Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHợp tác kinh tế Việt Nam - Campuchian đó còn là trách...

Hợp tác kinh tế Việt Nam – Campuchian đó còn là trách nhiệm

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Manet kêu gọi hai nhà đầu tư tiếp tục đầu tư, thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế hai nước.

Sáng 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Manet dự Diễn đàn Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam – Campuchia, diễn ra tại Hà Nội.

Campuchia thu hút đầu tư từ Việt Nam

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đánh giá cao việc tổ chức sự kiện; nêu rõ, mối quan hệ hai nước có từ lâu đời, luôn được điều chỉnh củng cố giữa các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước, thể hiện mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống, hỗ trợ lẫn nhau về cả chính trị và ngoại giao.

Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh, Việt Nam là nước ASEAN mà ông lựa chọn sang thăm đầu tiên, điều này minh chứng sự tương tác đan xen quan hệ hai nước; tin tưởng quan hệ hợp tác hai nước tiếp tục phát triển thông qua hợp tác thương mại, đầu tư, và dịch vụ.

Thủ tướng Hun Manet ghi nhận dòng vốn đầu tư vào Campuchia tăng trưởng trong những năm gần đây. Cho dù Campuchia từng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng kinh tế Campuchia vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng.
Theo Thủ tướng Hun Manet, lẽ ra, con số đầu tư của Việt Nam vào Campuchia có thể cao hơn nữa so với tiềm năng của hai nước. Hai nước có chung chuỗi cung ứng sản xuất đường dài, đây là kịch bản thắng – thắng dành cho hai nước; tận dụng tối đa Hiệp định RCEP mà hai nước đều là thành viên.

Thủ tướng Hun Manet khuyến khích và kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia nhiều hơn nữa, đặc biệt là những lĩnh vực nông nghiệp hiện đại, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghệ số, tài chính, sản xuất xe hơi…

Theo Thủ tướng Hun Manet, khách du lịch Việt Nam sang Campuchia hiện đứng thứ hai ở nước này; hơn 320 nghìn người Campuchia đã đến Việt Nam. Con số này được dự báo sẽ tăng mạnh thời gian tới. Chính phủ Campuchia vừa khánh thành sân bay quốc tế Siem Riap, chuẩn bị khánh thành sân bay quốc tế mới của Phnom Penh.

Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh, sự quyết tâm giữ gìn hoà bình, ổn định chính trị, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bằng các biện pháp chủ chốt, sắc bén trên mọi lĩnh vực để bảo đảm các nhà đầu tư yên tâm đầu tư tại Campuchia.

Chương trình nghị sự nhiệm kỳ 2023-2028 và chiến lược ngũ giác của Campuchia quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi trọng phát triển kinh tế tư nhân và việc làm, Chính phủ Campuchia luôn hỗ trợ và ủng hộ kinh tế tư nhân; luôn tìm cách tháo gỡ các khó khăn của nhà đầu tư. Chính phủ luôn quan tâm các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, giao thông, cơ sở hạ tầng, bất động sản, ngân hàng… Thủ tướng Hun Manet cho rằng, đây là dấu hiệu tích cực và còn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để thu hút đầu tư, nhất là đầu tư từ Việt Nam.

Chính phủ Campuchia cũng sẽ nỗ lực để tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tướng cũng công bố chính thức triển khai thực hiện chương trình đào tạo kỹ thuật cho thanh niên gia đình nghèo và dễ tổn thương, giúp bổ sung lực lượng lao động có tay nghề vào thị trường lao động vì Campuchia có tiềm năng lao động trẻ.

Chính phủ Campuchia đang thi hành Luật Đầu tư nằm tăng cường thu hút đầu tư, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cung cấp gói khuyến khích thông minh, bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, không phân biệt đối xử. Campuchia cũng tăng cường kết nối doanh nghiệp, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng Hun Manet cho biết thêm, nhằm góp phần giảm chi phí sản xuất, vận tải, logistics, Campuchia đang mở rộng cơ sở hạ tầng kết nối nhằm hài hoà, kết nối với các hành lang kinh tế như đầu tư và đưa vào sử dụng tuyến cao tốc và sắp tới đầu tư xây dựng thêm đường cao tối nối Phnom Penh nối với Mộc Bài.

Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và đầu tư thông qua tổ chức diễn đàn, hội thảo kinh doanh đầu tư có mời lãnh đạo hai nước; kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam sang đầu tư tại Campuchia nhiều hơn nữa; khuyến khích các nhà đầu tư Campuchia đầu tư vào Việt Nam để đa dạng hoá hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuỗi cung ứng của mình.

Thủ tướng Hun Manet tin tưởng lĩnh vực tư nhân có thể bổ sung, học hỏi lẫn nhau vì nền kinh tế hai nước. Campuchia luôn mở cửa chào đón các nhà đầu tư Việt Nam, nơi có hoà bình, vị trí chiến lược quan trọng, có hoà bình, ổn định, số lượng người tiêu dùng đông đảo, tiềm năng.

Thủ tướng Hun Manet cũng đánh giá cao việc Vietjet khai trương đường bay thẳng Hà Nội – Siem Reap kết nối Campuchia với Việt Nam hôm nay và hy vọng Vietjet sẽ mở thêm các đường bay kết nối Việt Nam với Campuchia.

Dư địa còn nhiều, trách nhiệm lớn

Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc tổ chức diễn đàn; đánh giá các đại biểu tham dự đều tích cực đóng góp vun đắp tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Những sự kiện hợp tác vừa qua đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại. Ngoài sự lãnh đạo của hai Đảng, Nhà nước, sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp hai nước là rất đáng ghi nhận, biểu dương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Thủ tướng Hun Manet đã đến thăm Việt Nam để thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế đến văn hoá, thúc đẩy ngoại giao nhân dân. Thủ tướng cũng cảm ơn Thủ tướng Hun Manet đã góp phần tăng thêm nội lực, truyền cảm hứng, tạo động lực cho các nhà đầu tư hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, quan hệ hai nước rất tốt đẹp qua sự thăng trầm, đột phá quá trình hợp tác; hiện đang đi vào chiều sâu và phát triển toàn diện. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế, thương mại chưa tương xứng tiềm năng hai nước vốn có; dư địa còn nhiều, trách nhiệm lớn.

Thủ tướng kêu gọi hai nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào hai nước, thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế hai nước có ý nghĩa hết sức quan trọng vì sự trưởng thành của các doanh nghiệp, góp phần tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần hai nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; góp phần trao đổi kinh nghiệm, nâng cao ý thức trách nhiệm và để chúng ta lớn mạnh hơn. Nếu thúc đẩy thương mại, đầu tư thì chúng ta cùng thắng, cùng có lợi, góp phần xây dựng và phát triển mỗi nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hai nước ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Đối với Việt Nam cũng như Campuchia, hai nước sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư, Bộ Công thương đang tham mưa, đề xuất các chính sách khuyến khích phát triển thương mại điện tử, Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư tập trung vào chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, đầu tư dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, qua đó nâng tầm 2 nền kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác, mở rộng hơn nữa không gian cho phát triển.

Thủ tướng cho biết Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; đột phá về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển mới của các doanh nghiệp; đột phá về hạ tầng chiến lược.

Việt Nam đã ký 16 FTA, với trên 65 thị trường lớn nhất thế giới, đang tiếp tục mở rộng thị trường sang Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ, nhằm đa dạng hoá thị trường, khắc phục việc đứt gãy chuỗi cung ứng; Việt Nam luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư để điều chỉnh, cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, hoàn chỉnh quản trị tốt đẹp hơn.

Thủ tướng hy vọng hai nước ngày càng đầu tư mạnh mẽ để lớn mạnh, tự cường hơn; mang đến cho hai nước kinh nghiệm quản lý, nền văn hoá đặc sắc, nguồn nhân lực chất lượng cao, mang đến công nghệ tích luỹ được trong thời gian qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn hai bên đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm hơn, nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa vì đất nước Campuchia, Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân hai nước.

Thủ tướng cảm ơn các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước có mặt tại Diễn đàn, điều này thể hiện quyết tâm, ý chí, tình cảm, khả năng của mình góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác hai nước. Việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác hai nước là yêu cầu, đòi hỏi khách quan. Do đó, Thủ tướng mong tất cả đều chiến thắng trong công cuộc đầu tư, kinh doanh, chung một mối tình hữu nghị sâu sắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Manet chứng kiến Vietjet công bố đường bay thẳng kết nối thủ đô Hà Nội, Việt Nam với thành phố di sản Siem Reap, Campuchia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Manet chứng kiến Vietjet công bố đường bay thẳng kết nối thủ đô Hà Nội, Việt Nam với thành phố di sản Siem Reap, Campuchia.

Tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Manet đã chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đầu tư, các biên bản thoả thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ.

Đặc biệt tại diễn đàn này, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Manet, lãnh đạo các Bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước tại Hà Nội, Vietjet đã tổ chức lễ khai trương đường bay thẳng kết nối thủ đô Hà Nội, Việt Nam với thành phố di sản Siem Reap, Campuchia.

Đường bay kết nối Hà Nội – Siem Reap sẽ phục vụ hành khách từ 15/12/2023 với 7 chuyến khứ hồi mỗi tuần, thời gian bay mỗi chặng là 1 giờ 45 phút. Hành khách sẽ có trải nghiệm bay thuận tiện với đội tàu bay hiện đại của Vietjet, thưởng thức ẩm thực đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam như bánh mì, phở Thìn và ẩm thực thế giới… được phục vụ bởi phi hành đoàn tận tâm, thân thiện.

Đường bay Hà Nội – Siem Reap sẽ góp phần tạo thuận lợi, thúc đẩy hợp tác đầu tư, du lịch, giao lưu văn hoá, giáo dục giữa hai nước láng giềng thân thiết, gắn bó Việt Nam và Campuchia, và mở rộng hơn nữa cùng mạng bay của Vietjet phủ khắp Việt Nam, Australia, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan… và xa hơn nữa.

RELATED ARTICLES

Tin mới