Giữa bối cảnh kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái, Việt Nam vẫn được đánh giá có nhiều triển vọng tích cực song những vấn đề nội tại, sức cạnh tranh của kinh tế là vấn đề được đặt ra.
Theo Bộ Ngoại giao, kinh tế thế giới dù có dấu hiệu tích cực hơn nhưng vẫn đối mặt với nhiều rủi ro và triển vọng tăng trưởng thấp. Dự báo tăng trưởng tại Mỹ chỉ ở mức 1,5%, Trung Quốc là 4,5%, Nhật Bản là 1,2% và EU là 0,6-0,9%…
Tuy vậy, nhiều tổ chức thế giới đưa ra nhận định tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.
Trong đó, IMF đánh giá Việt Nam đứng thứ 20 về tốc độ tăng trưởng và dự báo đạt 5,8%; cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratins dự báo lạc quan với 6,3% năm 2024 và lên mức 7% vào 2025.
Tổ chức thế giới đánh giá kinh tế Việt Nam ra sao?
Trong đó, chính sách tiền tệ, tài chính đã hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế, các yếu tố cơ bản trong trung hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn khả quan và đà tăng trưởng bền vững, mở ra triển vọng kinh doanh tích cực cho các ngân hàng.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa ban hành cũng chỉ ra kinh tế trong nước đã dần lấy lại đà tăng trưởng, nhất là ngành công nghiệp, thích ứng tốt hơn trước “tác động kép”.
Thu ngân sách 11 tháng ước đạt 94,9%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 6,7% và 5,1%, tính chung 11 tháng duy trì xuất siêu 25,83 tỉ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 65,1% kế hoạch, cao hơn 6,8% so với cùng kỳ và số tuyệt đối cao hơn khoảng 123.000 tỉ đồng. Sản xuất công nghiệp tăng 5,8% so với cùng kỳ, thu hút FDI đạt gần 28,85 tỉ USD…
“Giữa thế giới bất ổn, nhưng chúng ta vẫn tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định và trụ được là thành công. Chúng ta đã “dĩ bất biến ứng vạn biến”, tức là ứng biến tốt hơn trước biến động của kinh tế thế giới” – TS Trần Đình Thiên – nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – nói.
Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cũng chỉ ra Việt Nam là điểm phát triển kinh doanh hứa hẹn nhất trong ASEAN.
Bằng chứng là hơn 60% công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong hai năm tới.
Đáng chú ý, Việt Nam đứng ở vị trí 75 trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu, trên cả Thái Lan, Indonesia và Philippines. Nhờ vậy, Việt Nam là một trong những địa điểm “trú bão” an toàn cho nhà đầu tư.
Đánh giá về môi trường đầu tư, kinh doanh và điều hành kinh tế vĩ mô, theo Savills World Research, Việt Nam có cơ hội để trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực về phát triển bền vững.
Bằng chứng là có tới 85% công ty thuộc nhóm các doanh nghiệp phát triển nhanh nhất đã và đang tham gia cam kết mô hình môi trường – xã hội – quản trị doanh nghiệp (ESG).
Giải quyết thách thức về thể chế, chờ các cơ chế thử nghiệm
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Sỹ Dũng – nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – đánh giá cao vai trò của người đứng đầu, khi đưa ra cách tiếp cận “thứ tự ưu tiên” và “trọng tâm trọng điểm” trong phát triển.
“Chính phủ thời gian qua đã rất cố gắng, đặc biệt Thủ tướng xông xáo làm việc không biết đêm biết ngày. Cái tâm với sự phát triển của đất nước của Thủ tướng là trường hợp rất hiếm. Nhưng những vướng mắc là rất nhiều, nên việc xác định thứ tự ưu tiên là hướng đi phù hợp” – ông Dũng nhận xét.
Bởi theo ông, trong điều kiện hiện nay “không thể làm được gì nhiều”, mà việc Thủ tướng lựa chọn ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông, ưu tiên thu hút công nghệ, chuyển đổi số, phát triển bền vững sẽ giúp nền kinh tế tạo được lan tỏa và động lực tăng trưởng mới.
Tuy vậy, ông cho rằng còn nhiều việc phải làm để kinh tế Việt Nam “vượt bão” thành công. Đó là việc giải quyết những vướng mắc trong thể chế, cơ chế chính sách khi có thực tế là quy trình thủ tục “phải mất nhiều thời gian”.
Chính sách bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm cần sáng tạo và đột phá hơn trên cơ sở cần ban hành quy chế thử nghiệm. Từ đó tạo không gian cho đổi mới sáng tạo, không gian thể chế mở để phù hợp với tình hình biến động lớn của xã hội.
Đồng tình, ông Thiên cho rằng còn nhiều vấn đề bất cập trong nội tại nền kinh tế bởi “nội lực kinh tế chưa bao giờ khó như hiện nay”. Vì vậy, cần đánh giá lại để phát hiện ra những vấn đề bất cập của nền kinh tế, trọng tâm là khơi thông động lực tăng trưởng mới.
Bởi nhìn vào thực tế Chính phủ nỗ lực rất nhiều nhưng giải ngân đầu tư công vẫn thấp. Doanh nghiệp rời bỏ thị trường, nội lực và sức chống chịu của nền kinh tế trước mở cửa hội nhập là vấn đề đặt ra.
Do đó, từ sự kiện CEO Nvidia đến Việt Nam vừa qua, ông Thiên cho rằng cần phát huy tốt hơn các động lực mới như công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo sự tăng trưởng bền vững cho tương lai.
T.P