Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất ba nội dung ưu tiên tại Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong – Lan Thương, trong đó có xây dựng khu vực xanh, bền vững và bao trùm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay dự và có bài phát biểu tại Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) lần thứ 4 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tham dự hội nghị có Thủ tướng, trưởng đoàn các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Hội nghị tập trung đánh giá kết quả hợp tác Mekong – Lan Thương trong ba năm qua và thảo luận phương hướng cho giai đoạn tới. Các lãnh đạo nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của MLC với hòa bình, hợp tác và phát triển tại Tiểu vùng Mekong và khu vực, khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cùng nhau xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai hòa bình, thịnh vượng giữa các nước Mekong – Lan Thương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hợp tác Mekong – Lan Thương đã trở thành cơ chế quan trọng gắn kết các nước Mekong và Trung Quốc, là hình mẫu hợp tác cùng phát triển và cùng thắng.
Thủ tướng đề xuất ba nội dung ưu tiên của MLC trong giai đoạn tới, trong đó có xây dựng khu vực Mekong – Lan Thương hiện đại và phát triển. Hợp tác Mekong – Lan Thương cần coi đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ trở thành trọng tâm; đẩy mạnh chuyển đổi số; khuyến khích sự tham gia của các đối tác phát triển và cộng đồng doanh nghiệp trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; hợp tác về giao thông, nhất là kết nối đường sắt cao tốc và nghiên cứu cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ.
Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng khu vực Mekong – Lan Thương xanh, bền vững và bao trùm, bảo đảm sự hài hòa giữa hiện tại và tương lai, giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực và mục tiêu của phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ưu tiên trước mắt là hỗ trợ các nước thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc 2030, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các cam kết về cắt giảm khí thải carbon hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn.
6 nước cần ưu tiên đầu tư cho phát triển con người, xây dựng hệ thống giáo dục và y tế bao trùm, hỗ trợ lực lượng lao động trẻ tiếp cận với khoa học và công nghệ hiện đại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi xây dựng khu vực Mekong – Lan Thương hòa bình và hợp tác. 6 nước cần không ngừng củng cố sự tin cậy, chân thành, đoàn kết đồng lòng, thúc đẩy lợi ích chung và đề cao chủ nghĩa đa phương, tăng cường bổ trợ giữa hợp tác Mekong – Lan Thương với ASEAN và các cơ chế hợp tác khu vực, tiểu vùng khác để sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất, tạo cộng hưởng và lan tỏa lợi ích.
Các lãnh đạo tại hội nghị thống nhất đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng Vành đai phát triển kinh tế Mekong – Lan Thương; nghiên cứu khả năng thiết lập cơ chế họp, phối hợp chính sách, triển khai dự án để thúc đẩy Hành lang Đổi mới Sáng tạo Mekong – Lan Thương nhằm nắm bắt cơ hội phát triển từ tiến bộ khoa học công nghệ.
Các lãnh đạo nhấn mạnh ưu tiên hợp tác quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn nước sông Mekong thông qua hợp tác về chia sẻ thông tin số liệu thủy văn, giảm thiểu rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước.
Kết thúc hội nghị, các nước thông qua Tuyên bố Nay Pyi Taw, Kế hoạch Hành động Hợp tác Mekong – Lan Thương giai đoạn 2023-2027 và Sáng kiến Hành lang Đổi mới Sáng tạo Mekong – Lan Thương.
Sông Mekong có tổng chiều dài 4.350 km, chảy qua 6 nước gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đoạn chảy qua lãnh thổ Trung Quốc được gọi là Lan Thương. Cơ chế hợp tác Mekong – Lan Thương được hình thành từ tháng 11/2015, tập trung vào các lĩnh vực hợp tác trong kết nối, năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế xuyên biên giới, nguồn tài nguyên nước, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.