Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mới"Đòn cân não" giữa Tổng thống Putin và EU

“Đòn cân não” giữa Tổng thống Putin và EU

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách biến lợi thế về nhân lực và đạn dược thành hiệu quả chiến thắng trên chiến trường, giữa lúc ý chí và sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine đang dao động.

Khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine sắp hết năm thứ hai, thực tế cho thấy Moscow đang nắm giữ lợi thế trên các mặt trận quân sự, chính trị và kinh tế.

Nga có nhiều lực lượng để bổ sung cho đội quân chiến đấu hơn so với Ukraine, quốc gia đang thiếu lực lượng bộ binh được huấn luyện tốt. Tổng thống Putin đang nỗ lực tiếp tục vực dậy nền kinh tế Nga, sử dụng nguồn thu từ dầu mỏ để chi trả cho việc sản xuất vũ khí.

Trong khi đó, tình trạng bất đồng chính trị ở Mỹ và châu Âu đang đe dọa nguồn cung vũ khí và tiền bạc mang tính sống còn đối với Ukraine. Sự bất đồng của phương Tây và cam kết ngày càng tăng của Nga về nguồn nhân lực và công nghiệp cho chiến dịch quân sự đã khiến Kiev đối mặt với 1 năm cay đắng trong phòng thủ của Ukraine.

Tuy nhiên, những hạn chế của quân đội Nga trong các cuộc tấn công, được thể hiện trong cuộc chiến khốc liệt giành thành phố Avdiivka, cho thấy Moscow cũng khó có khả năng đạt được một bước đột phá lớn. Theo các chuyên gia, Nga vẫn còn một chặng đường dài mới chinh phục được các khu vực mà Moscow đã tuyên bố chủ quyền.

“Những lợi thế vật chất vào năm 2024 chủ yếu thuộc về phía Nga, nhưng chúng dường như không đủ quyết định cục diện trong tương lai”, ông Michael Kofman, thành viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie cho biết.

Kế hoạch ngân sách của chính phủ Nga cho năm 2024-2026, được phê duyệt vào đầu tháng này, cho thấy nước này đang dành nguồn lực lớn hơn bao giờ hết cho chiến sự. Chi tiêu quân sự dự kiến sẽ tăng lên hơn 100 tỷ USD vào năm tới, mức cao nhất kể từ thời Liên Xô. Các nhà máy đang chuyển đổi sản xuất từ hàng dân dụng sang xe tăng và máy bay không người lái (UAV).

Chính sự kích thích từ chi tiêu quân sự khổng lồ đang thúc đẩy nền kinh tế Nga, bù đắp cho ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga cũng đã tìm ra cách để phá vỡ mức giá trần của phương Tây đối với xuất khẩu dầu, bằng cách xây dựng đội tàu chở dầu của riêng mình mà không tuân theo các quy định của phương Tây.

Sản xuất hàng loạt đã cho phép Nga bắt kịp Ukraine trong việc chế tạo UAV chiến trường cỡ nhỏ, một lĩnh vực vốn là lợi thế của Ukraine nhưng sự phụ thuộc của Kiev vào các xưởng nhỏ và tình nguyện viên đang bộc lộ những hạn chế.

Trong khi đó, phương Tây cũng chỉ thực hiện những bước đi hạn chế để thúc đẩy sản xuất quân sự. Mỹ tăng sản lượng đạn pháo nhưng các nước EU chưa phối hợp đặt hàng và thúc đẩy đầu tư sản xuất quốc phòng mới. EU đã cam kết cung cấp cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo vào tháng 3 tới, nhưng các quan chức cho biết khối này sẽ còn thiếu rất nhiều. Ngược lại, theo giới tình báo Hàn Quốc, Triều Tiên đã cung cấp cho Nga 1 triệu quả đạn pháo trong thời gian ngắn vào mùa thu năm nay.

Ukraine đang rơi vào thế bất lợi

Các nước châu Âu đang cạn kiệt vũ khí và đạn dược dự trữ để có thể cung cấp cho Ukraine. Sự chia rẽ chính trị ở Washington đã làm chậm quá trình giao hàng của Mỹ. Số lượng đạn dược mà Hàn Quốc cung cấp đã giúp pháo binh Ukraine sánh bằng với lực lượng Nga trong một khoảng thời gian dài vừa qua.

Nhưng bây giờ quân đội Ukraine nói rằng họ lại rơi vào thế bất lợi. Nền kinh tế Ukraine đã nỗ lực chống chọi lại làn sóng tấn công dữ dội của Nga tốt hơn dự kiến, thậm chí còn tăng trưởng nhẹ trong năm nay. Nhưng Ukraine cần dựa vào nguồn cung hỗ trợ của phương Tây để trang trải các chi phí ngân sách dân sự như giáo dục và y tế. Và Kiev sử dụng tiền thuế từ nguồn thu để chi cho chiến tranh.

“Hỗ trợ quân sự và tài chính là rất quan trọng để Ukraine thành công, nhưng chúng tôi cũng cần trở nên tự chủ hơn trong sản xuất vũ khí và khả năng phục hồi kinh tế”, cựu Ngoại trưởng Pavlo Klimkin cho biết.

Kể từ đó đến nay, nền chính trị và quân sự nước Nga ổn định và chắc chắn hơn bao giờ hết.

Trong khi đó, Mỹ mâu thuẫn mạnh mẽ trong việc hỗ trợ Ukraine, nhất là khi chu kỳ bầu cử tổng thống đang đến gần. Các nghị sĩ lưỡng đảng ở Quốc hội Mỹ đã liên tục phản đối số tiền viện trợ ngày càng tăng dành cho Ukraine.

EU cũng đang gặp khó khăn trong việc phê duyệt tài trợ cho Kiev. Liên minh đã cam kết sẽ cung cấp cho Kiev 50 tỷ euro trong những năm tới nhưng hiện đang bùng lên những nghi ngờ về cam kết này. Xiềng xích tài chính do Đức tự áp đặt đã khiến các kế hoạch chi tiêu của EU rơi vào tình trạng khó khăn, trong khi nhà lãnh đạo Hungary Viktor Orban, vốn có quan hệ nồng ấm với Nga, đang đe dọa phủ quyết viện trợ cho Ukraine.

“Nó khiến toàn bộ EU trông khá yếu. Đó là một vấn đề lớn đối với chúng tôi cũng như đối với EU”, ông Klimkin nói. Ông nói, liên minh này có nguy cơ bộc lộ “cơ bản không có khả năng thực hiện”.

Tại Kiev, thất bại của cuộc phản công mùa hè đã làm trầm trọng thêm những bất đồng giữa các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị. Đánh giá của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, tướng Valeriy Zaluzhniy, rằng cuộc chiến đang trải qua giai đoạn bế tắc đã khiến Tổng thống Volodymyr Zelensky nổi giận.

Mục tiêu chiến tranh của Tổng thống Zelensky nhằm khôi phục hoàn toàn biên giới quốc tế của Ukraine bị phương Tây coi là phi thực tế. Sự bế tắc quân sự hiện nay của Kiev càng củng cố quan điểm ở Đức rằng, một lệnh ngừng bắn và đàm phán với Moscow sẽ có lợi hơn cho Ukraine. Tuy nhiên, Berlin không muốn gây áp lực với Tổng thống Zelensky.

Một số quan chức châu Âu thậm chí còn lo ngại vị thế của Ukraine trên chiến trường có thể bị lung lay vào mùa đông này. Quân đội Ukraine đang thiếu bộ binh sau khi chịu thương vong nặng nề trong cuộc phản công mùa hè và trong cuộc phòng thủ đẫm máu ở thành phố Bakhmut vào mùa đông năm ngoái.

Với tình trạng thiếu đạn dược hiện nay, Ukraine cũng khó có thể tiến hành một cuộc tấn công lớn khác trong thời gian tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới