Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ chấm dứt kỷ nguyên lao động giá rẻ

TQ chấm dứt kỷ nguyên lao động giá rẻ

Vào năm 2007, Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên ra thế giới. Khi đó, chi phí nhân công ở Trung Quốc chỉ rơi vào khoảng 1 đô la, chi phí nhân công ở Trung Quốc nhỉnh hơn ở Việt Nam một chút, thế nhưng còn thấp hơn cả Thái Lan, Philippines và quá rẻ so với Malaysia. Bây giờ là năm 2023, chiếc iPhone đầu tiên thì đã lùi vào lịch sử 16 năm rồi.

Từ năm 2007 đến năm 2022, chi phí nhân công ở hầu hết mọi nơi đều đi lên, chỉ riêng Trung Quốc là một mình một đường, hãy gọi đây là tốc độ tên lửa. Từ 1 đô la vào năm 2007, tăng lèo lên 8 đô la vào năm 2022. Ngày nay, với số tiền chi trả cho một giờ lao động ở Trung Quốc, bạn có thể mua 1 tiếng rưỡi ở Mexico và hơn hai tiếng ở Việt Nam. Nghĩa là “Made in China” không còn đồng nghĩa với giá rẻ nữa, thậm chí là đắt so với mặt bằng toàn cầu. Thế nhưng tại sao? Chuyện gì đã xảy ra và nó sẽ tác động như thế nào đến tương lai của công xưởng thế giới?

Đầu tiên, hãy nói về gốc rễ của vấn đề. Chắc hẳn các bạn cũng biết về chính sách một con khét tiếng của Trung Quốc, thế nhưng, có lẽ là các bạn sẽ không biết cái gì xuất hiện ngay trước nó. Đã có thời, lãnh đạo Trung Quốc tin rằng dân số khổng lồ là biện pháp tốt nhất để đối phó với chiến tranh hạt nhân. Đây là mô hình dân số trẻ, với phần phía dưới phình to, chóp nhọn.

Ở Trung Quốc khi đó nhóm người vừa mới tốt nghiệp, ra trường, háo hức được làm việc, dù có bị trả lương bèo bọt và làm việc trong môi trường tồi tệ. Cấu trúc dân số này là hoàn hảo, nếu bạn muốn đem đến cho thế giới nguồn cung cấp vô tận quần áo, dây dép, đồ điện tử, gia dụng rẻ tiền. Hay nói cách khác là chiếc iPhone 3G giá rẻ của bạn là kết quả gián tiếp của chiến lược chống chiến tranh hạt nhân của Mao Trạch Đông.

Bên cạnh đó, một yếu tố cũng rất quan trọng thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng giá rẻ và sản xuất hàng loạt này chính là di cư. Tất cả những đứa trẻ của thời kỳ bùng nổ dân số đều sinh ra ở vùng nông thôn rộng lớn của Trung Quốc. Do đó, nếu muốn gặt hái được thành quả của công nghiệp hóa, những người này lớn lên buộc phải khăn gói lên đường, vượt hàng trăm cây số để đi về phía Đông, đến các đô thị duyên hải. Từ năm 1990 đến năm 2010, ước tính mỗi năm có đến 10 triệu người đã thực hiện hành trình di cư đó. Với tốc độ này, không thể tưởng tượng được sẽ có một ngày đất nước này sẽ bị thiếu nhân lực. Đúng vậy, Trung Quốc đã có cái gọi là tỉ lệ dân số vàng. Đó là khi bạn có rất nhiều người trưởng thành để lao động, làm ra của cải, có số lượng trẻ con vừa phải để đầu tư và ít người già để chăm sóc. Nếu được tận dụng triệt để, dân số vàng sẽ là chìa khóa đưa đất nước của bạn trở thành quốc gia phát triển.

Thế nhưng, vấn đề của Trung Quốc là thời kỳ dân số vàng diễn ra quá ngắn ngủi. Mọi thứ tăng tốc chóng mặt và bây giờ tất cả đang sụp đổ cùng một lúc. Dưới thời của Mao Trạch Đông, Trung Quốc chủ trương mở rộng dân số nhanh nhất có thể. 30 năm sau, những đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số ồ ạt gia nhập thị trường lao động. Thế nhưng, ngay sau Mao Trạch Đông, Trung Quốc lại áp dụng chính sách một con, số trẻ con sinh ra đột ngột giảm mạnh, kết quả là bây giờ thị trường lao động cũng đột ngột co lại. Bạn có nhớ lực lượng từ 25 đến 30 khổng lồ từ những năm 2000 chứ? Bây giờ là 2023, độ tuổi trung bình của nhóm này đã là 54 và đang rục rịch nghỉ hưu. Từ dân số vàng, Trung Quốc nhanh chóng rơi vào tình trạng thiếu người.

Trong biểu đồ chỉ ra tỉ lệ sinh và tỉ lệ tử của Trung Quốc trong 60 năm qua. Trong phần lớn thời gian, tỷ lệ sinh đều ở mức cao. Cho đến năm 2022, lần đầu tiên, số ca tử vong vượt số ca sinh. Có thể nói bây giờ có lẽ là lúc dân số Trung Quốc trẻ nhất bạn từng chứng kiến. Nếu bạn đang ở độ tuổi 20, cứ cho là bạn bây giờ đang 20 tuổi đi. Nếu thọ được 90 tuổi thì rất có thể bạn sẽ được chứng kiến dân số Trung Quốc giảm đến gần một nửa. Cùng với đó tốc độ đô thị hóa có thể đạt tới 100%. Trung Quốc đang tiến gần đến cái gọi là điểm ngoặt Lewis.

Vào năm 2015, lực lượng lao động đã đạt đỉnh điểm và kể từ đó giảm dần. Vậy, các doanh nghiệp phải xoay sở như thế nào? Nếu bạn là một chủ doanh nghiệp và Trung Quốc là thị trường chính của bạn, bạn phải ở lại thôi. Còn nếu không thì bạn sẽ phải tự hỏi mình có cần lao động có trình độ không nhỉ?

Nếu câu trả lời là không, bạn sẽ phải rời khỏi đây. Vì chẳng có lý do gì để trả tiền nhiều hơn cho công nhân nếu bạn có thể chuyển sang Việt Nam chẳng hạn. Vừa rẻ hơn mà cũng gần Trung Quốc, không mất quá nhiều chi phí di dời nhà máy, còn Mexico, quá thuận lợi để tiếp cận thị trường Mỹ. Ví dụ, chỉ sản xuất 21% giày dép ở Trung Quốc, Việt Nam đã vượt qua ông bạn hàng xóm để trở thành nhà sản xuất giày lớn nhất của Nike, có 51% giày thể thao của Nike được sản xuất tại Việt Nam. Vậy chúng ta đi đến kết luận rằng bất kỳ công ty nào ở lại Trung Quốc đều có mối quan tâm khác ngoài chi phí.

Đầu tiên, dân số cả nước ta gom lại vẫn ít hơn 60 triệu người so với chỉ riêng nhóm người từ 20 đến 29 tuổi ở Trung Quốc. Nói gì thì nói, quy mô dân số Trung Quốc vẫn quá đáng sợ. Dân số khổng lồ đó cho Trung Quốc lợi thế linh hoạt rất lớn. Bây giờ hãy tưởng tượng bạn là sếp của Apple, iPhone mới chuẩn bị ra mắt và bạn cần ngay số lượng nhân công thời vụ nhiều bằng dân số của một đất nước nhỏ để sản xuất cho kịp. Đi đâu đây? Bên cạnh đó bạn còn phải chú ý đến hạ tầng, từ đường xá, cầu cảng,… vân vân. Trung Quốc có tất cả. Các tập đoàn đa quốc gia đã, đang và sẽ đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Sẽ di dời một số cơ sở sang Việt Nam hoặc Ấn Độ. Thế nhưng họ có rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn hay không?

Cái đó không thể chắc chắn được. Nhất là mặc dù lực lượng lao động của Trung Quốc suy giảm thật. Thế nhưng quốc gia này vẫn là thị trường tiêu thụ cực lớn, là miếng bánh mà bất kỳ ông lớn nào cũng thèm thuồng. Hãy nhìn tốc độ của Starbucks mọc lên như nấm ở Trung Quốc để hiểu rằng các thương hiệu sẽ tiếp tục mở rộng ở đây trong tương lai sắp tới. Đó là những gì sẽ xảy ra với các doanh nghiệp. Thế nhưng còn điều gì sẽ xảy ra với chính Trung Quốc?

Trước kia, lực lượng lao động dồi dào giúp cắt giảm chi phí sản xuất, tạo ra lợi nhuận cao, nhờ đó mà các doanh nghiệp cũng tin tưởng vào kinh tế của Trung Quốc và đầu tư vào nước này. Khi mà dân số sụt giảm, đầu tư nước ngoài cũng giảm theo, giờ thì Trung Quốc gặp khó. Vì phân khúc lao động tay chân thì quá đắt nhưng lại không đủ trình độ để đảm nhận những khâu sản xuất trình độ cao, tinh vi và lương cao. Nếu bạn thấy quen quen thì đây chính là bẫy thu nhập trung bình, một vấn đề mà rất nhiều nước đang phát triển gặp phải trong lúc cố gắng trở thành một nền kinh tế phát triển.

Một trong những giải pháp quan trọng nhất để giải thoát khỏi cái bẫy là giáo dục đào tạo, trình độ cao tương đương với lương cao. Lương cao sẽ chi trả được những món tiền lớn như là mua xe hay là đi du lịch. Lợi ích của tiêu dùng sẽ thay thế cho những khoản đầu tư bị mất. Mà giáo dục của Trung Quốc là như thế nào?

Chúng ta đã nghe về Cao khảo kỳ thi đại học khắc nghiệt nhất thế giới, về cuộc chạy đua học thêm khiến cho chính phủ phải ra tay can thiệp. Nếu Trung Quốc có một quốc giáo, đó là giáo dục. Vấn đề nằm ở chỗ chỉ có thiểu số được giáo dục trình độ cao, trong khi đa số bị bỏ lại. Biểu đồ này cho thấy sự ngược đời của nền giáo dục này: hơn 60% người ở độ tuổi từ 25 đến 34 có trình độ dưới cấp hai. Kết quả là phần lớn lực lượng lao động hoặc là thiếu kỹ năng cần thiết để làm thợ cơ khí, công nhân máy móc hay kỹ thuật viên, hoặc không muốn làm những công việc bị coi là tầm thường. Tình trạng đó dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Vào tháng 8/2023, Trung Quốc đã quyết định ngừng công bố dữ liệu hàng tháng về tỷ lệ thất nghiệp ở nhiều người trẻ, sau khi con số này đạt mức cao kỷ lục trong liên tiếp nhiều tháng trước đó. Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp trong tháng 6 lên đến 21,3%. Vài năm trước đây, người ta đã nói về ngày Trung Quốc vượt qua Mỹ, trở thành số một thế giới. Thế nhưng, dự báo đó chỉ dựa trên một giả thuyết rằng Trung Quốc sẽ đi mãi theo một hướng, rằng thời kỳ dân số vàng sẽ kéo dài mãi mãi. Thế nhưng, mọi thứ có bao giờ đơn giản như vậy đâu?

Đầu tư vào giáo dục là chưa đủ, bạn còn phải thay đổi quan niệm, để làm thầy chứ không làm thợ nữa. Bạn cũng không thể nào bảo các cặp vợ chồng hãy sinh thêm con mà không làm cho những chi phí nuôi nấng, dạy dỗ bớt đắt đỏ. Bạn cũng không thể nào bảo dân hãy tiêu tiền đi nếu không giải quyết được cuộc khủng hoảng nhà ở, khiến giá nhà ăn sạch tiền tiết kiệm của người dân.

Từ năm 1960 đến năm 2012, trong số 101 nền kinh tế, chỉ có thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Khi tương lai của Trung Quốc không còn chắc chắn, có lẽ chúng ta cũng nên tự hỏi liệu Việt Nam có hội tụ đầy đủ yếu tố để thực hiện thành công bước nhảy cuối cùng không?

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới