Những tiếng nói trung thực về tình hình kinh tế Trung Quốc đang bị Bắc Kinh đàn áp. Bắc Kinh có thể tìm ra nhiều đối tượng để quy trách nhiệm phá hoại kinh tế, trong khi không đưa ra được giải pháp cải thiện kinh tế mang tính thực chất.
Khi nền kinh tế Trung Quốc đang rơi xuống “vực thẳm”, Bắc Kinh đang cố gắng ngăn chặn việc “nói xấu nền kinh tế Trung Quốc”. Ngoài việc đưa ra thông báo yêu cầu những người nổi tiếng trên Internet phải im lặng, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc thậm chí còn trực tiếp vào cuộc để đe dọa. Những động thái này đã thu hút sự chú ý của công chúng.
Ảnh chụp màn hình được đăng trực tuyến cho thấy các tài khoản quản trị của Weibo (một mạng xã hội lớn của Trung Quốc) là “Weibo Finance” và “Weibo Stocks” đã thông báo cho những người nổi tiếng trên Internet vào ngày 14/12, “Xin hãy chú ý đến tiêu chuẩn ngôn luận khi đăng bài trong thời gian sắp tới và không đăng bất kỳ nhận xét nào nói xấu nền kinh tế”. “Weibo Law” thông báo: “Hình phạt cho tội nói xấu nền kinh tế sẽ rất nghiêm khắc trong thời gian sắp tới. Vui lòng không chạm vào vạch đỏ khi đăng bài”.
Không chỉ vậy, Weibo còn mở rộng phạm vi của các biện pháp, thậm chí nói tốt cho kinh tế Mỹ cũng bị cấm.
Tuy nhiên, vẫn có một số người nổi tiếng về lĩnh vực tài chính trên Internet dường như không ủng hộ cuộc đàn áp của Weibo. Vì vậy, Bộ An ninh Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trực tiếp tham gia. Sáng ngày 15/12, tài khoản công khai WeChat của Bộ An ninh Quốc gia đã đăng bài báo “Các cơ quan An ninh Quốc gia kiên quyết xây dựng hàng rào an ninh kinh tế mạnh mẽ”, nâng những phát biểu thể hiện thái độ bi quan về nền kinh tế lên thành vấn đề an ninh quốc gia.
Bộ An ninh Quốc gia cho rằng nhiều “lời nói rập khuôn” nhằm bôi nhọ nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục xuất hiện, dựng nên “bẫy diễn ngôn” và “bẫy nhận thức” về “sự suy tàn của Trung Quốc”. Bài báo tóm tắt một số nhận xét “nói xấu nền kinh tế Trung Quốc”, bao gồm cáo buộc chính quyền “thay thế phát triển bằng an ninh”, “xua đuổi đầu tư nước ngoài” và “đàn áp các doanh nghiệp tư nhân”. Bài báo đe dọa “đàn áp và trừng phạt” “những người có động cơ ẩn giấu”.
Bài báo cũng tuyên bố rằng cơ quan này sẽ duy trì an ninh kinh tế của Trung Quốc. Nó sẽ trấn áp và trừng phạt cái gọi là “các hoạt động bất hợp pháp và tội phạm gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” trong lĩnh vực an ninh kinh tế; làm việc với các bộ phận liên quan để ngăn chặn và giải quyết các rủi ro an ninh trong lĩnh vực kinh tế và duy trì các yếu tố then chốt trong việc ngăn ngừa rủi ro hệ thống.
Trước đó, ngày 12/12, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương do Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông chính thức của ĐCSTQ đăng tải, đã đề cập rõ ràng về cái gọi là “tăng cường tuyên truyền kinh tế và hướng dẫn dư luận”.
Vào ngày 2/11, Bộ An ninh Quốc gia đã công bố một bài báo có tiêu đề “Các cơ quan An ninh Quốc gia hãy là những người bảo vệ vững chắc cho An ninh Tài chính”.
Trước cuộc đàn áp “ồn ào” của Bắc Kinh đối với việc “nói xấu nền kinh tế Trung Quốc”, nhiều cư dân mạng đã để lại bình luận trên các nền tảng xã hội ở nước ngoài để chế giễu: “Tuyệt vời, điều này tương đương với việc xác nhận chính thức rằng nền kinh tế Trung Quốc là vô vọng”. “Còn cần nói xấu nữa à? Không cần nói xấu nữa. Không thể tệ hơn được nữa”. “Hệ thống chuyên quyền vốn đã không bền vững, và sự suy tàn của nó là điều khó tránh khỏi”.
Cư dân mạng “Jinchi Luyeji” viết trên mạng xã hội Weibo (một nền tảng trong nước của Trung Quốc): “Vấn đề kinh tế nên được giải quyết bằng biện pháp kinh tế. Nó chẳng liên quan gì đến bộ phận an ninh. Họ càng kiểm soát thì càng hỗn loạn!”.
“Under the clear sky_” bình luận: “Điều tốt nhất là hãy im lặng. Đó là điều quan trọng”.
“guy against the wind” nói: “Trông đáng sợ quá. Không biết doanh nghiệp tư nhân, giới truyền thông và vốn nước ngoài nghĩ sao”.
Bộ An ninh Quốc gia tham gia vào lĩnh vực kinh tế
Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đang tích cực can thiệp vào nền kinh tế Trung Quốc, nhằm bảo vệ “an ninh kinh tế”.
Trước lần can thiệp này, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã từng đăng một bài viết trên tài khoản chính thức của mình trên nền tảng mạng xã hội WeChat của Trung Quốc vào ngày 2/11, cam kết “tham gia tích cực vào việc bảo vệ sự ổn định tài chính của đất nước và giám sát chặt chẽ các rủi ro trong ngành”. Nó cảnh báo rằng cần phải “hiểu rõ ràng nhiều rủi ro và thách thức đối với an ninh tài chính của đất nước”.
Bài báo nói rằng có bốn loại người: những người dự đoán về sự “rút ruột” của nền kinh tế Trung Quốc, những người đã thực hiện hành động rút tiền khỏi Trung Quốc, những người nói và thúc đẩy ý tưởng rút vốn ra khỏi Trung Quốc, và những kẻ đang vắt kiệt nền kinh tế Trung Quốc từ bên trong. Những người này và hành động của họ đang cố gắng làm lung lay niềm tin của cộng đồng quốc tế vào hoạt động đầu tư vào Trung Quốc và gây ra tình trạng bất ổn tài chính trong nước ở Trung Quốc. Bài viết đe dọa sẽ trừng phạt những “tội phạm tài chính” này theo quy định của pháp luật.
Tuyên bố bất thường về các vấn đề kinh tế của Trung Quốc từ Bộ An ninh Quốc gia của ĐCSTQ đã thu hút sự chú ý của quốc tế.
Nhà bình luận thời sự làm việc tại Mỹ Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan) cho biết trong chương trình trò chuyện trên YouTube của mình vào ngày 4/11: “Đây là từ ông Tập Cận Bình, là lệnh trực tiếp của ông Tập. Bộ An ninh Quốc gia chưa bao giờ can thiệp vào tài chính hay kinh tế trước đây, ngoại trừ các tội ác tài chính nghiêm trọng. Họ không chịu trách nhiệm về các vấn đề kinh tế cụ thể, chẳng hạn như việc rút tiền đầu tư khỏi Trung Quốc”.
Ông Đường chỉ ra xu hướng nguy hiểm do tuyên bố của Bộ An ninh quốc gia đặt ra: “Không ai khác trong cộng đồng quốc tế dám để các điệp viên điều hành nền kinh tế. Điệp viên quản lý tài chính quốc gia là một sự thay đổi chưa từng có. Đó là điềm báo về việc các điệp viên cai quản đất nước một cách toàn diện. Hôm nay Bộ An ninh chuẩn bị tiếp quản lĩnh vực tài chính và vạch ra phương hướng phát triển của lĩnh vực tài chính. Bước tiếp theo có phải là để các điệp viên chỉ ra phương hướng cho giáo dục không?” ông Đường đặt câu hỏi.
Bộ An ninh Quốc gia của Trung Quốc cũng đồng thời chỉ trích những “con gấu” thị trường, những người luôn là những kẻ bi quan nhắm vào lĩnh vực tài chính của Trung Quốc nhằm làm lung lay niềm tin của cộng đồng quốc tế khi đầu tư vào Trung Quốc, với mục đích duy nhất là gây ra tình trạng hỗn loạn tài chính. Bộ cảnh báo rằng những “hoạt động tội phạm” gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính của nhà nước sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật.
Bộ tuyên bố rằng một số quốc gia đang sử dụng tài chính “như một công cụ địa chính trị” để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc. Họ lên án “những nhà dự báo giá xuống, những người bán khống, những người hoài nghi thị trường và những kẻ thao túng thị trường” vì thu lợi trong bối cảnh hỗn loạn, cáo buộc họ “cố gắng làm suy yếu niềm tin của cộng đồng quốc tế khi đầu tư vào Trung Quốc” và “kích động bất ổn tài chính ở Trung Quốc”. Bài viết cũng nhấn mạnh rằng các cơ quan an ninh quốc gia nên “ưu tiên cao hơn cho việc ngăn ngừa và giải quyết các rủi ro tài chính”, đồng thời trấn áp và trừng phạt các hoạt động bất hợp pháp và tội phạm trong lĩnh vực tài chính, những thứ có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, theo quy định của pháp luật.
Ông Lew Mon-hung, còn được gọi là “Bố già của hợp đồng tương lai”, đồng thời là cựu đại biểu Hong Kong của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), đã đặt câu hỏi về lý lẽ đằng sau động thái của Bộ. Ông lưu ý rằng ngay cả trong Thế chiến thứ hai, khi các nước phát xít như Đức và Nhật Bản thiết lập quyền cai trị ở các quốc gia mà họ chiếm đóng, người ta cũng không thấy những động thái tương tự. Ông cho rằng việc sử dụng Bộ An ninh Quốc gia để “cứu thị trường bằng biện pháp bạo lực” rơi vào mặt sai trái của vấn đề. Ông chỉ ra rằng những lời hùng biện của giới lãnh đạo Bắc Kinh là lý do thực sự khiến các doanh nghiệp tư nhân rút lui việc đầu tư, khiến thị trường lao dốc.
“Chúng ta không bao giờ có thể sử dụng vũ lực của chính phủ để ra lệnh cho thị trường chỉ có thể nói về sự lạc quan, điều này phù hợp hơn với các nguyên tắc kinh tế và quy luật khoa học”. Ông tin rằng các ưu tiên hiện nay là điều chỉnh việc phân bổ tùy tiện, tính phí tùy tiện và phạt tiền tùy tiện đối với các doanh nghiệp tư nhân, cũng như việc khởi kiện tùy tiện, bắt giữ tùy tiện và tịch thu tùy tiện. Nói chung, “thay vào đó chúng ta phải thiết lập một nền kinh tế thị trường dựa trên pháp quyền”.
Bắc Kinh làm được gì ngoài kiểm duyệt và đổ lỗi?
Bắc Kinh đã gán cho những người “nói xấu kinh tế Trung Quốc” tội phá hoại nền kinh tế trong nước. Giữa lúc kinh tế rối ren, Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc quy trách nhiệm và đổ lỗi.
Gần đây, những ông trùm cho vay ngang hàng P2P ở Trung Quốc đã phải chịu những bán án nặng nề. Tuy nhiên, họ cũng chỉ là đối tượng để Bắc Kinh đổ trách nhiệm. Cho dù tài sản của những ông trùm bị tịch thu, nhưng những tài sản đó lại bị Bắc Kinh chiếm đoạt trong khi người bị hại không được bồi thường tổn thất.
Liu Yanlin (hóa danh), một chuyên gia tài chính ở Trung Quốc, nói với Đài truyền hình NTD tiếng Trung rằng ĐCSTQ trước đây đã quảng bá cho nền tảng P2P, đồng thời tạo điều kiện cho việc đóng gói và bán các khoản nợ xấu cho nền tảng P2P.
“Sau đó, chính quyền ĐCSTQ đã ngầm cho phép các nền tảng P2P đóng gói các khoản nợ xấu này và bán chúng cho các nhà đầu tư nhỏ không hiểu biết. Tiền đầu tư [được các nền tảng huy động] cuối cùng đã đến tay các ngân hàng và cuộc khủng hoảng tài chính đã được chuyển sang người dân Trung Quốc”.
Ông Đường Tịnh Viễn nói: “Đổ hết trách nhiệm lên người đứng đầu các nền tảng cho vay trực tuyến [là một động thái] có động cơ chính trị hơn là có ý nghĩa kinh tế khi mà ĐCSTQ không thể tìm ra lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế”
Nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua sự suy yếu đáng kể. Mặc dù ĐCSTQ thực hiện nhiều nỗ lực giải cứu thị trường nhưng chúng vẫn không mang lại kết quả đáng chú ý. ĐCSTQ đang tăng cường quy trách nhiệm và đổ lỗi bằng cách trấn áp các quan chức khác nhau của chính quyền trong các cuộc điều tra tham nhũng mở rộng.
Theo thống kê từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của ĐCSTQ, kể từ tháng 11, ít nhất 9 giám đốc tài chính tại các ngân hàng được nhà nước hậu thuẫn đã bị cách chức, với hơn 90 quan chức như vậy đã bị thanh trừng trong năm nay.
Nhà bình luận chính trị Trung Quốc Lý Lâm Nhất (Li Linyi) ở New York nói với The Epoch Times vào ngày 10/12 rằng nếu cuối cùng cuộc khủng hoảng kinh tế Trung Quốc nổ ra, ĐCSTQ rất có thể sẽ cố gắng đổ lỗi cho ông Lý Khắc Cường và phe cánh của ông Lý trong chính quyền.
Sau Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ, Ủy ban Tài chính Trung ương được thành lập vào tháng 3 năm nay, hiện do Thủ tướng Lý Cường lãnh đạo và Phó Thủ tướng Hà Lập Phong làm giám đốc văn phòng. Ông Lý Cường và ông Hà Lập Phong đều là những người bạn thân tín đáng tin cậy của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Lý Lâm Nhất nói: “Bây giờ, những người nắm quyền lực đáng kể trong lĩnh vực tài chính của ĐCSTQ là những người được lãnh đạo đảng tin tưởng”. Ông Lý tiếp tục: “Những quan chức bị thanh trừng gần đây là những người được ông Lý Khắc Cường bổ nhiệm trong nhiệm kỳ Thủ tướng của ông. Đây là một dấu hiệu rõ ràng”.
Theo ông Lý Lâm Nhất, cái chết đột ngột của ông Lý Khắc Cường vào ngày 27/10 ở tuổi 68, chỉ nửa năm sau khi từ chức Thủ tướng, đã đặt ra nhiều dấu hỏi về việc ông Lý thực sự qua đời như thế nào.
Trước đó, vào cuối tháng 11, thông tin từ Bloomberg và truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc đang soạn thảo một “danh sách trắng” các nhà phát triển bất động sản, yêu cầu các tổ chức tài chính và ngân hàng hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản trong danh sách này bằng cách cung cấp các khoản vay và các công cụ cứu trợ khác. Theo thông tin, 50 công ty bất động sản nhà nước và tư nhân nằm trong danh sách trắng gồm các doanh nghiệp như Vanke, Xincheng Development và Longfor Group.
Động thái này giống như tìm cách đổ trách nhiệm giải cứu bất động sản lên các ngân hàng, trong khi chính các ngân hàng cũng đang phải vật lộn với các khó khăn.
Các cuộc họp kinh tế thiếu thực chất
Trong khi đó, ĐCSTQ đang không cho thấy nhiều biện pháp thực chất có thể thực sự cải thiện nền kinh tế.
Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương (CEWC) của ĐCSTQ đã kết thúc vào tối thứ 3 (12/12). Trong cuộc họp, Bắc Kinh cam kết sẽ coi trọng tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích rằng việc thiếu các biện pháp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng khiến tầm nhìn phát triển kinh tế trở thành những lời nói trống rỗng và vô nghĩa.
CEWC thường đề ra quan điểm chung cho chính sách kinh tế của năm tới. Cuộc họp vừa rồi cam kết sẽ “tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nền kinh tế và nhiệm vụ hàng đầu là phát triển chất lượng cao”.
Ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group, nói với CNN rằng Bắc Kinh có thể đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm tới ở mức “4,5% đến 5%” hoặc “khoảng 5%”, sát với mục tiêu cho năm 2023.
Nhưng các nhà phân tích khác đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có đạt được mức tăng trưởng như vậy hay không nếu không có các biện pháp kích thích nhắm trực tiếp vào người tiêu dùng. Đây vốn là điều mà Trung Quốc tránh nói đến.
Hôm thứ 4 (13/12), các nhà phân tích của Citi cho biết “không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ tiêu dùng quy mô lớn” và “không có cuộc thảo luận chi tiết nào về việc tăng thu nhập hộ gia đình”.
Hiện tại, Bắc Kinh đang phải đối mặt với những khó khăn ngày càng sâu sắc, trong đó sức tiêu dùng yếu là lực cản chính. Mặc dù Bắc Kinh nhiều lần hứa sẽ mở rộng nhu cầu trong nước và kích thích tiêu dùng nhưng nước này vẫn chưa thực hiện bất kỳ biện pháp kích thích quy mô lớn nào.
Trước đó, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã kết thúc cuộc họp quan trọng vào ngày 8/12, do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, nhằm chỉ đạo công tác kinh tế của Trung Quốc trong năm tới. Cuộc họp nhằm phác thảo các nguyên tắc cần thiết để ổn định và cải thiện nền kinh tế Trung Quốc trước môi trường bên trong và bên ngoài phức tạp. Tuy nhiên, kết quả dường như mang tính hùng biện hơn trong khi không có nội dung thực chất.
Các tuyên bố chính thức từ cuộc họp cho biết “chính sách tài khóa chủ động cần được tăng cường và cải thiện một cách thích hợp về chất lượng và hiệu quả”, mặc dù không có bước đi rõ ràng nào được vạch ra để đối phó với tình trạng tăng trưởng kinh tế suy yếu. Tương tự, ĐCSTQ đặt ưu tiên “ngăn chặn và hạ nhiệt rủi ro trong các lĩnh vực trọng điểm và kiên quyết bảo vệ các điểm mấu chốt trước các rủi ro hệ thống”. Mặc dù đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự chú ý đang hướng tới bong bóng nợ bất động sản, nhưng một lần nữa, không có sự đề cập nào đến kế hoạch cụ thể để thực hiện điều này.
T.P