Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNếu Đài Loan…

Nếu Đài Loan…

Một tình huống thôi, rằng: nếu Trung Quốc quyết định thực hiện mục tiêu thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, điều gì sẽ xảy ra?

Dù là tình huống giả tưởng thời điểm này, thì với những gì đang diễn ra, vẫn có thể thành thực tế trong tương lai.

“Những gì…” đó là gì? Là quyết tâm thu hồi Đài Loan của Bắc Kinh. Là tuyên bố cứng rắn của ông chủ Trung Nam Hải Tập Cận Bình rằng “mục tiêu cuối cùng của bất kỳ cuộc đàm phán nào về tương lai của Đài Loan phải là sự thống nhất”. Là khẳng định chưa lâu, cũng của ông Tập Cận Bình: “Chúng tôi không hứa sẽ từ bỏ việc sử dụng vũ lực và vẫn duy trì phương án sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn Đài Loan độc lập”.

Nếu tiếng súng nổ ra, điều gì sẽ tiếp diễn? Nhiều người nghĩ ngay tới nhân tố Mỹ. Mỹ – hiển nhiên rồi. Khác với cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, Mỹ và phương Tây có lẽ chỉ dừng ở “ủy nhiệm” người Ukraine chống lại người Nga một cách vụ lợi. Một khi Bắc Kinh khai hỏa tên lửa nhằm vào Đài Loan, Mỹ khó đứng ngoài cuộc.

Liên quan tình huống này, tháng 9 năm 2022, trong tuyên bố được coi là cứng rắn nhất từ trước đến nay về vấn đề Đài Loan trước Đài truyền hình Mỹ CBS (Columbia Broadcasting System), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định Washington sẽ bảo vệ hòn đảo này trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Khi nhà đài này đay lại bằng câu hỏi: “Có phải các binh sĩ Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan không?”, ông Chủ Nhà trắng đã không hề do dự: “Phải”.

Khi ấy, thế giới sẽ phải chứng kiến một cuộc chạm súng giữa hai siêu cường. Hậu quả của nó: chỉ nghĩ tới, người can đảm nhất cũng không thể không thất kinh.

Tuy nhiên, một điều ít được nghĩ và bàn tới, đó là con chíp điện tử. Mãi gần đây, nó mới được một số nhà phân tích chính trị quốc tế bàn tới, trong đó, có người nhận định rằng: chíp – đó là “tấm khiên” bảo vệ Đài Loan, ít nhất mươi lăm năm nữa.

Hàm ý ở đây là: Trung Quốc chưa thể chọn giải pháp vũ lực để thống nhất Đài Loan trong tương lai gần, trước khi đại lục có thể tự chủ được công nghệ sản xuất chíp bán dẫn tiên tiến nhất.

Nói đến chíp bán dẫn, từ sau đại dịch COVID-19, cả thế giới như đang phát cuồng. Đúng thôi: con chip bán dẫn là thứ đang không thể thiếu trong các sản phẩm hiện nay, từ đồ gia dụng nhà bếp đến xe cộ, máy bay, thiết bị y tế, điện thoại, máy tính. Một chiếc ô tô, sơ sơ cũng dùng tới gần 200 chíp; rồi tủ lạnh, xe máy, đặc biệt là điện thoại, máy tính…, thiếu chíp coi như cục gạch. Điều đó cho thấy, “cầu” về chíp bán dẫn lớn và quan trọng như thế nào. Chẳng thế mà, khi cuộc chiến Ukraine và đại dịch COVID-19 gián đoạn nguồn cung mặt hàng này, nền kinh tế thế giới đã chao đảo…

Một số quốc gia, như Việt Nam, với lợi thế trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc), đang ra sức chèo kéo các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…với tham vọng biến đất nước nghèo khó hình chữ S này thành một cường quốc bán dẫn trong mươi lăm năm nữa, kỳ vọng đó như một trong những cơ sở căn bản cho cất cánh kinh tế…

Đài Loan thì đã hẳn, đi đầu trong lĩnh vực bán dẫn thực sự. Hòn đảo nhỏ nghèo tài nguyên này hiện là nơi cung cấp tới 64% sản phẩm chất bán dẫn cho thế giới. Cái tài của người Đài Loan là có tầm nhìn xa và biết nắm bắt cơ hội. Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) được thành lập vào năm 1987, sau Intel (Mỹ) khoảng 20 năm, tới nay, đã là một đễ chế bán dẫn khổng lồ toàn cầu, cung cấp tới 92% chíp bán dẫn tiên tiến nhất.

Các con số thường khô khan. Nhưng con số 60% nhu cầu toàn cầu về chất bán dẫn mà nền kinh tế Trung Quốc đang sử dụng lại là con số sinh động. Sinh động vì nó cho thấy, Trung Quốc đại lục phụ thuộc thế nào vào Đài Loan về chíp. Thế nên, còn nhớ, hồi tháng 8/2022, đồng thời gầm lên với Washington, coi chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Pelosi thăm Đài Loan là “lằn ranh đỏ”, Bắc Kinh đã cấm vận các mặt hàng cá và trái cây có múi, và cát của Đài Loan. Vậy mà Bắc Kinh lại tỏ ra thông thoáng, chẳng có bất kỳ lệnh trừng phạt nào với TSMC.

Lý do chẳng có gì khó hiểu: Trung Quốc là một công xưởng (đang cao cấp dần lên). Cái công xưởng khổng lồ của nền kinh tế khổng lồ này mà thiếu sản phẩm bán dẫn, nhất là chíp tối tân của TSMC, thì coi như…ngắc ngoải. Thế nên, Trung Quốc chẳng dại gì giết các doanh nghiệp của họ bằng các lệnh cấm vận với TSMC…

Tất nhiên, Bắc Kinh tự biết, sự phụ thuộc đó tai hại như thế nào nên thời gian qua, đã nỗ lực để có thể làm chủ công nghệ bán dẫn. Có điều, đổ ra cả núi tiền, Trung Quốc hiện cũng chỉ tự chủ được 10% nhu cầu. Và dù đạt được những bước tiến có thể coi là đột phá, họ vẫn tụt hậu so với Đài Loan và các cường quốc phương Tây, do chưa thể sản xuất được các chíp tiên tiến nhất…

Thế nên, dù hằm hè, hậm hực nhìn sang bên kia eo biển Đài Loan một cách thèm muốn, thời gian trước mắt, nếu định thu hồi Đài Loan bằng vũ lực, Bắc Kinh phải tính đến tình huống xấu nhất: một khi nguồn cung bán dẫn, nhất loại chip tối tân nhất lâm vào khủng hoảng, thì nền kinh tế đại lục ăn chíp như “voi ăn mía” sẽ như thế nào?

Hóa ra, con chip tinh vi, bé xíu của hòn đảo Đài Loan lại có sức mạnh đáng sợ tới vậy.

Vậy nên mới có tình huống giả tưởng rằng: “nếu Đài Loan…”

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới