kết nối Trung Quốc với các nước Đông Á, Trung Á, Trung Đông, Đông Phi và châu Âu. Dọc theo hành lang này, một loạt các dự án cơ sở hạ tầng được thiết lập bao gồm đường ống dẫn dầu, đường bộ, đường sắt và cảng biển, cùng với đó là các khoản đầu tư phát triển công nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi. Tham vọng của Trung Quốc là phát triển và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, từ đó tạo ra một “vành đai” nối Trung Quốc với các trọng điểm kinh tế Đông Á, Tây Á, Nam Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ; tạo cơ hội kết nối Trung Quốc về hạ tầng và thương mại với các nền kinh tế (chiếm khoảng 40% GDP và 60% dân số thế giới).

Trụ cột thứ ba của sáng kiến “Vành đai và con đường” là “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” được công bố lần đầu trong diễn đàn sáng kiến “Vành đai và con đường” tháng 5.2017, trong đó đưa ra việc lắp đặt tuyến cáp quang dưới biển cung cấp đường truyền Internet ngắn nhất giữa các quốc gia châu Á – châu Âu và châu Phi, đồng thời cung cấp “cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến cho các quốc gia tham gia “Vành đai và con đường”, bao gồm mạng băng thông rộng, trung tâm thương mại điện tử và thành phố thông minh”.

BRI có thể được coi là sáng kiến vĩ đại hướng tới toàn cầu với nhiều tham vọng và hoài bão nhất, có nội dung thực tế và biện pháp cụ thể nhất được đưa ra kể từ khi Cộng hoà nhân dân Trung Hoa được thành lập. Với những thành tựu chưa từng có trên phương diện kết nối, BRI được kỳ vọng đưa Trung Quốc từng bước tiến đến giấc mơ “ôm trọn địa cầu”.

  1. Những thành công của “Vành đai và Con đường” sau 10 năm triển khai thực hiện

“Vành đai và con đường” (BRI) sau 10 năm nhìn lại nổi bật những thành công và đóng góp vào sự phát triển của nước tham gia BRI, đặc biệt, Trung Quốc đã nỗ lực kết nối với các châu lục, các quốc gia dọc tuyến đường trên tất cả các phương diện như xây dựng hạ tầng, đầu tư thương mại, văn hóa du lịch, an ninh chính trị, quân sự, ngoại giao,… nhằm tạo dựng những hành lang hợp tác kinh tế lớn quan trọng, kết nối Á – Âu, một đầu là vành đai kinh tế Đông Á đầy năng động, một đầu là vành đai kinh tế châu Âu phát triển và ở giữa là các nước có tiềm năng kinh tế lớn. Với việc đưa ra cơ chế hợp tác rộng mở, nới lỏng các rào cản thương mại, kinh doanh, đầu tư xuyên biên giới, trái ngược với các cơ chế hợp tác “khắt khe” do Mỹ đang đóng vai trò chủ trì, Trung Quốc đã mở rộng và phát triển quan hệ ngoại giao với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, tạo dựng thị trường hướng tâm về Trung Quốc để đẩy lùi sức ép cạnh tranh từ Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ.

Theo Sách Trắng về BRI do Trung Quốc công bố mới đây, tính đến nay, sáng kiến này đã thu hút sự tham gia của hơn 150 nước, tức hơn 3/4 quốc gia trên thế giới và hơn 30 tổ chức quốc tế. Các lĩnh vực hợp tác trải dài từ cơ sở hạ tầng đến công nghệ và thậm chí cả hợp tác trong lĩnh vực hàng hải và không gian vũ trụ. Theo số liệu chính thức do tờ “Nhân dân nhật báo” của Trung Quốc đăng tải vào tháng 6/2023, trong giai đoạn 2013-2022, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nước dọc tuyến BRI đã tăng từ mức 1.000 tỷ USD lên 2.000 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 8%. Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) ước tính, đến thời điểm năm 2019, Trung Quốc đã chi 200 tỷ USD cho các dự án BRI và dự đoán con số đó có thể tăng lên khoảng giữa 1,2 và 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Tính đến cuối năm 2021, GDP của hơn 150 quốc gia ký thỏa thuận BRI với Trung Quốc là 20,03 nghìn tỷ USD, chiếm 23% GDP toàn cầu. Tổng dân số 3,68 tỷ người, chiếm 47% tổng dân số thế giới.

Về phía các nước tham gia sáng kiến, một lợi thế dễ nhận thấy là, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu tác động lớn bởi dịch bệnh, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hoạt động thương mại gặp nhiều khó khăn, “Vành đai và con đường” sẽ giúp cải thiện hạ tầng ở các nước, nhất là các nước đang phát triển, từ đó đẩy mạnh toàn cầu hóa, thúc đẩy đầu tư, thương mại quốc tế. Trước nhiều thách thức của dịch bệnh trong năm 2020, một lượng lớn các dự án nước ngoài của Trung Quốc vẫn tiến triển đều đặn, ổn định. Năm 2020, đầu tư trực tiếp phi tài chính vào các nước dọc tuyến đường là 17,8 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước; đầu tư trực tiếp vào các nước dọc tuyến là 18,61 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Các dự án đường sắt lớn như Trung Quốc – Lào, Jakarta – Bandung… đã đạt được những tiến triển tích cực. Trong quý đầu năm 2020, các quốc gia dọc theo “Vành đai và con đường” đã thành lập 1.241 doanh nghiệp mới ở Trung Quốc, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước và đầu tư thực tế là 3,25 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ năm trước 64,6%. Theo Ngân hàng thế giới, đến năm 2030, việc xây dựng “Vành đai và con đường” dự kiến sẽ giúp 7,6 triệu người trên thế giới thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực và 32 triệu người thoát khỏi mức nghèo vừa phải.

Theo Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR, Mỹ), hiện Trung Quốc đã chi khoảng 1 nghìn tỷ USD cho BRI và nếu duy trì cho đến khi các kế hoạch của BRI hoàn thành, tổng chi phí cho sáng kiến này có thể lên tới 8 nghìn tỷ USD. Trong khuôn khổ BRI, cho đến nay, khoản đầu tư lớn nhất từ Trung Quốc là vào Pakistan, với 62 tỷ USD cho các dự án thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC). Đây là tập hợp các dự án kết nối quan trọng bậc nhất BRI ở Nam Á, nối Trung Quốc với cảng nước sâu Gwadar của Pakistan trên Biển Arab ở phía Tây Nam và các nước Trung Á ở phía Tây Bắc. Chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc, ông David Sacks của CFR cho biết: “BRI là một trong những chiến lược phát triển quyết đoán và táo bạo nhất của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Bắc Kinh đã thành công trong việc vẽ lại bản đồ thương mại toàn cầu theo cách lấy Trung Quốc làm trung tâm chứ không phải Mỹ hay châu Âu”.

  1. Dư luận phương Tây và những rủi ro cả về địa chính trị lẫn nợ nần của Sáng kiến “Vành đai và Con đường”

Dù không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của “Vành đai và Con đường” đến các quốc gia đang phát triển, nhưng với tham vọng và cách tiến hành của Trung Quốc đã khiến phương Tây nhận định rằng, kế hoạch cơ sở hạ tầng quy mô lớn tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc này hại nhiều hơn là lợi. Các tranh cãi lớn xảy ra dựa trên các mục tiêu “ngũ thông” của Sáng kiến là: “Chính sách thông thoáng, đường sá liên thông, thương mại thông suốt, tiền tệ lưu thông và lòng dân thông hiểu”.

Một là, vấn đề tham nhũng trong “chính sách thông thoáng”

Niva Yau, nghiên cứu viên Nhật Bản của Trung tâm Trung Quốc toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng nếu đánh giá từ 3 dự án lớn, đó là cảng cạn Khorgos gần biên gới Kazakhstan (Trung Á), cảng Hambantota của Sri Lanka và Tuyến đường sắt Bờ biển phía Đông chưa hoàn thành của Malaysia thì nêu bật thất bại lớn nhất của BRI, đó là tham nhũng quá nghiêm trọng. Lý do đằng sau điều này là cách tiếp cận của Trung Quốc cho phép giới tinh hoa của nước sở tại được hưởng lợi, nhưng BRI chỉ tập trung vào kết nối thương mại và cơ sở hạ tầng, mà không có ý định tạo ra mô hình quản trị hiệu quả.

Hai là, định hướng lợi nhuận từ “đường sá liên thông”

BRI dựa trên “sự hợp tác và cùng xây dựng”, tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng lại xem nhẹ trách nhiệm đối với triển vọng phát triển của nước sở tại. Ammar A Malik, nhà khoa học cấp cao tại AidData, phòng nghiên cứu thuộc đại học William & Mary (bang Virginia, Mỹ) cho rằng các công ty Trung Quốc đến thực hiện các dự án với tâm thế kinh doanh và không có ý định tham gia vào kế hoạch “phát triển” lâu dài của nước sở tại. Với tư duy phát triển hướng tới lợi nhuận này đã khiến các nước sở tại rơi vào tình cảnh khó khăn mà họ vốn đang phải đối mặt như tham nhũng, ô nhiễm môi trường, bảo hộ lao động, dẫn đến khó có thể phát triển một cách bền vững.

Ba là, ngoại giao bẫy nợ với tiền tệ lưu thông

Khái niệm “chính sách ngoại giao bẫy nợ” cũng được bàn luận rộng rãi với hàm ý Trung Quốc đang cố tình gây sức ép cho các quốc gia tham gia BRI, tạo nên quyền lực mềm của mình. Bằng cách lôi kéo các nước tham gia vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ, Trung Quốc đã tạo ra sự phụ thuộc của các nước đó đối với chính sách của mình khi các nước mất đi khả năng trả nợ, cuối cùng phải bán lại các tài sản như cảng biển hoặc quyền sở hữu khoáng sản để gán nợ.

Các điều khoản để vay Trung Quốc không phức tạp như các yêu cầu mà IMF đặt ra cho các nước đi vay nợ. Chính vì lý do như vậy mà các nước đang gặp khó khăn về kinh tế đều tìm đến các khoản cho vay của Trung Quốc. Tất nhiên, việc vay dễ dàng đi kèm với điều kiện là chi phí vay không hề rẻ. Theo tính toán của các chuyên gia, các khoản vay giải cứu của Trung Quốc có lãi suất trung bình khoảng 5%, trong khi một khoản vay giải cứu của IMF chỉ khoảng 2%.

Các khoản nợ của Trung Quốc đang tạo ra gánh nặng cho tài chính quốc gia và khiến các nước càng trở nên phụ thuộc vào Bắc Kinh. Tại các quốc gia mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất như Pakistan, Kenya, Zambia, Lào và Mông Cổ, gánh nặng từ các khoản nợ được đặt lên vai người dân thông qua thuế. Dự trữ ngoại tệ quốc gia cũng dần cạn kiệt khi các nước dùng ngoại tệ để thanh toán lãi cho các khoản vay. Thống kê cho thấy, 50% tổng các khoản nợ nước ngoài của các nước này là từ Trung Quốc và họ phải sử dụng 1/3 tổng thu nhập công để trả nợ. Như trường hợp của Lào, nợ vay Trung Quốc được ước tính khoảng 12,2 tỷ USD hay 64,8% GDP Lào vào năm 2021. Lào đã phải cam kết lấy thu nhập từ một mỏ bauxite và ba mỏ kali làm tài sản thế chấp cho khoản vay. Ở một dự án khác, Lào đã phải nhượng quyền cho một công ty Trung Quốc quyền xây dựng và quản lý lưới điện quốc gia trong vòng 25 năm để đổi lấy việc xóa nợ. Trường hợp khác, tập đoàn COSCO của Trung Quốc đã mua lại 67% cổ phần của Cảng Piraeus, cảng lớn nhất Hy Lạp. Một số nước như Sri Lanka đã bị buộc phải nhượng lại cơ sở hạ tầng (cảng Hambatota) cho Trung Quốc theo hợp đồng thuê 99 năm, chẳng khác nào một sự từ bỏ chủ quyền.

Bốn là, sự “chảy ngược” của hàng hoá Trung Quốc với “thương mại thông suốt”

Hầu hết các nước ký kết BRI đều hy vọng rằng với sự kết nối về cơ sở hạ tầng như vận tải đường biển và đường bộ, các nước có thể tăng xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng mọi thứ không như mong muốn. Italy là quốc gia mới đây nhất dự định rút khỏi BRI, lý do nước này không được hưởng lợi từ sáng kiến này. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Italy Guido Crosetto chỉ trích quyết định tham gia BRI là quyết định “ngẫu hứng và tồi tệ”. Trong cuộc phỏng vấn của CNN, ông còn chỉ ra một cách cường điệu rằng xuất khẩu của Trung Quốc sang Italy đã tăng gấp nhiều lần trong 3 năm qua, nhưng Italy “chỉ bán được một lô cam” cho Trung Quốc.

Niva Yau của Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, kết nối cơ sở hạ tầng vốn có lợi cho việc đưa sản phẩm của Trung Quốc vào thị trường các nước hiệu quả hơn. Ông cũng cho rằng thâm hụt thương mại, một số nước ký kết BRI còn phải trả giá chính trị, chẳng hạn Malaysia phải thăm dò thái độ của Trung Quốc, không dám đứng ra chỉ trích các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Năm là, bóc lột sức lao động dưới danh nghĩa “lòng dân thông hiểu”

Khi các nước chấp nhận dự án BRI, phía được hưởng lợi nhất là công ty Trung Quốc và hàng trăm nghìn lao động Trung Quốc, gây ra phản ứng dữ dội từ tầng lớp công nhân ở nhiều quốc gia. Mặc dù sau đó các công ty Trung Quốc đã tung ra cơ hội việc làm và đào tạo tại chỗ cho người lao động ở nước sở tại, nhưng quan niệm về quyền lao động của công ty Trung Quốc không tốt. Thậm chí ngay cả người lao động Trung Quốc cũng phàn nàn rằng họ bị đối xử hà khắc khư khấu trừ lương, đối xử bạo lực, hạn chế quyền tự do các nhân, bị nợ 3-4 tháng tiền lương hoặc khi phải về nước mới được thanh toán tiền lương.

Thông qua BRI, Trung Quốc khiến các nước đang phát triển lệ thuộc vào nợ và sau đó chuyển sự lệ thuộc đó thành ảnh hưởng địa chính trị. Tuy nhiên, tình hình chính trị và kinh tế của những quốc gia này cũng có không ít những vấn đề trở ngại, khiến Trung Quốc phải đối mặt với những nhược điểm về sự thay đổi chính trị và rủi ro nợ nần. Pakistan có vị trí địa chính trị rất quan trọng, nên việc xây dựng hành lang kinh tế Trung quốc – Pakistan hiển nhiên mang lợi ích cho Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Pakistan có mối quan hệ không tốt với Ấn Độ và Afghanistan cũng gây sức ép lớn lên chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Báo cáo do Ngân hàng thế giới (WB), Trường Harvard Kennedy, Phòng nghiên cứu dữ liệu AidData của Đại học William & Mary (Mỹ) và Viện nghiên cứu kinh tế thế giới Kiel (Đức) công bố tháng 3 cho thấy trong giai đoạn 2008-2021, Trung Quốc đã tài trợ 240 tỷ USD cho 22 nước đang phát triển. Báo cáo nêu rõ trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nước nhận tài trợ của Trung Quốc mà khó thanh toán các khoản vay đúng hạn, do đó Bắc Kinh phải cung cấp thêm các gói vay giải cứu để giúp những nước rơi vào khủng hoảng nợ tiếp tục thanh toán các khoản vay trước đó. Ở mức độ nào đó, loạt vấn đề nợ này khiến Trung Quốc trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới. Ở giai đoạn 2016-2021, tỷ lệ nợ của Mỹ trong số các nước chủ nợ toàn cầu đã giảm xuống còn 2,4%, trong khi tỷ lệ nợ của Trung Quốc lại tăng vọt lên 30,4% với hơn 60% các khoản cho vay của Trung Quốc nằm tại các quốc gia gặp khó khăn với việc trả nợ. Mặc dù điều này đồng nghĩa với việc sức ảnh hưởng và địa vị của Trung Quốc tăng lên đáng kể, nhưng dưới tác động dồn dập của đại dịch COVID-19, cuộc chiến Nga-Ukraine khiến giá cả nguyên vật liệu tăng cao và các nước mắc nợ lần lượt yêu cầu giảm nợ. Đây có lẽ là vấn đề lớn khiến Trung Quốc phải đối mặt với kinh tế giảm tốc.

Liên quan đến những tranh cãi về BRI, giới nghiên cứu Trung Quốc cho rằng trong 10 năm qua, BRI đã thành công “mở rộng vòng tròn bạn bè của Trung Quốc, mở rộng quan hệ đầu tư và kinh tế- thương mại của Trung Quốc, giúp nhiều nước đang phát triển cải thiện cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế, khiến thế giới (đặc biệt là phương Tây) quan tâm hơn đến các nước đang phát triển và các tổ chức tài chính toàn cầu chú tâm hơn đến việc xây dựng hạ tầng”. Nhìn về tương lai, họ cũng cho biết BRI phiên bản 2.0 dự kiến sẽ chú trọng hơn đến phát triển xanh, tích hợp công nghệ mới, mô hình cùng có lợi và hợp tác toàn diện giữa các nước đang phát triển. Tuy nhiên, trừ khi Trung Quốc đưa ra các cam kết cải cách chính trị, kinh tế và cải thiện trình độ quản lý trong và ngoài nước, nếu không sẽ rất khó “đánh bóng” lại thương hiệu BRI và không thể thực sự nâng cao vị thế của các nước dọc tuyến – mục tiêu mà các nước này tin rằng có thể đạt được khi quyết định tham gia BRI.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới