Ngày 13/1, gần 20 triệu cử tri Đài Loan (Trung Quốc) sẽ đi bỏ phiếu để bầu nhà lãnh đạo tiếp theo.
Người được nhiều cử tri lựa chọn nhất sẽ tác động đến sự ổn định của cả khu vực, thậm chí toàn cầu, trong bối cảnh quan hệ giữa Đài Bắc và Trung Quốc đại lục đang là một trong những điểm nóng địa – chính trị của thế giới, là một trong những mâu thuẫn giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc.
Ứng viên dẫn đầu là ông William Lai Ching-te của đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) cầm quyền, người được đánh giá là thiên về xu hướng độc lập. Đối thủ sát nút là ông Hou Yu-ih của Quốc Dân Đảng (KMT), người được đánh giá là thân thiện với Trung Quốc đại lục hơn.
Một cuộc khảo sát do My Formosa thực hiện và công bố ngày 28/12 cho thấy ông Lai đang được 40% cử tri ủng hộ, còn ông Hou được 28,9%. Ứng viên xếp thứ ba là ông Ko Wen-je của đảng Nhân dân Đài Loan (TPP), được 17,6% cử tri ủng hộ.
Sau một cuộc điều tra, Bắc Kinh ra thông báo hôm 15/12 rằng Đài Bắc đã vi phạm thỏa thuận thương mại giữa hai bên, vì thế dừng giảm thuế quan với một số mặt hàng hóa chất nhập từ hòn đảo này. Ngày 27/12, Bắc Kinh dọa sẽ áp thêm các biện pháp trừng phạt thương mại nếu DPP ủng hộ độc lập “một cách bướng bỉnh”.
3 gương mặt, 3 đường lối
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc có thể sẽ vẫn mâu thuẫn và băng giá như hiện nay nếu ông Lai, 64 tuổi, trở thành nhà lãnh đạo kế nhiệm bà Thái Anh Văn.
Trung Quốc đại lục dừng đối thoại chính thức với Đài Bắc sau khi bà Thái đắc cử năm 2016. Bắc Kinh gọi ông Lai là người “ly khai và gây rối”.
“Tôi nghĩ Bắc Kinh nghiên cứu quá khứ của ông ấy (ông Lai) rất cẩn thận và đánh giá ông ấy là một trong những người ủng hộ độc lập. Rất khó để Chính phủ Trung Quốc chấp nhận bất kỳ ứng viên nào của DPP, vì đảng này đại diện cho phe ly khai, muốn tách khỏi Bắc Kinh”, TS Huang Chin-Hao, tác giả một cuốn sách về Trung Quốc và là phó giáo sư về khoa học chính trị tại ĐHQG Singapore, nhận xét.
Dù ông Lai dự kiến sẽ tiếp tục chính sách “tương đối ôn hòa” trong đối ngoại và trong quan hệ hai bờ eo biển, nhưng việc không đối thoại với Bắc Kinh sẽ tiếp tục gây rủi ro “hiểu nhầm và nhận thức sai lầm”, khiến tình hình hai bờ eo biển mất ổn định, PGS Hoo Tiang Boon của ĐH Công nghệ Nanyang Singapore, đánh giá.
Nếu ông Lai đắc cử, quan hệ Đài Bắc – Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục xấu đi, vì Trung Quốc đại lục sẽ tiếp tục tăng sức ép kinh tế và quân sự để “ngăn ông Lai đưa ra những chính sách quyết liệt trong bài phát biểu nhậm chức”, TS Qi Dongtao, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á thuộc ĐHQG Singapore, nhận định.
Trong kịch bản tốt nhất, ông Lai sẽ làm việc với cả Washington và Bắc Kinh để tìm ra con đường chấp nhận được với cả 3 bên, để ngăn căng thẳng leo thang hơn nữa ở eo biển, TS Qi nhận định.
Các chuyên gia tin rằng căng thẳng giữa hai bờ eo biển sẽ giảm bớt nếu ông Hou, 66 tuổi, đắc cử.
Ông Hou và đảng của ông gọi cuộc bầu cử năm 2024 là lựa chọn “giữa chiến tranh và hòa bình”. Nếu ông thắng, Trung Quốc sẽ khôi phục đối thoại chính thức vì ông Hou chấp nhận thỏa thuận mang tên Đồng thuận 1992, TS Qi nhận định.
Theo nhà nghiên cứu này, ông Hou có thể sẽ áp dụng phương pháp của cựu lãnh đạo Mã Anh Cửu khi xử lý quan hệ với Bắc Kinh và Washington, cải thiện quan hệ với Bắc Kinh một cách thận trọng mà không để mất sự tự chủ.
Dưới thời chính quyền của ông Mã (từ năm 2008-2016), Đài Bắc và Bắc Kinh ký 23 thỏa thuận hợp tác. Ông Mã thậm chí đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Singapore năm 2015, cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai bên kể từ khi nội chiến Trung Quốc kết thúc năm 1949.
Bầu cử Đài Loan có thể tác động đến ổn định khu vực ảnh 3
TS Ko Wen-je khi thành lập TPP năm 2019. (Ảnh: Reuters)
TS Ko, 64 tuổi, là một bác sĩ phẫu thuật và giáo sư đại học trước khi bước chân vào chính trị. Ông đắc cử trở thành thị trưởng Đài Bắc năm 2014 với tư cách ứng viên độc lập được DPP ủng hộ, nhưng ông chuyển sang cách tiếp cận thân thiện với Bắc Kinh hơn trong những năm gần đây.
Năm 2019, ông thành lập TPP để tạo nên một lựa chọn khác ngoài 2 đảng truyền thống, và đã thu hút được nhiều cử tri trẻ với phong cách được đánh giá là vô tư và thích mạng xã hội.