Thursday, December 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiViệt Nam xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp, kỷ lục 26...

Việt Nam xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp, kỷ lục 26 tỷ USD

Năm 2023, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022.

Việt Nam xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp, kỷ lục 26 tỷ USD.

33 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Theo Bộ Công Thương, năm 2023, xuất nhập khẩu liên tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng còn yếu tại các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, ASEAN….

Tiêu dùng toàn cầu thấp, nhưng Việt Nam đã tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu 328,5 tỷ USD.

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá.

Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng cho biết: “Kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn, mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước nhưng mức suy giảm tiếp tục được thu hẹp từ mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống mức giảm khoảng 4,6% trong cả năm 2023”.

Xuất khẩu tận dụng tốt đa dạng hóa thị trường, kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng; mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp.

Cụ thể, có tới 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (11 tháng); trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66% tổng kim ngạch. Nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu (đây là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ năm trước (ước cả năm tăng 4,8%).

Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (85%) trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại, hoạt động nhập khẩu cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm 88,5% tổng kim ngạch; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 5,7% tổng kim ngạch.

Phụ thuộc FDI, giá trị gia tăng chưa như kỳ vọng

Bên cạnh nhiều điểm sáng, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, dù mức độ suy giảm trong xuất khẩu tiếp tục được thu hẹp nhưng về cơ bản vẫn chưa phục hồi so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, xuất khẩu năm 2023 ước đạt khoảng 354 – 355 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước, không đạt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra (tăng 6%). Kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mặc dù mức suy giảm đang dần được thu hẹp.

“Mặt khác, mức độ phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong xuất khẩu vẫn còn lớn khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI, kể cả dầu thô, vẫn chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (11 tháng năm 2023). Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như kỳ vọng. Năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa cao”, ông Trần Duy Đông, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết.

Bộ Công Thương nhận định áp lực bên ngoài đối với sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 còn lớn. Trong đó, nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả xuất khẩu.

Để đạt các mục tiêu của năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn đi vào vận hành, nhằm gia tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng…

Bộ Công Thương phấn đấu năm 2024 đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2023. Cán cân thương mại duy trì xuất siêu (dự kiến xuất siêu khoảng 15 tỷ USD).

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới