Truyền thông Trung Quốc công bố video cho thấy ba ray trượt của hệ thống máy phóng điện từ trên tàu sân bay Phúc Kiến do nước này chế tạo.
Kênh CCTV của Trung Quốc ngày 2/1 công bố video cho thấy một tàu kéo đang di chuyển tàu sân bay Phúc Kiến, hai bên mũi chiến hạm có các tàu kéo làm nhiệm vụ ổn định hướng đi. Chiến hạm Phúc Kiến vừa hoàn thành thử nghiệm neo đậu, liên quan đến kiểm tra hoạt động của hệ thống đẩy chính khi tàu neo tại chỗ.
Video cũng cho thấy rõ ba ray trượt của hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) trên sàn đáp của tàu Phúc Kiến, gồm hai ray trượt song song ở phần mũi tàu và một ray nằm gần mạn trái chiến hạm.
Phía cuối đuôi tàu có một chiếc J-15 hoặc mô hình của mẫu tiêm kích hạm này. Trung Quốc đã phát triển và chế tạo hai nguyên mẫu biến thể J-15T hỗ trợ máy phóng trên tàu sân bay.
Một số chuyên gia phương Tây nhận định J-15T có thể là mẫu tiêm kích hạm chủ yếu trên tàu sân bay Phúc Kiến. Ngoài ra, Trung Quốc có thể trang bị cho chiến hạm này tiêm kích tàng hình J-35, được phát triển từ mẫu FC-31, cùng máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm KJ-600.
Tàu sân bay Phúc Kiến được đánh giá là trọng tâm chính trong nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân “biển xanh” có thể tác chiến xa bờ dài ngày của Trung Quốc. Chiến hạm Phúc Kiến thuộc lớp Type-003 có lượng giãn nước khoảng 71.000 tấn, được hạ thủy vào tháng 6/2022, là tàu sân bay thứ hai do Trung Quốc tự chế tạo.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là Liêu Ninh, được hoán cải từ tuần dương hạm hạng nặng mua từ Ukraine. Sau khi biên chế tàu Liêu Ninh tháng 9/2012, Trung Quốc sau đó dùng kiến thức và kinh nghiệm để đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên là Sơn Đông và biên chế vào tháng 12/2019.
Khác với tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông với thiết kế cầu nhảy kiểu cũ, chiến hạm Phúc Kiến được trang bị EMALS giống siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford thuộc lớp cùng tên của Mỹ. EMALS cho phép triển khai máy bay nhanh hơn với số lượng vũ khí nhiều hơn so với hệ thống máy phóng hơi nước.