Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung Hoa4 vấn nạn của nền kinh tế TQ năm 2023

4 vấn nạn của nền kinh tế TQ năm 2023

Năm 2023 sắp kết thúc, các tin tức kinh tế tồi tệ lũ lượt kéo đến khiến Bắc Kinh không khỏi lo lắng. Các chuyên gia phân tích rằng, trong những năm gần đây, cơ sở cho sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là phát triển kinh tế, một khi xảy ra khủng hoảng kinh tế thì chính quyền này cũng sẽ bị lung lay.

Năm 2023 sắp kết thúc, các tin tức kinh tế tồi tệ lũ lượt kéo đến khiến Bắc Kinh không khỏi lo lắng.

Biểu hiện 1: Giá nhà đất sụt giảm mạnh

Kể từ đầu năm nay, kinh tế Trung Quốc đã rơi vào tình trạng khó khăn chưa từng có. Thông tin hạ cấp triển vọng tín nhiệm của Moody’s là một tin xấu bất ngờ dành cho Trung Quốc vào cuối năm 2023.

Ngày 5/12 và 6/12, Moody’s, một cơ quan xếp hạng quốc tế có uy tín, đã liên tục hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của kinh tế Trung Quốc. Cụ thể, 8 ngân hàng và hơn 20 nền tảng tài chính địa phương của Trung Quốc đã bị Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm xuống mức “tiêu cực”. Moody’s cũng cảnh báo về rủi ro nợ nần đối với chính quyền địa phương Trung Quốc và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản.

Luật sư Lương Thiếu Hoa (Liang Shaohua), cựu Giám đốc Tuân thủ (CCO – người chịu trách nhiệm quản lý và giám sát tất cả các vấn đề tuân thủ) của một công ty quản lý tài sản ở Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng, có một vài chỉ số đáng chú ý trong cuộc khủng hoảng của chính quyền Trung Quốc. Một trong số đó có liên quan đến cuộc khủng hoảng bất động sản, đó là sự sụt giảm giá nhà đất.

“Giá nhà không (giảm) từ từ, nó đã tăng lên liên tục cùng với sự phát triển kinh tế trong mười mấy năm qua. Nhưng năm nay giá nhà ở đang giảm mạnh, bao gồm cả những thành phố loại I như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu, nhưng vẫn là tình cảnh giá cao mà nhu cầu thấp” .

“Có người nói đã hạ giá nhà 30%, 20% rồi nhưng sau 3 tháng niêm yết vẫn chưa bán được”, luật sư Lương cho rằng ngoài giá nhà giảm mạnh còn có vấn đề mất tính thanh khoản.

Ngành bất động sản là một trong ba động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống của ĐCSTQ, ngành xây dựng và bất động sản chiếm khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2021, các công ty bất động sản lớn của nước này đã liên tiếp vỡ nợ. Nợ nần chồng chất cộng với việc thị trường bất động sản trì trệ đã khiến cuộc khủng hoảng bất động sản bắt đầu lan sang hệ thống tài chính.

Từ ngày 11-12/12, ĐCSTQ đã tổ chức Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương nhưng không đề cập đến giải pháp cho vấn đề rủi ro bất động sản – một vấn đề đang thu hút nhiều sự quan tâm của các bên, mà chỉ nhắc lại rằng “cần phối hợp hóa giải rủi ro về bất động sản, nợ địa phương, các tổ chức tài chính vừa và nhỏ, v.v.”.

Biểu hiện 2: Thị trường chứng khoán liên tục lao dốc
Một tin xấu khác mà ĐCSTQ gặp phải vào cuối năm 2023 là thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc. Luật sư Lương Thiếu Hoa cho rằng, thị trường chứng khoán cũng là một trong những chỉ số phản ánh sự khủng hoảng của chính quyền này.

Để thúc đẩy niềm tin với thị trường vốn và cứu thị trường chứng khoán, Bắc Kinh đã đưa ra nhiều chính sách tài chính nhưng không mang lại hiệu quả. Chỉ số MSCI (một chuỗi các chỉ số thị trường toàn cầu được sử dụng để đo lường hiệu suất của các thị trường chứng khoán và tài sản tài chính trên khắp thế giới) cho thấy, tính đến cuối tháng 11 vừa qua, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm 12,9%.

Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương kể trên còn phát ra một số tín hiệu về chính sách tài chính. Tuy nhiên, trong ngày giao dịch đầu tiên sau hội nghị này, chỉ số Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải khi mở cửa đã lại giảm mạnh xuống dưới mốc 3.000 điểm.

Hôm 13/12, ba chỉ số lớn của thị trường cổ phiếu nội địa Trung Quốc đều đồng loạt giảm. Tính đến thời điểm đóng cửa, Chỉ số Thượng Hải giảm 1,15%, Chỉ số thành phần Thâm Quyến giảm 1,54% và Chỉ số ChiNext giảm 1,66%.

Luật sư Lương cho biết, thị trường chứng khoán vẫn luôn dao động quanh mức 3.000 điểm trong 10 năm qua, 3.000 điểm là ranh giới và có tác động tâm lý rất lớn đối với mọi người. “Việc giảm xuống dưới mức 3.000 phản ánh sự sụp đổ niềm tin của mọi người”.

“Sự sụp đổ niềm tin sẽ dẫn đến hiệu ứng giẫm đạp. Tuyệt vọng có thể trở nên càng tuyệt vọng hơn, mọi người sẽ bị lây nhiễm [cảm giác này], và thị trường sẽ ngày càng trở nên tuyệt vọng và bi quan hơn”.

Ông Lương nói, “Đó là một quá trình tích lũy và nó ngày càng trở nên tồi tệ hơn”.

Biểu hiện 3: Vốn nước ngoài tháo chạy trên quy mô chưa từng có
Một tin xấu khác đang khiến ĐCSTQ đau đầu là vốn nước ngoài đã tháo chạy với quy mô chưa từng có trong năm nay. ĐCSTQ không ngừng hô hào rằng phải ổn định đầu tư nước ngoài và thậm chí còn nới lỏng hơn nữa các hạn chế đối với việc tiếp cận đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, trong số vốn nước ngoài chảy vào thị trường chứng khoán Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay, có hơn 75% đã rời khỏi Trung Quốc, các nhà đầu tư toàn cầu đã bán tháo số cổ phiếu trị giá hơn 25 tỷ USD. Ngoài ra, các nhà đầu tư đã rút 12 tỷ USD khỏi Trung Quốc trong quý III.

Báo cáo mới nhất do Morgan Stanley công bố cho thấy, các nhà quản lý quỹ toàn cầu đã bán mạnh cổ phiếu của Trung Quốc trong tháng 10.

Một tài liệu do Ngân hàng Trung ương Châu Âu công bố hồi cuối tháng 11 cho thấy, trong số các công ty đa quốc gia được ngân hàng này khảo sát, có hơn 40% dự kiến ​​sẽ chuyển sản xuất sang các nước thân thiện hơn về mặt chính trị trong vài năm tới. Ngoài ra, các rủi ro liên quan do ĐCSTQ mang lại cũng được coi là mối lo ngại chính đối với hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc.

Luật sư Lương Thiếu Hoa nói với The Epoch Times rằng: “Bề ngoài thì đó là do Luật An ninh Quốc gia, bao gồm cả vấn đề về bảo mật dữ liệu và an toàn cá nhân của các nhân viên [của công ty nước ngoài] ở Trung Quốc, nhưng về bản chất thì vẫn là do họ không lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc”.

“Bất kỳ nguồn vốn quốc tế nào cũng có nhà đầu tư và họ cần có một môi trường an toàn và lợi nhuận hợp lý, tức là tỷ lệ giữa chi phí – rủi ro – lợi nhuận phải hợp lý”.

Ông Lương nói rằng lợi tức nhân khẩu học, đất đai giá rẻ và các lợi thế khác của Trung Quốc đều đang phai nhạt. Cùng với một loạt các biện pháp quản lý theo hướng tả khuynh của chính quyền ông Tập, ngành sản xuất và tiêu dùng của Trung Quốc đã suy giảm toàn diện.

“Đối với vốn quốc tế, nếu một thị trường quá rủi ro và lợi nhuận quá ít, vậy họ chắc chắn sẽ chọn cách rút lui và tìm một thị trường khác thay thế”.

Theo dữ liệu từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển, Đông Nam Á đang thay thế Trung Quốc trở thành điểm đến ưa thích mới của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2022, khu vực này đã thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài với con số cao kỷ lục, đạt 222 tỷ USD, trong đó nước đầu tư nhiều nhất là Mỹ.

Biểu hiện 4: Âu – Mỹ ngày càng đẩy nhanh tốc độ tách rời Trung Quốc
Vào cuối năm 2023, một tin xấu khác đối với ĐCSTQ là quá trình “giảm thiểu rủi ro” về kinh tế và tách rời khỏi Trung Quốc của các nước Âu – Mỹ tiếp tục được tăng tốc.

Ngày 2/12, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã gọi Bắc Kinh là “mối đe dọa lớn nhất [mà Mỹ] từng phải đối mặt” tại diễn đàn quốc phòng thường niên và nhấn mạnh rằng “Trung Quốc không phải là bạn của chúng ta”. Theo bà Raimondo, Hoa Kỳ nên hợp tác với Hà Lan, Nhật Bản và các nước châu Âu để tăng cường kiểm soát việc ĐCSTQ mua lại chip công nghệ cao.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tuyên bố sẽ áp dụng hơn 30 biện pháp mới nhằm củng cố chuỗi cung ứng có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ.

Ông Lương Thiếu Hoa cho rằng, chính sách ‘ngoại giao chiến lang’ cùng hàng loạt động thái hung hãn của ĐCSTQ đối với các nước Âu – Mỹ đã khiến cộng đồng quốc tế và thế giới văn minh không còn hy vọng vào ĐCSTQ.

“Toàn bộ xã hội quốc tế đã hình thành một sự đồng thuận rằng, không thể ủng hộ Trung Quốc nữa, không thể giúp đỡ họ nữa, họ có thể trở thành một quốc gia thù địch bất cứ lúc nào”.

“Kế hoạch ‘Made in 2025’ trước đây của ông Tập Cận Bình và cả Kế hoạch Ngàn nhân tài đều là lợi dụng mối quan hệ tốt đẹp với Âu – Mỹ để đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật công nghệ của họ bằng nhiều cách khác nhau. Họ (ĐCSTQ) không chỉ có thể bắt chước và phát triển những thứ này mà còn đưa những công nghệ này vào quân sự để chống lại Hoa Kỳ trên trường quốc tế”.

Ông Lương nói: “Hoa Kỳ và Trung Quốc, châu Âu và Trung Quốc sẽ dần dần xa cách, quá trình này sẽ không mất quá nhiều thời gian. Diễn biến quan hệ này là không thể đảo ngược trong tình hình hiện tại”.

Giáo sư Tạ Điền (Xie Tian) tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng việc bị Moody’s hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm cũng sẽ khiến số lượng nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc giảm mạnh, vốn quốc tế sẽ tăng tốc tháo chạy khỏi Trung Quốc, vì họ không còn lạc quan về triển vọng của nước này.

Phân tích: Nếu không cứu được nền kinh tế, ĐCSTQ sẽ mất nền tảng cai trị
Theo luật sư Lương Thiếu Hoa, về cơ bản, ‘cỗ xe tam mã’ trong thúc đẩy phát triển kinh tế của Trung Quốc – bao gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu – hiện đang đồng thời ở trong trạng thái trì trệ.

Ông Lương nói: “Kinh tế không tốt, chính trị không tốt, tương lai không còn hy vọng, sau đó là vô lực, không thể thay đổi được điều gì; hoặc là nằm thẳng hoặc là tháo chạy, không còn con đường nào khác”.

Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), Phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, Úc nói với The Epoch Times rằng yếu tố cốt lõi nhất trong cuộc khủng hoảng của một chính quyền là việc nó mất đi tính hợp pháp.

Kể từ khi xây dựng chính quyền vào năm 1949, ĐCSTQ đã không có cơ sở cho tính hợp pháp của mình: ĐCSTQ không lên nắm quyền thông qua bầu cử hợp pháp của người dân mà lại dùng vũ lực để lật đổ chính phủ hợp pháp của Trung Hoa Dân Quốc.

Ông Phùng cho rằng, điều duy nhất mà ĐCSTQ có thể dựa vào để đặt định cơ sở cho “tính hợp pháp” của mình chính là sự tăng trưởng kinh tế, chỉ có như vậy thì mới khiến người dân chấp nhận sự tồn tại của chính quyền này.

Học giả này cho rằng: “Với tình hình kinh tế trượt dốc, suy thoái và suy bại này, khi ĐCSTQ không thể vãn hồi và khi sinh kế của người dân bị đe dọa nghiêm trọng, chính quyền này sẽ càng mất đi nền tảng ủng hộ cơ bản của người dân, cơ sở cho ‘tính hợp pháp’ cũng sẽ không còn”.

“Đây là điểm cốt lõi phát sinh ra tất cả các cuộc khủng hoảng của nó (ĐCSTQ)”.

Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang mất sức sống, các doanh nghiệp lớn và vừa ở nhiều ngành khác nhau liên tiếp sa thải nhân viên, ngừng hoạt động, di dời hoặc nghỉ dài hạn, từ đó dẫn đến hàng loạt vấn đề như thất nghiệp, nợ lương, bồi thường không thỏa đáng và kế đến là các cuộc biểu tình.

Hiện nay không chỉ dân chúng kiếm sống khó khăn, “quan chức cũng kiếm sống khó khăn”. Từ chính quyền trung ương tới địa phương ở Trung Quốc, khắp mọi nơi đều đang nhắc đến “thắt lưng buộc bụng”.

Ông Phùng nói, “Ông Tập Cận Bình muốn khôi phục chế độ toàn trị nên đã ra tay với bộ máy thông qua hoạt động chống tham nhũng có chọn lọc, vì vậy các quan chức trong các phe phái khác cũng rất bất bình với ông này, nội bộ [ĐCSTQ] chia rẽ cũng rất gay gắt”.

Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một nhà sử học sống ở Úc, trước đây đã phân tích rằng ĐCSTQ gây áp lực lớn lên các quan chức, trên danh nghĩa là để chống tham nhũng, nhưng nếu các quan chức không có cơ hội tham nhũng thì họ sẽ buông xuôi không làm gì hết, từ đó tạo nên hiện tượng “nằm thẳng” (tức là quan chức bỏ bê công việc, chểnh mảng chính sự).

Ngoài ra, ông Phùng Sùng Nghĩa còn chỉ ra, trên bình diện quốc tế, các nước phương Tây như Hoa Kỳ và Úc một lần nữa coi ĐCSTQ là kẻ thù và đang nhanh chóng làm suy yếu sự thâm nhập của chính quyền này vào nhiều quốc gia khác.

Ông Phùng nói: “Cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp của nó (ĐCSTQ) biểu hiện ra ở cả bên trong lẫn bên ngoài”; “Mọi người đang mong đợi một cuộc dân biến (dân chúng nổi dậy chống lại ách cai trị), một cuộc binh biến, rồi một cuộc chính biến, nhằm lật đổ ĐCSTQ và mở ra một Trung Quốc dân chủ”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới