Không chỉ tăng lên về tổng nợ xấu, nhiều ngân hàng có nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh.
Những ngân hàng “ôm” nợ xấu nhiều nhất
Còn hơn 1 tháng nữa mới tới hạn công bố báo cáo tài chính quý IV/2023, nhưng tình hình nợ xấu năm 2023 của các ngân hàng hiện được dư luận quan tâm.
9 tháng đầu năm 2023, nhiều ngân hàng không chỉ gia tăng tổng nợ xấu mà chất lượng nợ phân theo nhóm nợ cũng xấu dần.
Cụ thể, đến hết quý III/2023, theo khảo sát qua báo cáo tài chính của các ngân hàng, MB và MSB là hai ngân hàng có tỉ lệ gia tăng nợ xấu cao nhất.
Đối với MB, kết thúc quý III/2023, cùng chiều với tỉ lệ cho vay khách hàng, nợ xấu (nợ nhóm 3,4,5) tại ngân hàng này tăng từ mức hơn 5.000 tỉ đồng lên gấp đôi ở mức 10.111 tỉ đồng.
Còn tại MSB, sau 9 tháng, nợ xấu ghi nhận cán mốc 4.149 tỉ đồng, trong khi đó thời điểm đầu năm, con số này chỉ là 2.057 tỉ đồng.
Nhưng ngân hàng “ôm” nợ xấu cao nhất tổng kết 9 tháng đầu năm lại là VPBank. Tiếp theo là BIDV, Vietinbank, Vietcombank.
Tổng số dư nợ xấu của VPBank ghi nhận đến thời điểm 30.9.2023 là gần 30.000 tỉ đồng. Của BIDV là hơn 26.000 tỉ đồng và Vietinbank là gần 19.000 tỉ đồng, còn Vietcombank có mức tổng dư nợ xấu đạt hơn 14.300 tỉ đồng.
Trao đổi với Lao Động ngày 18.12, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – giảng viên cao cấp Học viện Tài chính – cho biết, dự đoán nợ xấu sẽ còn có xu hướng gia tăng mạnh trong năm 2024.
Theo các chuyên gia, việc dừng hiệu lực Thông tư 02 vào tháng 6.2024 sẽ khiến áp lực nợ xấu của các ngân hàng tăng mạnh.
Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, mặc dù nợ xấu tăng nhanh, song con số này vẫn thấp hơn nhiều so với tỉ lệ nợ xấu thực vì chưa tính cả nợ đang được giãn, hoãn, chưa chuyển nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.
“Bất động sản là lĩnh vực được cảnh báo tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất khi thị trường chậm hồi phục khiến các khoản nợ có nguy cơ nhảy nhóm thành nợ xấu nhiều nhất” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Nợ nhảy nhóm tăng mạnh
Trong báo cáo vừa công bố, Công ty chứng khoán VPBank (VPBank Securities) cho biết, tổng quy mô nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) của các ngân hàng niêm yết đến cuối quý III là 73.604 tỉ đồng, tăng hơn 31% so với khi kết thúc quý II.
Theo phân tích, tỉ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng niêm yết vẫn dưới mức trần là 3% nhưng cũng đáng cảnh báo ở thời điểm tình hình kinh tế khó khăn.
Đơn cử ngân hàng lớn như Vietcombank – ngân hàng luôn nằm trong nhóm có chất lượng tài sản tốt trong ngành cũng có thêm hơn 6.500 tỉ đồng nợ xấu sau 3 quý đầu năm nay.
Trong đó, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng 87,5%; nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) gấp 7,1 lần; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng gấp 7,3 lần con số cuối năm 2022, trong khi nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm 14%.
Vietinbank cũng là ngân hàng tạo bất ngờ khi từ 31.3.3023 đến 30.9.2023, nợ nhóm 5 tăng vọt từ 4.247 tỉ đồng lên 6.758 tỉ đồng. Nợ nhóm 4 cũng tăng mạnh từ 4.528 tỉ đồng lên 7.287 tỉ đồng.
Tại nhóm ngân hàng tư nhân, cùng khoảng thời gian tương tự như trên, ACB ghi nhận nợ nhóm 5 tăng gần 1.300 tỉ đồng. Nợ nhóm 4 giảm nhẹ.
Tại Techcombank, cả ba nhóm nợ 3, 4, 5 đều ghi nhận mức tăng, lần lượt đạt mức 2.407 tỉ đồng, 2.270 tỉ đồng và 1.791 tỉ đồng vào ngày 30.9.2023.
Một tuần trước, tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét các đề nghị gia hạn Thông tư 02.
Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn tín dụng cho thị trường bất động sản hồi đầu tháng 11, chia sẻ về vấn đề này, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Việc kéo dài sử dụng Thông tư 02, xét về góc độ vĩ mô cần phải cân nhắc hài hoà. Trong ngắn hạn, thông tư rất có hiệu quả, nhưng trong trung và dài hạn, Thông tư 02 sẽ để lại gánh nặng về an toàn, tài chính và an toàn cho các tổ chức tín dụng.
T.P