Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCampuchia đào kênh, Việt Nam lo lắng

Campuchia đào kênh, Việt Nam lo lắng

Đương quan ngại trước những động thái mới diễn ra tại quân cảng Ream của Campuchia, Hà Nội lại phải quan tâm tới dự án kênh đào Phù Nam – Techo mà Phnom Penh sắp triển khai.

Sông Mê Kông tại một đoạn chảy qua Campuchia

“Động thái mới” nêu trên là sự hiện diện của ít nhất nhóm 2 tàu chiến Trung Quốc tại quân cảng Ream của Campuchia ngay trong tuần đầu tháng 12 này, để “tham gia chương trình huấn luyện” với hải quân Campuchia – theo thông báo của Phnom Penh.

Dù hoài nghi, Hà Nội cũng chỉ ngấm ngầm theo dõi, chứ chẳng thể lên tiếng phản đối chính thức. Ream thuộc tỉnh Sihanoukville, nên Campuchia toàn quyền sử dụng, ai có thể can thiệp nào? Đến Mỹ, hậm hực thế, mà cũng đành chịu thúc thủ nữa là.

Tất nhiên, Phnom Penh cũng ranh mãnh lắm. Cả thiên hạ thừa biết trong vụ Ream, họ biệt đãi Bắc Kinh, nhưng ngoài mặt, các nhà lãnh đạo Campuchia, hết ông này tới ông khác thảy đều một giọng: Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất được phép tiếp cận căn cứ (Ream). Thậm chí, để mọi người tin Campuchia “vô tư”, đích thân ông Hun Sen trấn an mạnh mẽ: “Campuchia không cần hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ của mình”.

Nhưng với “vụ” kênh đào Phù Nam – Techo, thì Campuchia không thể bắt người khác vẫn phải ứng xử như thế, nhất là Việt Nam chỉ im lặng. Im lặng sao được khi dự án này liên quan sông Mekong. Liên quan sông Mekong thì một quốc gia hạ lưu sông này như Việt Nam có thể “bình chân như vại” chăng?.

Ngay sau khi chính thức được Quốc hội Campuchia xem xét, cho ý kiến vào 19/05/2023, đặt tên là Dự án “kênh đào Phù Nam – Techo”, Phnom Penh đã tỏ ra vô cùng hào hứng. Bằng chứng là chỉ hơn nửa tháng sau đó, ngày 07/06/2023, chính phủ Campuchia đã ra quyết định thành lập Ủy ban liên bộ để triển khai dự án này. Thông tin cho biết, kênh Phù Nam – Techo có chiều dài 180 km, đi qua 4 tỉnh (tỉnh Kandal, tỉnh Takeo, tỉnh Kampot và tỉnh Kep) với tổng dân số 1,6 triệu người sinh sống hai bên ven sông. Chi phí xây dựng ước tính khoảng 1,7 tỉ USD, trong thời gian 4 năm. Hoàn thành, kênh Phù Nam – Techo sẽ có 2 làn tàu thuyền, giúp lưu thông 2 chiều cùng lúc, giúp Campuchia tiết kiệm chi phí vận chuyển bằng đường thủy, góp phần phát triển kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, cũng như tăng trưởng bất động sản…

Tuy nhiên, sự hào hứng của Phnom Penh lại chính là điều lo lắng của Hà Nội. Các chuyên gia thủy lợi của Việt Nam cho rằng: việc Campuchia xây dựng tuyến giao thông đường thuỷ này có thể sẽ làm giảm lưu lượng nước trên dòng sông Hậu (phía Campuchia gọi là dòng sông Basac thuộc hệ thống sông Mekong), tác động tiêu cực đến đồng bằng Sông Cửu Long – vựa lúa của Việt Nam, nhưng cũng là khu vực đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn.

Nể tình hữu nghị lâu đời hai nước anh em, báo chí “quốc doanh” của Hà Nội, có lẽ được “định hướng” (?) nên không công khai làm to chuyện. Tuy nhiên, mạng xã hội thì chẳng ai định hướng nổi, làm um lên rằng: Dự án kênh đào nhân tạo này có thể là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài (chỉ Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam); là một bước đi chiến lược của Trung Quốc để đánh vào hạ lưu sông Mekong… – như ý kiến một chuyên gia là ông Phạm Phan Long, Chủ tịch Viet Ecology Foundation- một Tổ chức Phi chính phủ (NGO) ở Mỹ.

Trước cảnh báo trên, Hà Nội sao thể không giật mình. Năm 2016 nào đã xa. Năm đó, người dân miền Tây Nam Bộ Việt Nam đã chứng kiến sự xâm nhập mặn khác thường, ồ ạt, gây nhiều thiệt hại ở đồng bằng Sông Cửu Long. Mặc cho Trung Quốc bai bải chối, nhưng đận đó, nhiều người không thể không nghĩ hiện tượng khác thường này liên quan Trung Quốc hạn chế xả nước ở một đập thủy điện trên sông Lan Thương (tên gọi khác của sông Mekong) phục vụ cho sản xuất điện.

Nhưng dự án kênh Phù Nam – Techo của Campuchia, sao lại liên quan tới Trung Quốc? Định kiến quá, tới mức cái gì cũng quy, cũng đổ cho “nhà Tàu” chăng?

Hóa ra, cái ông kỹ sư Phạm Phan Long có lý. Chuyện là dự án Phù Nam – Techo này được Trung Quốc hỗ trợ kinh phí (1,7 tỷ USD). Tất nhiên, Trung Quốc chẳng cho không ai bao giờ. Campuchia được lợi, thì Trung Quốc cũng có lợi. Thậm chí, nhiều người cho rằng: Trung Quốc còn “được” nhiều hơn nước sở tại khi việc triển khai siêu kênh đào này là một phần trong sáng kiến “Vành đai và Con đường của Trung Quốc”, thúc đẩy nó chuyển sang giai đoạn mới ở Campuchia.

Nói trần trụi hơn, hiện thực hóa dự án, thế và lực của Trung Quốc tại đất nước Chùa Tháp sẽ được khẳng định, mở rộng hơn rất nhiều. Điều đó đồng nghĩa Phnom Penh, thời ông Hun Sen đã phụ thuộc, tới thời ông Manet, sẽ càng phụ thuộc vào Bắc Kinh hơn nữa, trong tư cách là…con nợ.

Phụ thuộc tới mức đó, chẳng nói thì ai cũng biết, một khi Bắc Kinh yêu cầu, đặt điều kiện gì đó, Phnom Penh …khó chối lắm. Trong các yêu cầu đó, ai dám chắc không liên quan tới lợi ích, chủ quyền của Việt Nam.

Thế nên, Hà Nội lo lắng là phải.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới