Truyền thông phương Tây cho rằng, Nga có kế hoạch kéo dài xung đột, mở rộng kiểm soát lãnh thổ ở Ukraine.
Báo Bild của Đức trong tuần này dẫn các nguồn tin tình báo nói rằng Nga dường như đang có kế hoạch mới ở Ukraine. Theo đó, trong giai đoạn 2024-2026, Moscow có kế hoạch kiểm soát lãnh thổ Ukraine ngoài biên giới của 4 tỉnh của Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia mới sáp nhập vào Nga cuối năm ngoái.
Nga muốn kiểm soát hoàn toàn Lugansk và Donetsk ở miền Đông Ukraine, tiến đến tận sông Oskil ở tỉnh Kharkov vào cuối năm 2024. Tiếp đến, Nga muốn kiểm soát phần lớn tỉnh Zaporizhia, Dnipropetrovsk và Kharkov vào năm 2025 và 2026.
Ngoài ra, Nga muốn duy trì chiến tuyến như hiện nay ở tỉnh Kherson, dọc theo sông Dnieper, tìm cách chặn đà tiến của lực lượng Ukraine. Tháng trước, quân đội Ukraine tuyên bố đã vượt sông thành công, thiết lập các đầu cầu ở bờ đông. Giới quan sát cho rằng, đây là mắt xích quan trọng trong kế hoạch của Kiev nhằm tiến về bán đảo Crimea, đe dọa lực lượng Nga ở đó.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ chưa thể kiểm chứng thông tin này, song cho rằng kế hoạch đó trùng khớp với các hoạt động tấn công cục bộ đang diễn ra của lực lượng Nga ở Ukraine.
“Các kế hoạch của Nga ở Ukraine cho đến năm 2026 này trùng khớp với các hoạt động chuẩn bị của Moscow cho nỗ lực kéo dài chiến sự. Bộ chỉ huy quân sự Nga đang theo đuổi các nỗ lực tái cơ cấu và mở rộng nguồn lực dài hạn để hình thành lực lượng dự trữ chiến lược, và Nga đang huy động dần dần để duy trì một cuộc xung đột lâu dài”, ISW nhận định.
Đến nay, giới chức Nga khẳng định luôn sẵn sàng đàm phán nhằm chấm dứt xung đột với Ukraine, song bất cứ thỏa thuận nào đều phải tính đến lợi ích cốt lõi của Moscow.
Mặt khác, Moscow nhấn mạnh, Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cho đến khi đạt các mục tiêu đề ra.
Tại cuộc họp báo thường niên diễn ra hôm 14/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định sẽ không có hòa bình ở Ukraine cho đến khi Nga đạt được các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt.
“Mục tiêu phi quân sự hóa và duy trì vị thế trung lập ở Ukraine vẫn đang được tiến hành. Về vấn đề phi quân sự hóa, họ không muốn đạt thỏa thuận, nên chúng tôi buộc phải thực hiện các biện pháp khác, bao gồm cả biện pháp quân sự”, ông Putin nói.
“Sẽ có hòa bình khi chúng tôi đạt được mục tiêu của mình”, chủ nhân Điện Kremlin nêu rõ và lưu ý thêm rằng Ukraine cần giữ thái độ trung lập, không gia nhập NATO.
Ông Putin cho hay, hiện có khoảng 617.000 binh sĩ Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và khẳng định Nga chưa cần thêm lệnh động viên mới”.
Xung đột Nga – Ukraine đã kéo dài gần hai năm và đang trở thành một cuộc chiến tiêu hao kéo dài. Trong một cuộc xung đột kéo dài, Moscow được cho là chiếm ưu thế hơn nhờ nguồn lực dồi dào hơn, trong khi Ukraine phải phụ thuộc vào các nước phương Tây, những nước dần mệt mỏi vì chiến sự.
T.P