Trong mạng lưới đường sắt cao tốc khổng lồ của Trung Quốc, có đoàn tàu cao tốc rất đặc biệt, được gọi là “Người dẫn đường”.
Theo trang Baijiahao, đường sắt cao tốc, với tư cách là đại diện xuất sắc trong công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại của Trung Quốc, là biểu tượng của tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Sự trỗi dậy của đường sắt cao tốc tại Trung Quốc không xảy ra trong một sớm một chiều mà phải mất hàng thập kỷ kiên trì và nỗ lực.
Quy mô của các dự án đường sắt cao tốc là vô cùng lớn và đòi hỏi quyết tâm rất lớn cũng như năng lực kỹ thuật để hiện thực hóa. Hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc bắt đầu được xây dựng từ năm 2005 và hiện có tổng chiều dài lên tới hơn 40.000 km, chiếm hơn 70% tổng chiều dài đường sắt cao tốc của thế giới.
Theo thống kê của Baijiahao, mạng lưới đường sắt cao tốc khổng lồ này bao phủ 95% khu vực thành thị với dân số trên 500.000 người của Trung Quốc, kết nối các thành phố và làng mạc, giúp giảm đáng kể khoảng cách địa lý.
Trong nửa đầu năm nay, hệ thống đường sắt cao tốc Trung Quốc đã vận chuyển 1,77 tỷ lượt hành khách, tương đương 22% dân số toàn cầu. Mạng lưới đường sắt cao tốc khổng lồ này cung cấp động lực và hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc.
Không chở hành khách nhưng ngày nào cũng chạy
Trong mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc, có một đoàn tàu cao tốc rất đặc biệt, được gọi là “Người dẫn đường”.
Đoàn tàu này khác với các đoàn tàu cao tốc thông thường ở chỗ nó không chở hành khách và hàng hóa, không có ghế ngồi và cũng không có nhân viên phục vụ. Vậy đoàn tàu cao tốc này có gì đặc biệt và tại sao lại được gọi là “Người dẫn đường”?
Theo Baijiahao, điểm độc đáo của đoàn tàu cao tốc “Người dẫn đường” nằm ở nhiệm vụ của nó: không phải để vận chuyển mà là đảm bảo sự vận hành an toàn và ổn định của các tuyến đường sắt cao tốc.
Đoàn tàu cao tốc này khởi hành hàng ngày vào lúc màn đêm buông xuống để kiểm tra và thử nghiệm đường ray, đảm bảo sự an toàn của hệ thống đường sắt cao tốc, mở đường cho các chuyến tàu cao tốc tiếp theo. Đây cũng chính là lý do mà dịch vụ đường sắt cao tốc ở Trung Quốc không khai thác vào ban đêm.
Tàu cao tốc “Người dẫn đường” được trang bị nhiều thiết bị giám sát và công cụ thu thập dữ liệu tiên tiến, có thể theo dõi tình trạng đường ray trong thời gian thực, phát hiện các mối nguy hiểm tiềm ẩn và cung cấp dữ liệu có giá trị cho việc vận hành đường sắt cao tốc an toàn sau này.
Do tính chất đặc thù công việc nên trên chuyến tàu cao tốc này không có người soát vé hay nhân viên phục vụ nào, chỉ có lái tàu cùng một tổ kỹ thuật. Trong lúc tàu cao tốc “Người dẫn đường” đang chạy, các kỹ thuật viên sẽ theo dõi thông số trên các thiết bị để xác định rằng không xảy ra lỗi kỹ thuật hay những tác động ngẫu nhiên bên ngoài như cành cây, sỏi đá gây cản trở hoạt động của chuyến tàu cao tốc.
Khi tàu cao tốc “Người dẫn đường” vận hành suôn sẻ, đồng nghĩa với việc các tuyến đường sắt cao tốc về cơ bản an toàn, điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn của hoạt động khai thác đường sắt cao tốc trong ngày mới.
Vì vậy, mặc dù tàu cao tốc “Người dẫn đường” không dùng để vận chuyển hành khách hay hàng hóa nhưng sự tồn tại của nó là vô cùng quan trọng.
T.P