Với tham vọng độc chiếm Biển Đông, trong những năm gần đây Trung Quốc đã công khai tham vọng này bằng việc công bố yêu sách “Đường lưỡi bò” phi pháp chiếm gần 90% diện tích Biển Đông. Nước này cũng tăng cường việc cải tạo trái phép các bãi đá trong khu vực thành các đảo nhân tạo.
Trong trật tự thế giới đa cực hiện nay, Trung Quốc không dễ hiện thực hoá các tham vọng của mình. Con đường soán ngôi bá chủ thế giới gặp quá nhiều thách thức đến từ Mỹ, cùng hệ thống các nước đồng minh và các thể chế trong khu vực.
Thách thức đầu tiên là, Mỹ triển khai hàng loạt các chiến lược kiềm toả Trung Quốc và tăng cường sự hiện diện của mình tại Biển Đông, thông qua nhiều phương tiện và cách thức ngăn chặn. Mỹ tiếp tục triển khai các chiến lược tự do hàng hải (FONOPs), tuy có sự suy giảm về tần suất hoạt động.
Theo thống kê, năm 2020, Mỹ đã tiến hành 9 hoạt động FONOPs. Năm 2021 và năm 2022, con số này giảm xuống một nửa. Còn tính đến tháng 9/2023, mới chỉ có 2 hoạt động FONOPs.
Mỹ cũng đẩy mạnh các hoạt động phát triển năng lực hải quân cho các quốc gia đồng minh, tiến hành các cuộc tập trận chung hợp pháp tại các vùng biển. Các đồng minh quan trọng trong khu vực như Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản, đã liên tục tập trận chung với Mỹ trong năm 2023. Mỹ cũng công khai ủng hộ Philippines trong hoạt động tiếp tế tại bãi Cỏ Mây và tham gia giải quyết các mâu thuẫn khác trên biển Đông với Trung Quốc.
Ngoài lực cản lớn nêu trên, một số quốc gia trong khối ASEAN đang tìm kiếm các cơ chế hợp tác an ninh với Mỹ và đồng minh nhằm nâng cao năng lực hải quân. Sự hợp tác này còn nhằm đối phó với các nguy cơ xung đột với tàu thuyền Trung Quốc. Philippines là một bên tranh chấp với Trung Quốc tại khu vực bãi Hoàng Nham (Scarborough). Trong Chiến lược An ninh quốc gia, Manila khẳng định, sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện Hiệp ước Phòng thủ chung với Mỹ.
“Bộ tứ” mới giữa 4 quốc gia Mỹ, Philippines, Nhật Bản, Australia tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng ngày càng tăng cường hợp tác. Sự hợp tác Philippines – Nhật Bản xuất phát từ việc cả hai quốc gia đều có những mâu thuẫn với Trung Quốc.
Philippines và Nhật Bản được cho là đang xây dựng Thoả thuận Các lực lượng Thăm viếng, tương tự như các Thoả thuận giữa Philippines và Mỹ hoặc giữa Philippines và Australia. Trong tương lai, một Thoả thuận như vậy giữa Philippines và Nhật Bản sẽ giúp Philippines nâng cao vị thế năng lực quân sự – hải quân, hưởng lợi từ sự hiện diện của quân đội Nhật Bản trên lãnh thổ Philippines, cùng với sự chuyển giao vũ khí quân sự từ Nhật Bản.
Việt Nam là một trong số những quốc gia có tranh chấp phức tạp với Trung Quốc tại Biển Đông. Việt Nam luôn khẳng định nhất quán với chính sách “Bốn không”, tuy vậy Hà Nội cũng tìm kiếm sự hợp tác về an ninh với các nước trong và ngoài khu vực thông qua các hoạt động mua bán tàu và tập trận chung nhằm tăng cường sức mạnh hải quân và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Việt Nam đồng thời tìm kiếm các cơ hội hợp tác quốc phòng sâu rộng hơn với các quan hệ đối tác quốc phòng truyền thống như Nga, tương ứng với chính sách “bốn không” và chủ nghĩa đa phương mà Việt Nam đang theo đuổi. Ấn Độ là một đối tác quan trọng của Việt Nam về an ninh – quốc phòng trong thời gian tới. Tuy không có lợi ích trực tiếp tại Biển Đông, nhưng Ấn Độ chia sẻ với Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức về xung đột biên giới, lãnh thổ với Trung Quốc.
Bước sang năm 2024, các cơ chế hợp tác an ninh hiện có và mới hình thành khu vực tiếp tục được đề cao, với sự tham gia của các nước có tranh chấp tại Biển Đông. Các quốc gia trong khu vực đang nỗ lực hình thành văn kiện ràng buộc pháp lý với các bên liên quan tại Biển Đông nhằm đảm bảo tình hình ổn định, hợp tác và phát triển cũng như giải quyết thực chất các tranh chấp còn tồn đọng.
Trọng tâm của các đối thoại giữa các quốc gia trong khu vực đều nhằm thảo luận cơ chế thực thi luật biển và đảm bảo an ninh, ổn định hàng hải, chống cướp biển và chống đánh bắt cá bất hợp pháp. Đối thoại giữa các bên được nêu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đều nhấn mạnh vai trò trung tâm của UNCLOS 1982.
Sự hình thành của Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) bắt đầu từ năm 1992 tại Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN, tới năm 1995, COC song phương giữa Philippines – Trung Quốc và Philippines – Việt Nam đã được thông qua. Các bên đã thống nhất chấp thuận việc tiến hành đàm phán, tiến tới việc cho ra đời một bản COC áp dụng cho toàn khu vực ASEAN.
Song, tiến trình đàm phán diễn ra một cách ì ạch do phía Trung Quốc cố tình gây khó khăn. Các vướng mắc chủ yếu đến từ các xung đột sẵn có về tuyên bố chủ quyền giữa các bên xung quanh các thực thể trên Biển Đông. Dẫu sao việc đàm phán không thể kéo dài vô thời hạn. COC được kỳ vọng mang tính ràng buộc pháp lý ở mức cao phải được thông qua để góp phần xây dựng Biển Đông hoà bình, ổn định.
Năm 2024, nhìn chung, tình hình Biển Đông vẫn có những diễn biến hết sức phức tạp. Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung quốc không dễ thực hiện, trước hết là do sự kiềm toả của Mỹ và hệ thống các nước đồng minh trong khu vực. Tiếp đến là bởi các nước trong khu vực ngày càng gắn bó, với các cơ chế hợp tác cụ thể, ngăn chặn các thách thức đến từ tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.
Khu vực Biển Đông nói riêng và Châu Á – Thái Bình Dương nói chung sẽ còn chịu tác động lâu dài từ những biến động của môi trường quốc tế.
H.Đ