Wednesday, December 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTQ đối mặt làn sóng nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy

TQ đối mặt làn sóng nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy

FDI ròng của Trung Quốc năm nay đã lần đầu tiên chuyển sang mức âm, có nghĩa đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã vượt quá đầu tư của nước ngoài vào Trung Quốc.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang rời khỏi Trung Quốc

Tạp chí The Economist nhận định nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay rơi vào tình thế khó khăn, không chỉ do khủng hoảng bất động sản, nhiều công ty liên tục vỡ nợ và chỉ số chứng khoán giảm xuống dưới mức thấp nhất, các công ty từ nhiều quốc gia khác nhau cũng phải đối phó với mối quan hệ không chắc chắn của Trung Quốc với các đối tác thương mại lớn, dẫn đến tình hình tài chính suy thoái.

Những nguyên nhân trên đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài và những người giàu có Trung Quốc nhanh chóng rút lui, ngay cả các công ty Trung Quốc cũng đứng ngồi không yên.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Tài chính Quốc tế (Institute of International Finance, IIF), một tổ chức tư vấn, cổ phiếu và trái phiếu của Trung Quốc đã chứng kiến ​​dòng vốn chảy ra nước ngoài trong 5 quý liên tiếp, lập kỷ lục về thời gian dài nhất trong lịch sử. Trong quý 3 năm nay, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ròng của Trung Quốc lần đầu tiên chuyển sang mức âm, có nghĩa là đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã vượt quá đầu tư của nước ngoài vào Trung Quốc.

Theo The Economist, điều này phần nào phản ánh thực tế là các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang chuyển ra nước ngoài, vì muốn giảm chi phí lao động và tránh thuế quan của Mỹ. Mặc dù quy mô tổng thể của dòng vốn chảy ra vẫn còn là vấn đề cần xác định, nhưng một số chuyên gia cho rằng con số này có thể lên tới 500 tỉ USD.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư lẻ tới Hong Kong du lịch để mua các hợp đồng bảo hiểm có thể giao dịch. Mặc dù họ chỉ có thể chi tiêu hợp pháp 5.000 USD mỗi lần, nhưng những khách du lịch đại lục này trong 9 tháng đầu năm nay đã giúp các công ty Hong Kong tạo ra doanh thu bảo hiểm khoảng 6 tỉ USD, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại Mỹ, hàng chục bang đã thông qua dự luật cấm một số công dân nước ngoài mua đất và bất động sản. Canada cũng đã thông qua “Đạo luật cấm người không phải công dân Canada mua nhà ở”, cấm người nước ngoài mua bất kỳ bất động sản nào ở Canada trong vòng 2 năm tới, nhưng một số nhóm nhất định như thường trú nhân, công nhân và sinh viên nước ngoài được miễn trừ.

Thị thực vàng, cung cấp quyền cư trú để đổi lấy đầu tư, không còn được ưa chuộng ở châu Âu khi Ireland, Hà Lan và Bồ Đào Nha đang xem xét thắt chặt hoặc bãi bỏ chúng. Các quốc gia khác cũng thận trọng trong việc tiếp nhận những công dân thuộc giới tinh hoa của Trung Quốc.

Làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc gần đây nhất xảy ra trong giai đoạn 2015-2016. Người ta ước tính chỉ riêng năm 2015, có tới 1 nghìn tỉ USD tiền vốn đã chảy ra khỏi Trung Quốc. The Economist cho rằng mặc dù dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc lần này chưa đến mức như giai đoạn 2015-2016 nhưng có thể kéo dài hơn.

Bloomberg cũng đưa tin, do lo ngại về đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc, tính đến tháng 11, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán cổ phiếu Trung Quốc trong tháng thứ 4 liên tiếp, lập kỷ lục về đợt bán tháo kéo dài nhất trong lịch sử. Ngoài ra, tờ Wall Street Journal cũng đưa tin Trung Quốc đang phải đối mặt với làn sóng tháo chạy vốn nước ngoài nghiêm trọng.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm tháng thứ 4 liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ra hơn 1,8 tỉ NDT (252 triệu USD) cổ phiếu Trung Quốc trong tháng 11. Tuy nhiên, dòng vốn chảy ra giảm nhiều so với mức trung bình hàng tháng từ tháng 8 đến tháng 10 là gần 60 tỉ NDT (khoảng 8,4 tỉ USD). Điều này chủ yếu là do các nhà đầu tư nước ngoài bổ sung cổ phiếu Trung Quốc trên quy mô lớn trước khi điều chỉnh các thành phần chỉ số MSCI vào ngày 30/11.

Tờ Wall Street Journal cho rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với các vấn đề như dòng vốn nước ngoài chảy ra ngoài và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, thậm chí số lượng sinh viên quốc tế học tập tại Trung Quốc và lượng khách du lịch đến Trung Quốc đều giảm.

Theo đó, tình hình dòng vốn nước ngoài chảy ra khỏi Trung Quốc là “rất tồi tệ”. Theo chỉ số “Nợ đầu tư trực tiếp” (Direct investment liabilities) của Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc để đo lường đầu tư trực tiếp nước ngoài, con số đáng kinh ngạc là âm (-)11,8 tỷ USD đã xuất hiện trong quý 3/2023; quý 3 năm ngoái, con số này là +14,1 tỉ USD.

Nợ đầu tư trực tiếp trong quý 3 năm nay lần đầu tiên chuyển sang mức âm kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập vào năm 1998, phản ánh việc rút vốn nước ngoài và giảm quy mô kinh doanh ở Trung Quốc cao hơn mức đầu tư mới vào xây dựng nhà máy và các mục đích khác.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới