Với khoản đầu tư chỉ bằng một phần nhỏ Trung Quốc, Nga đã tập trung đầu tư nắm giữ nguyên liệu hạt nhân và công nghệ điện hạt nhân cho châu Phi.
Trong bài viết “Nắm tài nguyên châu Phi, Trung Quốc muốn thống trị Lithium toàn cầu” xuất bản hôm 18/12, chúng ta đã biết được việc Trung Quốc với túi tiền không đáy của mình đã thực hiện chiến lược châu Phi ra sao, để lấn át ảnh hưởng của Nga ở Lục địa Đen.
Ngược lại, Moscow cũng hiểu rất rõ, ai sở hữu tài nguyên hôm nay sẽ thống trị thế giới vào ngày mai.
Nói cách khác, những người nắm giữ các nguồn tài nguyên này, theo điều kiện riêng của họ, sẽ có thể áp đặt quyết định lên tất cả những người tham gia khác trong các quy trình chính sách công nghệ toàn cầu.
Do đó, với tư cách là người kế thừa hợp pháp của Liên Xô, quốc gia tích cực ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc trước đây ở Lục địa đen, Nga hiện nay cũng tiếp tục theo đuổi lợi ích nhà nước của mình ở đó.
Nga cạnh tranh với Trung Quốc
Với ảnh hưởng vốn có từ thời Liên Xô, việc Moscow tiếp cận được nguồn nguyên liệu thô của châu Phi ở mức độ này hay mức độ khác là điều khá tự nhiên, nhưng với tiềm lực kinh tế nhỏ hơn Trung Quốc, Nga hiện nay đang có một chính sách đầu tư rất hợp lý, kết hợp uy tín quốc gia với sự đầu tư hợp lý và nguồn lực công nghệ của mình.
Trong khi Trung Quốc đã đầu tư 51 tỷ USD vào các quốc gia châu Phi (1,6% tổng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài) trong giai đoạn từ 2003-2021, Nga đã đầu tư số tiền chưa bằng 1/3, nhưng cũng đã đạt hiệu quả rất lớn về mặt nâng cao vị thế quốc gia và ảnh hưởng ở Lục địa Đen.
Hiện nay, giới học giả phương Tây tin rằng, Liên bang Nga đang sử dụng nguồn năng lượng và lương thực của mình làm đòn bẩy đối với người dân Châu Phi. Các khoản đầu tư khiêm tốn của Nga vào Lục địa đen có tính chọn lọc nhưng nhắm mục tiêu về mặt địa chính trị.
Trên thực tế, trong cùng giai đoạn 2003-2031, Nga chỉ đầu tư vẻn vẹn 1,7 tỷ USD vào Châu Phi (chiếm 0,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài). Vectơ đối tác ưu tiên, dựa trên hành động của Ngân hàng Trung ương, được điều chỉnh theo hướng của Angola, Zimbabwe và Cộng hòa Công-gô.
Hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi mới nhất đã chứng minh Điện Kremlin sẵn sàng mở rộng đầu tư kinh tế, tập trung vào nông nghiệp, khai thác mỏ và năng lượng, với mục tiêu là tăng gấp đôi kim ngạch thương mại vào năm 2030.
Nga thống trị Uranium châu Phi
Theo chuyên gia Nga Yaroslav Dymchuk viết trên tờ Reporter, Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Rosatom và công ty khai thác mỏ Rusal tham gia thực hiện các dự án, mặc dù quy mô không lớn về mặt tài trợ, nhưng đóng vai trò hình ảnh quan trọng có lợi cho Nga, bởi những dự án này chủ yếu liên quan đến các nguồn lực quan trọng đối với tất cả các đất nước.
Trong khi người Trung Quốc đang nắm giữ phần lớn lượng lithium của châu Phi, Nga có truyền thống ưa thích uranium, loại nguyên liệu hạt nhân có thể sử dụng cho trong nước vừa có thể sử dụng trong các chương trình hợp tác với các quốc gia khắp mọi nơi trên thế giới, kể cả các nước thuộc thế giới thứ ba.
Do đó, Rosatom đang tăng cường mạnh mẽ trữ lượng uranium của mình, bao gồm cả việc mua nguyên liệu này ở Tanzania với số tiền 1,15 tỷ USD và đang tiếp tục thương thảo với Nigeria.
Tuy nhiên, việc mở rộng uranium không chỉ ở nguyên liệu thô mà còn ở toàn bộ giai đoạn nhiên liệu hạt nhân.
Liên bang Nga không nắm giữ quyền vận chuyển uranium thô của riêng mình, nhưng nước này chiếm một phần đáng kể trong cơ cấu làm giàu toàn cầu, khi chiếm tới 46%.
Đây là một điều kiện rất phù hợp, giúp có thể biến uranium thô thành nguyên liệu đầu vào cho gần một nửa số nhà máy điện hạt nhân hiện có trên thế giới.
Nga đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ hạt nhân
Điểm mạnh nữa là được Moscow chú trọng là phát huy vai trò của quốc gia đi đầu trong việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân dân dụng bằng các dự án cho vay vốn và xây dựng, giúp đỡ vận hành và bảo trì các nhà máy điện hạt nhân trên khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Phi.
Trong giai đoạn 2012-2021, Nga đã khởi xướng xây dựng 19 lò phản ứng hạt nhân, trong đó có 15 lò phản ứng nước ngoài, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong câu lạc bộ hạt nhân.
Trong nền chính trị lớn, mọi thứ đều đan xen và sự kiểm soát của Điện Kremlin đối với công nghệ tạo ra sự ràng buộc cho các quốc gia sử dụng nó và đương nhiên, điều này cũng áp dụng cho các nước đối tác châu Phi đã quyết định sử dụng công nghệ hạt nhân của Nga.
Đổi lại, sẽ là lý tưởng cho Moscow nếu giới lãnh đạo Nga nắm quyền kiểm soát một phần hướng đi này trên toàn lục địa.
Ngoài ra, Moscow còn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Châu Phi, kiểm soát một nửa thị trường châu lục này.
Sự thống trị về xuất khẩu vũ khí, cùng với các phương pháp gây ảnh hưởng độc đáo thông qua các công ty quân sự tư nhân như Wagner và sau này là Africa Corps, giúp tăng cường khả năng kiểm soát châu Phi.
Mặc dù sự hiện diện kinh tế của Nga ở châu Phi không rộng rãi như Trung Quốc, nhưng sự tương tác của Moscow với các chính quyền ở châu Phi là một hệ thống có cấu trúc tốt, giúp Nga tăng cường vị thế và gia tăng ảnh hưởng chi phối với các nước ở Lục địa Đen.
T.P