Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ sát cánh cùng Ukraine"chừng nào còn có thể"

Mỹ sát cánh cùng Ukraine”chừng nào còn có thể”

Tổng thống Mỹ khẳng định sẽ sát cánh cùng Kiev “chừng nào còn có thể”, trong buổi họp báo chung với người đồng cấp Ukraine tại thủ đô Washington.

Theo Đài CNN, chiều 12-12 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức họp báo chung với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng.

Đứng cạnh ông Zelensky, ông Biden tuyên bố: “Tôi sẽ không quay lưng với Ukraine và người dân Mỹ cũng sẽ như vậy”.
Nước Mỹ không quay lưng với Ukraine ra sao?

Tổng thống Mỹ khẳng định Washington sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và trang bị quan trọng cho Ukraine “chừng nào còn có thể”, trong đó có khoản viện trợ trị giá 200 triệu USD ông vừa phê duyệt

Khoản viện trợ trên được chi thông qua Quyền rút vốn của tổng thống (Presidential Drawdown Authority – PDA). Quyền này cho phép ông Biden lấy trực tiếp khí tài từ quân đội Mỹ gửi cho Ukraine mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội.

Tuyên bố trên của ông Biden phản ánh phần nào sự chuyển hướng trong thái độ của Chính phủ Mỹ với Kiev. Trước đây, ông Biden từng quả quyết khẳng định sẽ hỗ trợ Ukraine “bằng bất kỳ giá nào”.

Sự thay đổi này có thể cho thấy cái nhìn thực dụng hơn của tổng thống Mỹ về những khoản viện trợ tương lai cho Ukraine.

Điều này được cho là cần thiết trong bối cảnh khả năng Quốc hội Mỹ thông qua đề xuất ngân sách viện trợ hơn 60 tỉ USD cho Kiev của ông Biden trước dịp nghỉ lễ cuối năm ngày càng hẹp dần.

Xa hơn nữa, các khoản viện trợ an ninh tương lai đối với Kiev có thể sẽ mất dần khi viễn cảnh cựu tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng dần hiện rõ, khi ông Biden ngày càng mất sự ủng hộ của dân chúng.

“Nếu không được cấp thêm nguồn lực, chúng ta sẽ mất khả năng giúp Ukraine đáp ứng các nhu cầu vận hành cấp bách của họ. [Tổng thống Nga Vladimir] Putin mong đợi Mỹ không thể cung cấp viện trợ cho Ukraine. Chúng ta phải chứng minh ông ta đã sai”, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định.

Hồi cuối tháng 10, ông Biden đã yêu cầu Quốc hội thông qua khoản ngân sách trị giá hơn 60 tỉ USD, gấp nhiều lần giá trị khoản viện trợ vừa được ông Biden công bố nêu trên. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa được Điện Capitol chấp thuận.
Về phần mình, ông Zelensky thể hiện sự lạc quan rằng các khoản viện trợ mới của Washington sẽ sớm được thông qua. Ngay trước buổi họp báo, tổng thống Ukraine đã có buổi trao đổi với nhiều thành viên chủ chốt của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ.

“Tôi đã nhận được các tín hiệu trên mức khả quan. Nhưng chúng tôi biết chúng tôi cần tách bạch giữa lời nói và kết quả cụ thể. Do đó, chúng tôi mong đợi kết quả cụ thể”, ông Zelensky cho biết.

Tổng thống Ukraine cũng khẳng định Kiev đang ngày càng tiến xa trong việc tự trang bị cho quân đội mình và phụ thuộc ít hơn vào viện trợ bên ngoài.

Đồng thời, ông vẫn nhấn mạnh thành công của Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga sẽ có tác động đến các quốc gia châu Âu khác.

Ông Zelensky tuyên bố: “Nhờ vào thành công của Ukraine trong việc bảo vệ đất nước, các nước châu Âu khác cũng sẽ an toàn khỏi sự hung hăng của Nga”.

Tuy nhiên, trái với sự lạc quan của ông Zelensky, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson vẫn thể hiện rõ quan điểm chưa muốn thông qua ngân sách viện trợ mới cho Kiev.

Ông Johnson phát biểu sau cuộc gặp nguyên thủ Ukraine: “Điều mà chính quyền ông Biden đang yêu cầu là hàng tỉ USD mà không có biện pháp giám sát phù hợp, không chiến lược giành chiến thắng rõ ràng và không một lời giải đáp mà tôi nghĩ người dân Mỹ xứng đáng nhận được”.

Nhiều thành viên Đảng Cộng hòa khác, đặc biệt những người thân thiết với cựu tổng thống Donald Trump, cũng tỏ rõ thái độ phản đối việc viện trợ thêm cho Ukraine. Những người này cho rằng các khoản ngân sách Nhà Trắng yêu cầu nên được phân bổ cho chính sách nhập cư.

“Tôi biết mọi người đều muốn Ukraine thắng, nhưng tôi lại không thấy điều đó khả thi”, thượng nghị sĩ Ron Johnson nhận xét.

RELATED ARTICLES

Tin mới