Friday, December 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ cảnh báo nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga

Mỹ cảnh báo nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga

Tổng thống Joe Biden cảnh báo Mỹ có nguy cơ bị kéo vào xung đột trực tiếp với Nga nếu Moscow giành chiến thắng trong cuộc chiến với Ukraine.

“Chỉ qua một đêm, Nga đã phát động cuộc không kích quy mô lớn nhất vào Ukraine kể từ khi cuộc chiến này bắt đầu”, Tổng thống Joe Biden cho biết trong một tuyên bố đưa ra hôm 29/12.

“Đó là một lời nhắc nhở rõ ràng với thế giới rằng, sau gần hai năm diễn ra cuộc chiến tàn khốc này, mục tiêu của Nga vẫn không thay đổi khi tìm cách hạ gục Ukraine và khuất phục người dân nước này. Nga phải bị ngăn chặn”, ông Biden nhấn mạnh.

Tuyên bố của Tổng thống Biden được đưa ra sau khi Nga không kích lớn chưa từng có vào Ukraine đêm 28/12, rạng sáng 29/12. Theo giới chức Ukraine, Nga sử dụng hơn 150 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tấn công các mục tiêu trên khắp Ukraine. Vụ tấn công khiến ít nhất 31 người thiệt mạng, nhiều hạ tầng của Ukraine hư hại.

Tổng thống Biden cho biết lực lượng Ukraine đã đánh chặn thành công một số tên lửa và máy bay không người lái do Nga phóng nhờ hệ thống phòng không do Mỹ cung cấp.

Tuy nhiên, ông Biden cảnh báo, nếu các nghị sĩ tại quốc hội Mỹ không thực hiện “hành động khẩn cấp trong năm mới”, Washington sẽ không thể tiếp tục cung cấp cho Ukraine “vũ khí và hệ thống phòng không quan trọng”.

Trước đó, ông Biden đã cảnh báo các thành viên của đảng Cộng hòa rằng việc cắt viện trợ cho Ukraine có thể gây ra mối đe dọa an ninh cho liên minh NATO. Sau đó, gói viện trợ cuối cùng của Nhà Trắng dành cho Kiev trong năm nay, trị giá 250 triệu USD, đã được công bố.

“Tác động của cuộc chiến này vượt ra ngoài Ukraine. Chúng tác động đến toàn bộ liên minh NATO, an ninh của châu Âu và tương lai của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương”, ông Biden nhắc lại trong tuyên bố hôm 29/12.
“Một nguy cơ ngày càng tăng là Mỹ sẽ bị lôi kéo vào cuộc xung đột trực tiếp. Và hậu quả sẽ lan rộng khắp thế giới. Chúng ta không thể để các đồng minh và đối tác của mình thất vọng. Chúng ta không thể để Ukraine thất vọng”, ông Biden nhấn mạnh.

Tổng thống Biden đã yêu cầu quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ trị giá 110 tỷ USD dành cho Ukraine, hỗ trợ cho Israel và các nhu cầu an ninh quốc gia khác. Tuy nhiên yêu cầu này đã nhiều lần bị các nghị sĩ đảng Cộng hòa bác bỏ.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh ngày 29/12 thông báo sẽ gửi khoảng 200 tên lửa phòng không, giúp Ukraine bảo vệ dân thường và hạ tầng khỏi các cuộc tập kích của Nga.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết các tên lửa phòng không này do nhà thầu quốc phòng MBDA của Anh chế tạo, được thiết kế để phóng từ các máy bay chiến đấu như Typhoon, F-35.

Ngoài tên lửa và đạn dược, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy và Bỉ đã đồng ý cung cấp các máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine nhằm giúp Kiev giành ưu thế trong các cuộc không chiến với Nga. Hà Lan chuẩn bị gửi cho Kiev lô F-16 đầu tiên gồm 18 chiếc trong tổng số 42 chiếc.

Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 26/12 thông báo, nhóm phi công Ukraine đầu tiên dự kiến lái tiêm kích F-16 đã hoàn thành chương trình huấn luyện cơ bản ở Anh và chuyển sang huấn luyện cùng các tiêm kích này ở Đan Mạch.

RELATED ARTICLES

Tin mới