Quan chức cấp cao Nga cảnh báo nếu phương Tây đảm bảo an ninh cho Ukraine, điều này có thể dẫn tới kịch bản khối này đối đầu trực tiếp với Moscow.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 25/12 cho rằng những cam kết đảm bảo an ninh của phương Tây cho Kiev là “không có tác dụng” nhưng nó có thể mở đường cho việc NATO đặt căn cứ quân sự ở Ukraine, từ đó dẫn tới kịch bản xung đột trực tiếp giữa phương Tây và Moscow.
Tuyên bố an ninh, lần đầu tiên được các thành viên của nhóm G7 thông qua vào tháng 7, hứa hẹn viện trợ quân sự cho Kiev, cũng như các khuôn khổ để hỗ trợ cơ sở công nghiệp quốc phòng và chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraine. Moscow đã cáo buộc những văn bản này là “sự xâm phạm an ninh của Nga”.
Ông Medvedev đồng thời cáo buộc kế hoạch của Kiev nhằm thuyết phục EU bảo đảm an ninh cho Ukraine là một nỗ lực mới “để tạo ra sự đồng thuận chống Nga”.
Tuy nhiên, ông cho rằng tuyên bố đảm bảo an ninh cho Ukraine “không mang lại thêm giá trị gì vì đó chỉ là một tuyên bố công khai và nó không có tác dụng”.
Theo ông Medvedev, văn bản này có thể mở đường cho việc Ukraine ký hiệp định an ninh song phương với các nước phương Tây, từ đó dẫn tới hoạt động hợp tác sản xuất vũ khí, huấn luyện quân sự và các chương trình khác có lợi cho Kiev.
Ông cho rằng, một thỏa thuận như vậy thậm chí có thể khiến một số nước phương Tây lập căn cứ quân sự ở Ukraine. “Đây là cuộc diễn tập: chúng tôi sẽ không kết nạp Ukraine vào NATO vì chúng tôi không muốn chiến tranh với Nga. Tuy nhiên, trên cơ sở quốc gia riêng lẻ, hãy làm điều mình muốn”.
Ông Medvedev cảnh báo điều này có thể mở đường cho một cuộc xung đột quy mô lớn giữa quốc gia NATO và Nga.
“Khi Nga tấn công một căn cứ như vậy và điều này chắc chắn sẽ xảy ra vì quân nhân của căn cứ đó đến Ukraine để chiến đấu với chúng tôi, liệu các nước NATO có sẵn sàng cho một phản ứng tập thể không?”, ông thắc mắc.
Bình luận của ông Medvedev được đưa ra sau khi ông Andrey Sibiga, phó chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, nói rằng 6 thành viên EU gồm Áo, Croatia, Ba Lan, Hungary, Slovakia và Malta vẫn chưa ủng hộ các đảm bảo an ninh cho Kiev, đồng thời dự đoán rằng các nước trên chắc chắn sẽ làm như vậy.
Hồi đầu tháng, ông Medvedev cảnh báo rằng nguy cơ xung đột giữa Nga và NATO dẫn tới Thế chiến III chưa bao giờ lớn như lúc này.
“Chưa bao giờ kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, mối đe dọa về một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Nga và NATO và có thể dẫn tới Thế chiến III lại thực tế đến thế”, ông viết trên Telegram.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo nếu Nga giành chiến thắng ở Ukraine và tiếp tục nhằm vào một đồng minh NATO, quân đội Mỹ sẽ buộc phải đối đầu với Nga.
Đây không phải lần đầu tiên các quan chức Nga, Mỹ cảnh báo về nguy cơ bùng phát Thế chiến III hoặc xung đột hạt nhân.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở nước láng giềng từ hôm 24/2, giới chức Nga nhiều lần đề cập tới học thuyết hạt nhân của nước này, trong đó nêu rõ những điều kiện cho phép Moscow được quyền sử dụng vũ khí hạt nhân.
Mặc dù vậy, cả Nga và Mỹ đều khẳng định cuộc chiến hạt nhân là không thể thắng và không bao giờ nên xảy ra.