Các Chính phủ Đông Nam Á chuẩn bị ứng phó khi số ca nhiễm COVID-19 đang tăng và ngày càng có nhiều khách du lịch nước ngoài đổ về khu vực này trước kỳ nghỉ cuối năm.
Malaysia đã kích hoạt lại Hệ thống cảnh báo nâng cao – quy trình can thiệp sớm dựa trên mức độ lây nhiễm và tử vong cũng như tỉ lệ nhập viện – để theo dõi tốt hơn và ứng phó thích hợp với các ca COVID-19. Singapore, Thái Lan và Indonesia đã phát khuyến cáo người dân đeo khẩu trang và tiêm chủng.
Số ca mắc COVID-19 đã tăng tới 75% ở các quốc gia này kể từ đầu tháng 12, đẩy số ca mắc bệnh lên hàng chục nghìn, Nikkei thông tin.
Ngoài ra, theo The Australian, chủng virus khá mới, JN.1, gần đây đã được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào loại “biến thể đáng quan tâm” đã được ghi nhận ở Singapore và Indonesia.
Các chuyên gia nhận định, đợt bùng phát COVID-19 này ở Đông Nam Á không dẫn tới phong tỏa hoặc đóng cửa biên giới, đồng thời nhấn mạnh, các chính phủ đã chuẩn bị tốt hơn để đảm bảo nền kinh tế, doanh nghiệp vẫn mở cửa và mọi hoạt động không bị gián đoạn.
Người dân và khách du lịch đang được khuyến khích thực hiện các biện pháp an toàn khi di chuyển từ nơi này đến nơi khác.
Số ca COVID-19 mới ở Malaysia đã tăng 62,2%, lên 20.696 ca trong tuần từ ngày 10 đến ngày 16.12. Trong số này, 97% số ca bệnh nhẹ, có 96 bệnh nhân phải thở máy và 28 ca tử vong. Biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao chiếm ưu thế trong làn sóng COVID-19 lần này.
Ngày 20.12, Bộ Y tế Malaysia thông báo sẽ kích hoạt 235 trung tâm tiêm chủng tại các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước để tăng cường tiêm chủng.
Đầu tuần này, Bộ Y tế khẳng định, sẽ không áp dụng các biện pháp phong tỏa dù giới chức đang khuyến cáo công chúng cảnh giác, đeo khẩu trang ở những không gian kín và đi tiêm vaccine.
Singapore cũng đang triển khai nhiều động thái mới sau khi số ca COVID-19 mới tăng đột biến. Từ ngày 19.12, Bộ Y tế nước này đã bắt đầu cập nhật hằng ngày về số ca COVID-19 trên website để “cung cấp thông tin mới nhất về tình hình trong giai đoạn số ca bệnh tăng đột biến”.
Các biện pháp bổ sung được đưa ra sau khi Bộ Y tế thông báo ngày 15.12 rằng, số ca COVID-19 ở Singapore đã tăng 75% lên hơn 56.000 ca trong tuần từ ngày 3 đến ngày 9.12. Đây là tuần tăng thứ ba liên tiếp.
Sau đợt tăng đột biến COVID-19, Bộ Y tế Singapore khuyến nghị người dân và khách du lịch đeo khẩu trang ở những nơi đông người và sân bay, đặc biệt là ở những không gian kín hoặc gần những người dễ bị tổn thương.
Các chuyên gia thông tin, biến thể phụ của Omicron đang thúc đẩy tăng ca bệnh ở Singapore.
Ông Azrul Mohd Khalib – Giám đốc điều hành tại Trung tâm Chính sách xã hội và sức khỏe Galen ở Kuala Lumpur – chia sẻ với Nikkei Asia rằng, kể từ khi các biến thể và biến thể phụ khác nhau của virus gây COVID-19 bắt đầu lưu hành, đã có những đợt tăng định kỳ, đặc biệt là khi du lịch toàn cầu phục hồi.
“Đợt gia tăng hiện nay là do người dân di chuyển ngày càng nhiều và quan trọng nhất là khả năng miễn dịch của mọi người đang giảm đi” – ông nói.
Đông Nam Á dần mở cửa trở lại trong năm 2022, đón khách du lịch quay trở lại. Các ca nhiễm có xu hướng tăng kể từ khi Thái Lan mở cửa hoàn toàn trở lại cho khách du lịch nước ngoài vào tháng 10.2022.
Tại Thái Lan, số ca COVID-19 mới hiện lên tới khoảng 5.000 ca/ngày – cao nhất trong 5 tháng qua. Gần đây, Bộ Y tế Công cộng Thái Lan cho biết, nhiều lễ hội và hoạt động kỷ niệm diễn ra trong thời gian cuối năm và có thể dẫn đến tỉ lệ mắc COVID-19 cao hơn.
Tại Indonesia, giới chức báo cáo số ca nhiễm tăng gấp 3 lần kể từ đầu tháng 12. Bộ Y tế đang kêu gọi người dân tiêm vaccine nhắc lại trước khi tham dự các buổi tụ họp trong kỳ nghỉ lễ. Sân bay quốc tế Soekarno-Hatta của Jakarta đang chuẩn bị áp dụng lại các quy trình về y tế, trong đó có tái thúc đẩy đeo khẩu trang và giữ vệ sinh tay.
Kelvin Yii – nhà lập pháp Malaysia và là cựu cố vấn của Bộ trưởng Y tế – cho biết, dù số ca nhập viện ngày càng tăng nhưng ông tin tình hình đã được kiểm soát vì hầu hết ca COVID-19 mới chỉ cần điều trị ngoại trú hoặc tự cách ly. Ông lưu ý, công chúng phải thực hiện phần việc của mình để giữ an toàn, như hoàn tất tiêm chủng, đeo khẩu trang ở những nơi đông người.
“Không cần phải áp đặt các quy định trong thời kỳ đại dịch vì chúng ta nhận thức rõ hơn về cơ chế của căn bệnh này và chuẩn bị tốt hơn. Chúng ta cần phải xử lý vấn đề này như giai đoạn COVID-19 là bệnh đặc hữu” – ông nói.
T.P