Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNguồn gốc xung đột Israel- Hamas

Nguồn gốc xung đột Israel- Hamas

Lý do khiến người ngoài khó có thể hiểu được cuộc chiến Hamas-Israel là bởi vì có đến ba cuộc chiến đang diễn ra cùng lúc: một cuộc chiến giữa người Do Thái ở Israel và người Palestine, vốn đã bị một nhóm khủng bố làm trầm trọng thêm; một cuộc chiến trong các xã hội Israel và Palestine về tương lai của họ; và một cuộc chiến giữa Iran và các lực lượng uỷ nhiệm với Mỹ và các đồng minh.

Nhưng trước khi đi sâu vào ba cuộc chiến đó, điều quan trọng nhất cần ghi nhớ là: Có một công thức duy nhất có thể tối đa hóa cơ hội giúp các thế lực đứng đắn chiếm ưu thế trong cả ba cuộc chiến. Đó là công thức mà tôi nghĩ Tổng thống Biden đang thúc đẩy, ngay cả khi ông không thể trình bày công khai tất cả vào lúc này – và tất cả chúng ta nên thúc đẩy nó cùng với ông: Hamas nên bị đánh bại, càng có nhiều dân thường Gaza thoát nạn càng tốt, Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel và các đồng minh cực đoan của ông phải bị loại bỏ, tất cả các con tin được trả tự do, Iran bị răn đe, và Chính quyền Palestine ở Bờ Tây có thể hồi sinh quan hệ đối tác với các quốc gia Ả Rập ôn hòa.

Cần đặc biệt chú ý đến điểm cuối cùng: Một Chính quyền Palestine được cải tổ là nền tảng cho các lực lượng ôn hòa, đứng đắn, và sẵn sàng chung sống với nhau giành chiến thắng trong cả ba cuộc chiến. Nó là nền tảng để khôi phục giải pháp hai nhà nước. Nó là nền tảng để bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Ả Rập Saudi, cũng như với thế giới Hồi giáo Ả Rập rộng lớn hơn. Và nó là nền tảng để tạo ra một liên minh giữa Israel với những nước Ả Rập ôn hòa, Mỹ, và NATO, một liên minh có thể làm suy yếu Iran và các nhóm ủy nhiệm của họ là Hamas, Hezbollah, và Houthi – cả ba nhóm đều không có mục tiêu tốt đẹp.

Thật không may, như phóng viên quân sự của Haaretz, Amos Harel, đã đưa tin hôm thứ Ba, Netanyahu “bị trói buộc bởi phe cực hữu và những người định cư, những người đang chiến đấu trong một cuộc chiến tổng lực chống lại ý tưởng về bất kỳ sự tham gia nào của Chính quyền Palestine ở Gaza, chủ yếu do lo ngại rằng Mỹ và Ả Rập Saudi sẽ khai thác động thái này để khởi động lại tiến trình chính trị và thúc đẩy giải pháp hai nhà nước theo cách buộc Israel phải nhượng bộ ở Bờ Tây.” Vì vậy, Netanyahu, “dưới áp lực từ các đối tác chính trị của mình, đã cấm mọi cuộc thảo luận về lựa chọn này.”

Nếu Netanyahu bị “trói buộc” bởi quyền lực chính trị của mình, Biden cần phải hết sức cẩn trọng để không trở thành một trong những kẻ trói buộc Netanyahu. Bởi đó không phải là cách để chiến thắng ba cuộc chiến này cùng một lúc.

Cuộc chiến đầu tiên và rõ ràng nhất trong ba cuộc chiến là trận đánh mới nhất trong cuộc đối đầu đã kéo dài hàng thế kỷ giữa hai dân tộc bản địa – người Do Thái và người Palestine – trên cùng một vùng đất, nhưng có một điểm mới: Lần này phía Palestine không được lãnh đạo bởi Chính quyền Palestine, lực lượng mà theo Thoả thuận Oslo đã cam kết đi đến giải pháp hai nhà nước dựa trên các đường biên giới tồn tại trước cuộc chiến năm 1967, mà được lãnh đạo bởi Hamas, một tổ chức chiến binh Hồi giáo với mục tiêu tiêu diệt bất kỳ nhà nước Do Thái nào.

Vào ngày 7/10, Hamas đã phát động chiến tranh hủy diệt. Bản đồ duy nhất mà các chiến binh Hamas mang theo bên mình không phải là một bản đồ hai nhà nước, mà là loại bản đồ có thể giúp họ tìm được nhiều người nhất ở kibbutzim (khu định cư) của Israel, sau đó giết hại hoặc bắt cóc càng nhiều người càng tốt.

Dù tôi tin chắc rằng việc chấm dứt sự cai trị của Hamas ở Gaza – điều mà mọi chế độ Ả Rập theo dòng Sunni, ngoại trừ Qatar, đang âm thầm ủng hộ – là cần thiết để mang lại cho cả người dân Gaza lẫn người dân Israel hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, thì nỗ lực chiến tranh của Israel vẫn sẽ mất đi tính chính danh và trở nên không bền vững, trừ phi lính Israel chịu quan tâm nhiều hơn đến thường dân Palestine. Cuộc xâm lược của Hamas và cuộc phản công vội vã của Israel đang gây ra một thảm họa nhân đạo ở Gaza, qua đó càng nhấn mạnh rằng Israel cần một đối tác Palestine hợp pháp để giúp quản lý Gaza trong giai đoạn hậu chiến.

Cuộc chiến thứ hai, có liên quan rất nhiều đến cuộc chiến thứ nhất, là cuộc đấu tranh trong các xã hội Palestine và Israel về tầm nhìn dài hạn tương ứng của họ.

Hamas lập luận rằng đây là một cuộc chiến sắc tộc-tôn giáo giữa người Palestine chủ yếu theo đạo Hồi và người Do Thái, và mục tiêu của tổ chức này là thành lập một nhà nước Hồi giáo trên toàn bộ Palestine, từ Sông Jordan đến Địa Trung Hải. Đối với Hamas, kẻ chiến thắng sẽ có tất cả.

Tại Israel, cũng có một quan điểm cực đoan tương tự như của Hamas. Những người định cư theo chủ nghĩa Do Thái thượng đẳng đang hiện diện trong nội các của Netanyahu không phân biệt giữa những người Palestine ủng hộ Hiệp định Oslo và những người Palestine ủng hộ Hamas. Họ coi tất cả người Palestine đều là hậu duệ thời hiện đại của người Amalekite. Như tạp chí Mosaic đã giải thích, người Amalekite là một bộ tộc du mục sa mạc được nhắc đến khá nhiều trong Kinh Thánh. Họ sinh sống ở phía bắc Negev ngày nay, gần Dải Gaza, và chuyên làm ‘nghề’ cướp bóc.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi một số người định cư Do Thái không thể ngừng nói về việc xây dựng lại các khu định cư ở Gaza. Họ muốn có một Đại Israel từ sông tới biển. Netanyahu đã chấp nhận các đảng cực hữu này cùng với chương trình nghị sự của họ để thành lập chính phủ của mình, và giờ đây, ông không thể trục xuất họ mà không mất đi quyền lực.

Tuy nhiên, trong các cộng đồng Israel và Palestine, cũng có những người coi cuộc chiến này là một chương trong cuộc đấu tranh chính trị giữa hai nhà nước, mà mỗi bên đều có một lượng công dân đa dạng tin rằng cuộc chiến này không nhất thiết phải là một mất một còn. Họ đã hình dung việc phân chia lãnh thổ thành một nhà nước Palestine với người Hồi giáo và Thiên Chúa giáo – và thậm chí cả người Do Thái – ở Bờ Tây, Gaza, và Đông Jerusalem, cùng tồn tại hòa bình với một nhà nước Israel có sự pha trộn giữa người Do Thái, người Ả Rập, và người Druze.

Những người theo chủ nghĩa hai nhà nước này hiện đang ở thế phòng thủ trong cả hai cộng đồng, đối đầu với những người theo chủ nghĩa một nhà nước. Vì vậy, lợi ích cao nhất của Mỹ và tất cả những nước ôn hòa là đem giải pháp hai nhà nước quay trở lại. Điều đó sẽ đòi hỏi một Chính quyền Palestine được hồi sinh, được loại bỏ nạn tham nhũng và thói kích động bài Do Thái, đồng thời có các lãnh đạo và lực lượng an ninh đáng tin cậy. Đây là lúc các quốc gia như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Saudi, cùng với Mỹ, nên can dự ngay lập tức.

Bất kỳ giải pháp hai nhà nước nào trong tương lai đều sẽ không trở thành hiện thực nếu không có một Chính quyền Palestine hợp pháp, đáng tin cậy, mà Israel tin tưởng giao cho quyền quản lý Gaza và Bờ Tây thời hậu Hamas. Nhưng điều đó không chỉ đòi hỏi sự đồng thuận của Israel; nó cũng yêu cầu người Palestine phải hành động. Liệu họ có đủ khả năng không?

Sự hợp tác của người Palestine cũng là điều không thể thiếu để chiến thắng trong cuộc chiến thứ ba, cũng là cuộc chiến khiến tôi lo sợ nhất.

Đó là cuộc chiến giữa Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ – Hamas, Hezbollah, lực lượng dân quân Houthi và Shiite ở Iraq – chống lại Mỹ, Israel, và các quốc gia Ả Rập ôn hòa như Ai Cập, Ả Rập Saudi, Jordan, UAE, và Bahrain.

Cuộc chiến này không chỉ xoay quanh bá quyền, sức mạnh quân sự và năng lượng, mà còn là cuộc chiến về các giá trị. Israel và Mỹ đại diện cho sự thúc đẩy các khái niệm nhân văn phương Tây về trao quyền cho phụ nữ, dân chủ đa sắc tộc, đa nguyên, khoan dung tôn giáo, và pháp quyền – vốn là mối đe dọa trực tiếp đối với nền thần quyền Hồi giáo coi thường phụ nữ của Iran, với sự tàn bạo được thể hiện mỗi ngày khi phụ nữ Iran bị bỏ tù, thậm chí giết hại một cách tàn nhẫn, chỉ vì không che kín tóc của họ.

Dù các đồng minh Ả Rập của Mỹ và Israel không phải là các nền dân chủ – và cũng không muốn trở thành các nền dân chủ – nhưng giới lãnh đạo các nước này đều đang rời xa mô hình cũ là xây dựng tính chính danh thông qua phản kháng – phản đối Israel, Mỹ, Iran, và người Shiite được Iran hậu thuẫn – và hướng tới xây dựng tính chính danh bằng cách tạo dựng khả năng phát triển cho tất cả người dân (thông qua giáo dục, kỹ năng, và nâng cao nhận thức về môi trường) để họ có thể phát huy hết tiềm năng của mình.

Nhưng đó không phải là chương trình nghị sự của Iran. Câu chuyện về sức mạnh là câu chuyện ai sẽ trở thành bá chủ khu vực. Một bên là Iran theo phái Shiite, có quan hệ với Nga, đang mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tới Iraq, Syria, Lebanon, và Yemen. Bên còn lại là Ả Rập Saudi do người Ả Rập theo phái Sunni thống trị, đang ngấm ngầm liên minh với Bahrain, UAE, Jordan, Ai Cập, và Israel, và tất cả đều được Mỹ hậu thuẫn. Trong cuộc chiến thứ ba này, mục tiêu của Iran là đẩy Mỹ ra khỏi Trung Đông, tiêu diệt Israel và đe dọa các đồng minh Ả Rập theo dòng Sunni của Mỹ, đồng thời buộc họ phải tuân theo ý muốn của mình.

Trong cuộc chiến này, Mỹ đang phô trương sức mạnh thông qua hai nhóm tàu sân bay (aircraft carrier) đóng ở Trung Đông. Trong khi đó, Iran chống lại chúng ta bằng cái mà tôi gọi là “tàu” mặt đất (landcraft carriers) – một mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm ở Lebanon, Syria, Gaza, Bờ Tây, Yemen, và Iraq đóng vai trò là đơn vị tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào lực lượng Mỹ và Israel, với mức độ chết người tương tự như các tàu sân bay của chúng ta.

Cuộc chiến thứ ba này đã bắt đầu leo thang từ ngày 14/09/2019, khi Iran tiến hành một cuộc tấn công táo bạo, vô cớ, bằng máy bay không người lái, nhắm vào hai cơ sở chế biến dầu lớn của Saudi Aramco ở Abqaiq và Khurais. Chính quyền Trump đã không làm gì để đáp trả. “Đó là một cuộc tấn công nhắm vào Ả Rập Saudi, chứ không phải là một cuộc tấn công nhắm vào chúng ta,” Donald Trump nói. Sang ngày 17/01/2022, lực lượng dân quân Houthi ở Yemen, do Iran hậu thuẫn đã tấn công Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất bằng tên lửa và máy bay không người lái, gây ra 1 vụ cháy gần sân bay Abu Dhabi và một vụ nổ xe chở nhiên liệu khiến 3 người thiệt mạng. Một lần nữa, Mỹ không có phản ứng nào.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi vào ngày 7/10, Hamas đã dám tiến hành cuộc tấn công tàn sát vào biên giới phía tây của Israel; ngay sau đó, Hezbollah, lực lượng ủy nhiệm của Iran, cũng bắt đầu các cuộc tấn công tên lửa hàng ngày dọc theo biên giới phía bắc của Israel, trong khi Houthi bắt đầu phóng máy bay không người lái vào mũi phía nam của Israel, bắt giữ một con tàu ở Biển Đỏ và tấn công hai con tàu khác.

Tôi tin rằng cuộc tấn công do chế độ thần quyền căm ghét người Do Thái ở Iran nhắm vào Israel từ phía tây, phía bắc, và phía nam là một mối đe dọa mang tính sống còn đối với Israel. Tất cả những gì Iran cần làm là yêu cầu Hamas, Hezbollah, và Houthi phóng một quả tên lửa mỗi ngày vào Israel, và hàng chục nghìn người Israel sẽ từ chối trở về nhà của họ dọc theo các khu vực biên giới đang chìm trong khói lửa. Đất nước Israel sẽ dần thu hẹp lại – hoặc tệ hơn thế.

Hãy xem xét nghiên cứu của nhà kinh tế học người Israel Dan Ben-David, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Shoresh tại Đại học Tel Aviv. Ở một đất nước có chín triệu dân, 21% học sinh lớp một của Israel là người Do Thái chính thống giáo cực đoan, và đa số trong nhóm này sẽ lớn lên mà gần như không có nền giáo dục thế tục. Ngoài ra còn có 23% là người Israel gốc Ả Rập, những đứa trẻ theo học ở các trường công lập có nguồn kinh phí eo hẹp và thiếu thốn nhân viên. Ben-David chỉ ra rằng “chưa đến 400.000 cá nhân đang chịu trách nhiệm giữ Israel ở trong nhóm các nước phát triển.”

Chúng ta đang nói về những nhà nghiên cứu, nhà khoa học, kỹ thuật viên, chuyên gia mạng, và nhà đổi mới của Israel, những người thúc đẩy nền kinh tế và ngành công nghiệp quốc phòng của quốc gia khởi nghiệp này. Ngày nay, đại đa số họ đều có động lực và đang ủng hộ chính phủ Israel. Nhưng nếu Israel không thể duy trì ổn định biên giới hoặc các tuyến đường vận chuyển, một số trong số 400.000 người này sẽ quyết định di cư.

Ben-David nhận định “Nếu một lượng lớn người trong số họ quyết định rời đi, hậu quả đối với Israel sẽ rất thảm khốc.” Sau cùng thì, “trong năm 2017, 92% tổng doanh thu thuế thu nhập chỉ đến từ 20% người trưởng thành” – trong đó 400.000 người chịu trách nhiệm làm giàu cho đất nước đã đóng góp 92% số thuế.

Nếu Iran chiến thắng trong cuộc chiến này, tham vọng đè bẹp bất kỳ đối thủ nào bằng “tàu mặt đất” của họ sẽ chỉ tăng lên. Israel có thể đáp trả dữ dội và có khả năng tấn công sâu vào Iran. Nhưng sau cùng, để phá vỡ vòng vây siết chặt của Iran, Israel cần các đồng minh là Mỹ, NATO, và các quốc gia Ả Rập ôn hòa. Tương tự, Mỹ, NATO, và các quốc gia Ả Rập ôn hòa cũng cần Israel.

Nhưng một liên minh như vậy sẽ không thể được thành lập nếu Netanyahu tiếp tục chính sách làm suy yếu Chính quyền Palestine ở Bờ Tây – về cơ bản, chính sách này sẽ cho Israel và 7 triệu người Do Thái của nước này quyền kiểm soát vô thời hạn đối với 5 triệu người Palestine ở Gaza và Bờ Tây. Các lực lượng thân Mỹ trong khu vực và Biden không thể và sẽ không tham gia vào điều đó.

Vì vậy, tôi sẽ kết thúc ở nơi tôi đã bắt đầu, nhưng tôi hy vọng mình đã làm rõ ba điều:

  1. Nền tảng then chốt để giành chiến thắng trong cả ba cuộc chiến là một Chính quyền Palestine ôn hòa, hiệu quả, và hợp pháp, có đủ khả năng thay thế Hamas ở Gaza và trở thành đối tác tích cực, đáng tin cậy cho giải pháp hai nhà nước với Israel, từ đó cho phép Ả Rập Saudi và các quốc gia Hồi giáo Ả Rập khác có thể biện minh cho việc bình thường hóa quan hệ với nhà nước Do Thái và cô lập Iran cũng như các lực lượng ủy nhiệm của nước này.
  2. Lực lượng phản đối chính là Hamas và liên minh cực hữu của Netanyahu, liên minh này sẽ từ chối làm bất cứ điều gì để xây dựng lại, chứ chưa nói đến mở rộng, vai trò của Chính quyền Palestine.
  3. Israel và Mỹ không thể tạo ra một liên minh khu vực bền vững thời hậu Hamas, hoặc ổn định Gaza về mặt lâu dài chừng nào Netanyahu còn giữ chức Thủ tướng Israel.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới