Trong khi ngành công nghiệp chip bán dẫn trên toàn cầu nhất ở ở Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại, thì Việt Nam nổi lên trở thành điểm đến của những “đại bàng” với dòng vốn FDI vào lĩnh vực này tăng dần qua mỗi năm.
Sắc xám bao trùm ngành công nghiệp bán dẫn
Theo báo cáo trên Tom’s Hardware, trong năm 2023, trung bình cứ mỗi ngày trôi qua lại có 30 công ty liên quan đến chip bán dẫn đóng cửa tại Trung Quốc.
Báo cáo của DigiTimes chỉ ra, tính từ năm 2019 đến nay, hơn 22.000 công ty liên quan đến chip tại thị trường Trung Quốc đã ngừng hoạt động. Năm 2023 là năm “ác mộng” nhất khi có tới 10.900 công ty liên quan đến chip bị phá sản, tăng gần gấp 2 lần so với con số 5.746 của năm 2022.
Những doanh nghiệp còn trụ lại cũng trải qua một năm đáng buồn về doanh thu. Theo giáo sư Wei Shaojun, trưởng nhóm thiết kế vi mạch tại Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc và là giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, trong số 3.243 công ty thiết kế chip ở Trung Quốc đang còn hoạt động, hơn một nửa số công ty chỉ kiếm được chưa tới 1,4 triệu USD mỗi năm.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ảm đạm của ngành công nghiệp chip tại Trung Quốc là do tình trạng tồn kho quá nhiều. Việc cung vượt quá cầu cũng như sự suy thoái chung của ngành bán dẫn đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn trong năm 2023 này.
Trong năm 2021 và 2022, ngành công nghiệp chip bán dẫn bùng nổ trên toàn cầu và Trung Quốc là một trong những quốc gia đi đầu. Trong giai đoạn tăng trưởng nóng của ngành chip, nhiều công ty đã đẩy mạnh sản xuất hàng tấn chip với kỳ vọng sẽ “bội thu”.
Thế nhưng khi đại dịch Covid-19 qua đi, nền kinh tế toàn cầu suy thoái trong khi nhu cầu về chip bán dẫn cũng sụt giảm mạnh vào cuối năm 2022 – đầu năm 2023. Các công ty giờ đây đau đầu với số lượng hàng tồn kho khủng, không thể bán được ra thị trường. Đáng nói là, những sản phẩm này còn mất dần giá trị theo thời gian.
Không chỉ chết vì cung vượt quá cầu, nhiều công ty chip còn chết vì thiếu vốn đầu tư. Lệnh hạn chế của Mỹ đã “bóp nghẹt” dòng vốn đầu tư vào các công ty chip bán dẫn ở Trung Quốc. Nhu cầu thấp, vốn thiếu, hàng tồn kho lại thừa khiến nhiều công ty buộc phải rời khỏi cuộc chơi bán dẫn.
Sự ảm đạm này không chỉ diễn ra ở Trung Quốc mà còn bao trùm lên toàn bộ ngành chip bán dẫn trên toàn cầu trong năm 2023.
Theo Nikkei Asia, 10 hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới dự kiến giảm 16% đầu tư cho bán dẫn, xuống còn 122 tỷ USD trong năm 2023. Đây cũng là năm đầu tiên đầu tư cho bán dẫn toàn cầu giảm kể từ năm tài chính 2019 và là mức giảm lớn nhất trong 10 năm qua.
Tính đến cuối tháng 6/2023, số liệu của 9 công ty chip hàng đầu thế giới cho thấy lượng hàng tồn kho đã tăng 10%, lên 88,9 tỷ USD, cao hơn 70% so với năm 2020 – thời điểm trước khi diễn ra tình trạng thiếu hụt bán dẫn làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Triển vọng ngắn hạn của thị trường bán dẫn ngày càng xấu đi. Theo thống kê của Gartner, doanh thu bán dẫn toàn cầu được dự báo đạt tổng cộng 532 tỷ USD vào năm 2023, giảm 11,2% so với năm trước đó.
“Ngành công nghiệp bán dẫn đang phải đối mặt với một số thách thức trong thập kỷ tới. Những yếu tố từng thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường trong vài thập kỷ qua sắp đi đến hồi kết thúc. Trong khi đó, tình hình kinh tế khó khăn vẫn tiếp diễn, lượng hàng tồn kho tăng cao đẩy giá chip xuống thâp đang ngày càng thúc đẩy sự suy giảm của thị trường bán dẫn trong năm nay và những năm tới”, ông Richard Gordon, Phó Chủ tịch tại Gartner, nhận định.
Việt Nam tìm thấy “cơ trong nguy”
Giữa những gam màu tối đó, ngành chip bán dẫn của Việt Nam lại trở mình đón những tin vui. Được hưởng lợi từ làn sóng “Trung Quốc + 1” cùng với nhiều lợi thế về địa chính trị, vị trí địa lý cũng như nguồn lao động dồi dào và cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, Việt Nam đang được nhiều “ông lớn” trong ngành chip bán dẫn để mắt tới.
Nikkei Asia mới đây đưa tin, Apple đang hợp tác với nhà lắp ráp iPad BYD của Trung Quốc để chuyển Nguồn lực phát triển sản phẩm (NPI) sang Việt Nam. NPI đòi hỏi phải có các nguồn lực đáng kể từ cả Apple lẫn nhà cung cấp về kỹ sư, phòng thí nghiệm,… Hiện tại, hầu hết quy trình này đều đang được thực hiện tại Trung Quốc với sự hợp tác của các kỹ sư từ trụ sở chính của Apple.
Theo Nikkei Asia, động thái chuyển NPI sang Việt Nam đánh dấu bước tiến quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của quốc gia Đông Nam Á này. Đồng thời, Việt Nam đang dần chuyển mình thành một trung tâm sản xuất thực sự của gã khổng lồ công nghệ này.
Ông Ivan Lam, nhà phân tích kỹ thuật của Counterpoint Research, cho rằng bản đồ chuỗi cung ứng gần đây của Apple đã chứng khả năng của cơ sở tại Việt Nam trong việc sản xuất và mở rộng sản xuất iPad.
“Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng và chiến lược trong chuỗi sản xuất, có tiềm năng trở thành một trong những trung tâm sản xuất toàn cầu tiếp theo”, ông nhận định.
Không riêng Apple, nhiều “ông lớn” trong ngành công nghiệp bán dẫn cũng đã và đang “gõ cửa” Việt Nam với dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực chip bán dẫn tăng cao theo từng năm.
Tháng 10/2023, Tập đoàn Amkor đã khánh thành nhà máy Amkor Technology Việt Nam tại Bắc Ninh với tổng số vốn đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD. Ðây là nhà máy bán dẫn tiên tiến nhất của Amkor trên toàn cầu và là nhà máy bán dẫn lớn nhất tại Việt Nam tới thời điểm này. Theo kế hoạch, nhà máy dự kiến sẽ sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn quy mô 1.200 triệu sản phẩm/năm.
Trước đó, trong đầu năm nay, LG Innotek cũng đã tăng vốn đầu tư thêm hơn 1 tỷ USD vào thị trường Việt. Năm ngoái, Samsung cũng đã đầu tư thêm hơn 2 tỷ USD vào các nhà máy ở Thái Nguyên và TP. HCM.
Mới đây, ông Jensen Huang, CEO của Nvidia – Tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới NVIDIA, đã có chuyến thăm đến Việt Nam với mục đích “thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và bàn về khả năng hợp tác của Nvidia với các doanh nghiệp lớn trong nước như FPT, VinGroup hay Viettel.
Cũng trong chuyến thăm này, ông Jensen Huang khẳng định “Nvidia coi Việt Nam là nhà” và “mong muốn thiết lập một trung tâm, cứ điểm tại Việt Nam để thu hút nhân tài trên khắp thế giới, qua đó góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, thiết kế, phát triển các siêu máy tính, sản xuất các phần mềm của tương lai…, góp phần vào tương lai số hóa của Việt Nam”.
Ông Christopher J Marriott, Tổng giám đốc Savills Đông Nam Á, nhận định Việt Nam đang là một trong những điểm đến nổi bật của các tập đoàn công nghệ, chip bán dẫn hàng đầu thế giới nhờ năng lực sản xuất vượt kỳ vọng.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng Việt Nam cần phải đi một đoạn đường dài nữa để có được vị trí vững chắc trên bản đồ bán dẫn toàn cầu.
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật Nguyễn Phú Hùng từng nhấn mạnh: “Việt Nam có nhiều cơ hội trong phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn trong thời gian tới nhưng vẫn phải đối mặt với thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực”.
Ông chia sẻ, trong ba khâu thiết kế – chế tạo – đóng gói cho chíp bán dẫn, Việt Nam sẽ tập trung vào thiết kế nên đòi hỏi cần có nguồn nhân lực trình độ cao tuy nhiên hiện nước ta mới chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực này.
Song song với đó, Việt Nam cũng vướng rào cản về công nghệ và năng lực vốn đầu tư. Các nhà máy sản xuất chip đòi hỏi máy móc hiện đại, quy trình chuẩn mực với giá trị lên tới hàng tỷ USD. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp lớn liên quan đến ngành bán dẫn lại “nhỏ giọt”, dẫn đến sự thiếu liên kết trong ngành.
T.P