Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnÔng Tập Cận Bình thăm Việt Nam: Sẽ kết nối những gì...

Ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam: Sẽ kết nối những gì chưa được kết nối

Chuyên gia cho rằng kết nối sẽ là điều quan trọng nhất để mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ cuối tháng 10/2022.


Những năm gần đây, thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 cùng những biến động chính trị mạnh mẽ. Nhưng nhờ nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Trung Quốc vẫn tạo động lực mới để sự hợp tác giữa hai nước phát triển mạnh mẽ toàn diện trên các lĩnh vực.

Mới đây, nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 12 – 13/12/2023.

Nhân dịp này, Phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Vinh Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc hiện tại.

Thưa ông, năm qua Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều chuyến thăm và tiếp xúc của các lãnh đạo cấp cao. Ông đánh giá thế nào về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc hiện tại?

Việt Nam và Trung Quốc đều trải qua những năm khó khăn vì đại dịch. Hai bên không thể giao lưu trực tiếp, tất cả cuộc tiếp xúc, trao đổi đều qua điện thoại hay hội đàm trực tuyến khiến nhiều vấn đề không thể giải quyết.

Tuy nhiên, sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10/2022, tình hình hoàn toàn thay đổi. Theo tôi đây là chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử bởi nó mở ra giai đoạn mới của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc với những điều chưa từng có tiền lệ.

Chuyến thăm không chỉ diễn ra trong bối cảnh hai nước bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch, mà còn ngay sau Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 20. Đây là điều chưa có tiền lệ. Thông thường, sau một kỳ đại hội ở Trung Quốc, lãnh đạo nước ta sẽ cử đặc phái viên sang chúc mừng và sau đó Bắc Kinh cũng cử đặc phái viên sang Hà Nội thông báo kết quả đại hội. Tuy nhiên, lần này, đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc và chúc mừng.

Điều quan trọng hơn, cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam với Tổng Bí thư và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra một tuyên bố chung nhiều vấn đề nhất từ trước đến nay, giải quyết được nhiều khúc mắc còn tồn đọng, mở ra một năm phát triển quan hệ thuận lợi giữa hai nước trong các vấn đề kinh tế thương mại, giao lưu văn hoá,…

Năm qua cũng là năm chưa bao giờ có nhiều chuyến thăm cấp cao của các nhà lãnh đạo hai nước như vậy. Đặc biệt trong đó có chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính với tư cách Thủ tướng Việt Nam vào tháng 9. Đây cũng là lần đầu tiên ông Lý Cường với tư cách Thủ tướng Trung Quốc tiếp Thủ tướng Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng hai nước có ý nghĩa quan trọng và thiết thực trên nhiều mặt, nhiều bình diện, cả song phương và đa phương. Đặc biệt là tiếp tục cụ thể hóa nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Trung Quốc, nhất là Tuyên bố chung tháng 11/2022 trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tiếp đó là chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba ở Trung Quốc vào tháng 10. Chuyến công tác được đánh giá là thành công tốt đẹp, đạt các mục tiêu đề ra, góp phần triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Mới nhất là chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đầu tháng 12 và tới đây là chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.

Do đó, đánh giá một cách tổng thể thì quan hệ Việt Nam – Trung Quốc hiện tại có thể nói rất tốt, rất lâu rồi giữa hai nước mới có một điều kiện phát triển thuận lợi như vậy. Tôi cảm nhận rõ một làn gió mới trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong năm qua.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10 năm ngoái, ông Tập Cận Bình đặc biệt thể hiện sự coi trọng cũng như mong muốn tăng cường sự gần gũi, tin cậy với nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam. Ông có thể nêu quan điểm về mối quan hệ đặc biệt giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Trung Quốc? Điều này có ý nghĩa như thế nào tới triển vọng phát triển quan hệ hai đảng, hai nước?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt coi trọng quan hệ với Trung Quốc, luôn quán triệt quan điểm Việt Nam và Trung Quốc mãi mãi là hàng xóm của nhau, là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải, nhân dân hai nước có tình hữu nghị truyền thống lâu đời, và điều này không thể thay đổi.

Hơn nữa, hiện nay các nước xã hội chủ nghĩa do một Đảng Cộng sản lãnh đạo không nhiều mà thành công nhất trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Không có nước nào có mối liên hệ chặt chẽ cả về chính trị, ngoại giao và kinh tế với Việt Nam như Trung Quốc. Do đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặt quan hệ với Trung Quốc lên vị trí ưu tiên hàng đầu trong quan hệ.

Mặt khác, Trung Quốc cũng rất coi trọng Đảng Cộng sản Việt Nam, coi trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong những năm qua, Việt Nam là một ngôi sao trong khu vực, là thành viên có uy tín, tiếng nói trọng lượng ở ASEAN và là cầu nối giữa Trung Quốc với Đông Nam Á.

Một điểm nữa là uy tín cá nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những tác phẩm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam được Trung Quốc và cá nhân ông Tập đánh giá rất cao. Tất cả sự coi trọng từ phía Trung Quốc, từ ông Tập Cận Bình đã được thể hiện rõ ràng trong lễ đón và cách thức tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như chúng ta đã biết.

Do đó, tôi cho rằng việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc là cách nhìn chính xác cho lợi ích phát triển của Việt Nam.

Theo ông, trọng tâm hợp tác giữa hai nước trong năm 2024 cũng như những năm tiếp theo là gì?

Tôi cho rằng kết nối sẽ là điều quan trọng nhất trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Chúng ta có thể thấy sau các cuộc gặp của các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam – Trung Quốc, hai bên đều khẳng định sẽ tăng cường kết nối chiến lược phát triển giữa hai quốc gia. Kết nối ở đây là tính hòa đồng, là thúc đẩy lẫn nhau trong sự phát triển của hai nước. Không chỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc mà các nước trên thế giới hiện tại đều theo xu hướng này.

Một trong những trọng tâm quan trọng cần kết nối là “Vành đai và con đường” của Trung Quốc với “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam, nhằm thúc đấy phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng cũng như giao thương giữa hai nước.

Như phát triển đường sắt, đường bộ, logistics hay xuất nhập khẩu. Hiện nay, chúng ta vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề trong xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc và rất cần sự kết nối giữa hai bên để tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực này.

Tôi dự đoán rằng trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sắp tới, có thể các cơ quan, bộ ngành liên quan sẽ thúc đẩy triển khai cụ thể trọng tâm kết nối này.

  • Chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể mang tới những đột phá, giúp tăng cường hơn nữa quan hai nước?

Hiện nay, mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ở mức độ đối tác chiến lược toàn diện, vốn đã ở mức cao rồi. Nhưng tôi kỳ vọng chuyến thăm của ông Tập sẽ giúp mối quan hệ hai nước được nâng tầm hơn nữa. Tôi tin rằng sẽ có đột phá, xuất hiện những từ ngữ mới hơn, hay hơn sau cuộc gặp sắp tới giữa hai Tổng bí thư.

Bên cạnh đó, tôi cũng xin nhắc lại là từ “kết nối”. Những thứ bao lâu nay hai nước chưa kết nối được tôi tin rằng lần này sẽ được kết nối. Có nhiều vấn đề cần kết nối đã được nêu cụ thể trong tuyên bố chung giữa hai Tổng bí thư vào tháng 11 năm ngoái và thông cáo chung sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 9. Tôi tin rằng tới đấy, hai Tổng bí thư sẽ chứng kiến nhiều dự án cụ thể được ký kết giữa các bộ ngành liên quan của hai nước.

Ngoài ra, tôi kỳ vọng chuyến thăm sắp tới của ông Tập Cận Bình sẽ giúp lãnh đạo hai nước thông cảm và hiểu nhau hơn nữa, khi đó việc phối hợp giữa các bộ ngành và hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước sẽ trở nên rất dễ dàng và đạt hiệu quả cao.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới