Sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng thống Philippines Marcos ngay ngày đầu năm 2023 với những kết quả tích cực khi nhận được cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo Trung Quốc về việc giải quyết các tranh chấp hàng hải với Philippines thông qua tham vấn một cách “thân thiện”, tất cả chúng ta đều hy vọng sẽ có một năm 2023 bình yên trên Biển Đông. Tuy nhiên, thực tế tình hình ở Biển Đông trong năm qua lại không như mong đợi, ngược lại Biển Đông liên tiếp “dậy sóng”, căng thẳng không ngừng leo thang. Chúng ta cùng điểm lại một số sự kiện lớn về tình hình Biển Đông trong năm 2023.
Thứ nhất, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “vùng xám”, sử dụng tàu hải cảnh và tàu dân quân biển xâm nhập vùng biển các nước láng giềng, trong đó chĩa mũi nhọn các hoạt động hung hăng gây hấn nhắm vào Philippines. Chỉ một tháng sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Marcos Jr., ngày 6/2/2023 tàu hải cảnh Trung Quốc cố tình ngăn chặn một trong các tàu của Philippines đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho binh sĩ đóng quân trên Bãi Cỏ Mây, chiếu tia laser cấp độ nguy hiểm vào tàu tuần duyên của Philippines khiến một số thủy thủ trên tàu “mù tạm thời”.
Tháng 4/2023, Lực lượng tuần duyên Philippines đã phát hiện hơn 100 tàu dân quân biển cùng các tàu hải cảnh và một tàu hộ tống thuộc hải quân Trung Quốc xâm nhập vùng biển của Philippines. Hôm 23/4, một cuộc đối đầu giữa tàu tuần tra Philippines với tàu Trung Quốc đã xảy ra khi tàu hải cảnh của Trung Quốc chặn đầu tàu tuần duyên của Philippines ở gần khu vực Bãi Cỏ Mây, trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Đáng chú ý là từ đầu tháng 8/2023 đã liên tiếp xảy ra một loạt vụ việc hung hăng của tàu hải cảnh và tàu dân quân biển Trung Quốc nhằm vào tàu tiếp tế của Philippines ở vùng biển xung quanh Bãi Cỏ Mây, khiến tình hình hết sức căng thẳng. Tàu hải cảnh Trung Quốc đã 2 lần phun vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippines hôm 5/8 và hôm 9/11; tàu Trung Quốc hai lần đâm va vào tàu của Philippines hôm 22/10. Ngoài ra còn nhiều lần các tàu của Trung Quốc vây ép các tàu tuần duyên và tàu tiếp tế ở khu vực Bãi Cỏ Mây, khiến nơi đây trở thành điểm nóng nhất ở Biển Đông. Các nhà quan sát còn nhận định dường như trong mấy tháng qua, tàu hải cảnh và tàu dân quân biển Trung Quốc đã phong tỏa khu vực xung quanh Bãi Cỏ Mây khiến Manila hết sức phẫn nộ.
Trong khi đó, tại khu vực Bãi cạn Scarborough, trong tháng 9 vừa qua lực lượng tuần duyên Philippines đã phát hiện lực lượng hải cảnh Trung Quốc lắp đặt các rào chắn nổi” dài khoảng 300m để ngăn tàu cá của ngư dân Philippines đi vào đầm phá nằm trong Bãi cạn Scarborough. Đáng chú ý, việc Trung Quốc công bố “bản đồ tiêu chuẩn” mới năm 2023 với yêu sách “Đường 10 đoạn” ở Biển Đông cuối tháng 8 vừa qua đã khiến các nước lên án mạnh mẽ.
Trong năm 2023, các vụ việc máy bay chiến đấu Trung Quốc gây nguy hiểm với máy bay các nước trong và ngoài khu vực xảy ra ở Biển Đông gia tăng một cách đáng lo ngại. Máy bay chiến đấu Trung Quốc đã chặn đầu, áp sát máy bay các nước Mỹ, Úc, Canada và Philippines trên Biển Đông khiến các nước này phản đối mạnh mẽ cách hành xử của Trung Quốc. Cuối tháng 11/2023, hai máy bay chiến đấu Trung Quốc vây quanh một máy bay của Philippines trong lúc Philippines đang cùng Úc tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông. Mỹ và các nước đã nhiều lần chỉ trích máy bay Trung Quốc thực hiện những hành động thiếu chuyên nghiệp, gây mất an toàn cho hoạt động hàng không ở Biển Đông.
Giới quan sát nhận định trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc lại tiếp tục nổ ra cuộc chiến ở Trung Đông khiến Mỹ phải dàn trải sức mạnh ra nhiều khu vực thì Bắc Kinh đã gây ra một loạt các hành động hung hăng nhằm vào Philippines trong năm 2023 để thử thách quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines, thăm dò giới hạn của Washington ở Biển Đông.
Thứ hai, năm 2023 đánh dấu một năm chính quyền Manila cứng rắn, mạnh mẽ và quyết liệt khác thường trong việc chống lại những hành động hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trước mỗi hành động gây hấn của Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Marcos đều nhanh chóng phản đối mạnh mẽ thể hiện rõ quyết tâm “không để mất “một inch vuông lãnh thổ của mình” như Tổng thống Marcos Jr. nhiều lần tuyên bố. Chẳng hạn như việc Philippines phá bỏ “hàng rào nổi” do Trung Quốc giăng ra ở khu vực Bãi cạn Scaborough; kêu gọi các ngư dân của nước này tiếp tục hoạt động tại khu vực Bãi cạn Scarborough và cam kết tăng cường các cuộc tuần tra để bảo vệ ngư dân cho thấy Manila sẽ kháng cự mạnh mẽ hơn trước những hành động gây hấn của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp. Điều đáng chú ý là việc làm này của lực lượng tuần duyên Philippines được sự chỉ đạo trực tiếp từ Tổng thống Marcos.
Năm 2023 còn đánh dấu một cách tiếp cận mới của Philippines trên vấn đề Biển Đông theo hướng minh bạch, rõ ràng, công bố công khai mọi hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Cùng với việc lên án các hành động gây hấn của Bắc Kinh, các lực lượng chức năng của Philippines cho công bố hình ảnh, video về các vụ việc trên các trang mạng. Lực lượng tuần duyên Philippines mời các phóng viên trong nước và nước ngoài đi cùng trên các chuyến tàu để chứng kiến các hành vi hung hăng của Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định chủ trương của Manila vạch trần các hoạt động phi pháp ở Biển Đông mang nhiều ý nghĩa như: (i) khẳng định rõ quyết tâm của chính quyền Tổng thống Marcos trong bảo vệ chủ quyền biển đảo và lợi ích trên biển của đất nước; (ii) chuyển tới Bắc Kinh một thông điệp mạnh mẽ rằng Philippines sẽ không chịu khuất phục; (iii) góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và thu hút sự ủng hộ của người dân đối với lập trường bảo vệ chủ quyền của chính phủ; (iv) giúp các quốc gia trong và ngoài khu vực nhận ra hành vi hung hăng và đáng sợ của Bắc Kinh, qua đó tranh thủ sự ủng hộ và đoàn kết từ các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế; (v) việc vạch trần các hành động hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông khiến hình ảnh của Bắc Kinh xấu đi và có thể buộc nước này phải hành động có trách nhiệm hơn và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Từ tháng 8/2023, Philippines còn quyết định đình chỉ chương trình trao đổi quân sự với Trung Quốc (chương trình trao đổi quân sự này được khởi động từ năm 2007) sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippines. Đây là dấu hiệu cho thấy quân đội Philippines Manila còn để ngỏ khả năng tiếp tục khởi kiện Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông khi Bộ trưởng Tư pháp Philippihes Jesus Crispin Remulla ngày 19/9 tuyên bố sẽ nộp đơn kiện Trung Quốc về các hoạt động khai thác quá mức san hô tại Biển Đông còn Tổng Chưởng lý Philippines Menardo Guevarra xác nhận Manila có kế hoạch đệ đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).
Thứ ba, năm 2023 đánh dấu việc thắt chặt quan hệ đồng minh quân sự Mỹ-Philippines và tăng cường mạnh mẽ quan hệ quân sự giữa Philippines với Nhật Bản và Úc – hai đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực. Có ý kiến còn cho rằng đang có những dấu hiệu về việc hình thành liên kết 3 bên hay 4 bên do Mỹ dẫn đầu nhằm chống lại hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Năm 2023 chứng kiến một loạt sự kiện đánh dấu những bước tiến mới trong quan hệ đông minh giữa Mỹ và Philippines.
Tháng 2/2023, trong chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc quân đội Mỹ được quyền tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự mới của Philippines, trong đó có 1 căn cứ ở Palawan tiếp giáp Biển Đông và 3 căn cứ ở phía Bắc gần Đài Loan theo thỏa thuận Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA). Tháng 5/2023, trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Marcos, Lầu Năm Góc công bố “Hướng dẫn phòng thủ song phương” Mỹ-Philippines (còn được một số chuyên gia gọi là “Hướng dẫn bảo vệ Phlippines ở Biển Đông”). Theo đó, các cam kết theo Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines sẽ được kích hoạt nếu một trong hai bên bị tấn công ở Biển Đông, bao gồm cả khi các tàu tuần duyên bị nhắm mục tiêu; hai bên thỏa thuận về kế hoạch vận hành 4 căn cứ quân sự mới mà Manila giao quyền sử dụng cho quân đội Mỹ; đồng thời, Washington và Manila đã đạt thỏa thuận về mở rộng hoạt động “chia sẻ thông tin về các mối đe dọa và thách thức chính” đối với hòa bình và an ninh của 2 nước. Giới phân tích nhận định bản hướng dẫn này gửi đi “lời cảnh báo” tới Trung Quốc rằng chớ có sử dụng vũ lực đối với lực lượng tuần duyên Philippines. Việc công bố bản hướng dẫn chính là hệ quả từ chính sách hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông mà Philippines là một nạn nhân.
Trong năm 2023 này, phía Mỹ công khai lên án mạnh mẽ trước mỗi hoạt động gây hấn của Trung Quốc nhằm vào Philippines ở Biển Đông, tuyên bố “hoạt động nguy hiểm của Trung Quốc đe dọa trực tiếp đến hòa bình và ổn định khu vực”, “phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Washington nhiều lần khẳng định cam kết “sắt đá” ở các cấp lãnh đạo rằng Mỹ sẽ bảo vệ Philippines, một đồng minh hiệp ước, nếu các lực lượng, máy bay và tàu biển của Philippines bị tấn công ở Biển Đông. Ngày 01/5/2023, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Marcos tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Biden nhấn mạnh “Mỹ vẫn giữ cam kết bảo vệ Philippines, bao gồm cả ở Biển Đông”.
Cùng với việc thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ, từ đầu năm 2023 Philippines nỗ lực tăng cường quan hệ quân sự với 2 đồng minh của Mỹ ở khu vực là Nhật Bản và Úc. Quan hệ hợp tác quân sự giữa Philippines và Úc có bước tiến mạnh mẽ sau khi ký Hiệp ước nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược trong chuyến thăm Philippines của Thủ tướng Úc Anthony Albanese hôm 8/9/2023 với hàng loạt thỏa thuận như hai bên nhất trí thực hiện các cuộc diễn tập quân sự và tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông; Canberra sẽ tăng cường viện trợ quốc phòng giúp cho Manila nâng cao năng lực quốc phòng và tuần tra trên biển. Các chuyên gia nhận định việc tăng cường mạnh mẽ hợp tác an ninh hàng hải giữa Canberra và Manila – hai đồng minh của Washington ở khu vực – xuất phát từ nhu cầu đối phó với sự bành trướng và quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở các vùng biển lân cận, bao gồm cả Biển Đông.
Quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng giữa Philippines-Nhật Bản được nâng lên một tầm cao mới sau chuyến thăm Philippines của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Hai bên đã nhất trí về gói viện trợ quân sự trong khuôn khổ quỹ Hỗ trợ An ninh Chính thức (OSA) để Tokyo trang bị cho Manila hệ thống radar giám sát bờ biển, đưa Philippines trở thành quốc gia tiên nhận viện trợ theo chương trình OSA trong năm tài khóa 2023; hai bên cam kết khởi động các cuộc đàm phán về Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (RAA), mở đường cho việc triển khai quân trong các cuộc tập trận quân sự chung giưa hai bên ở Biển Đông. Với những động thái này, giới phân tích cho rằng việc tăng cường quan hệ quân sự trơ thành yêu cầu thiết thực của cả hai bên để chống lại những hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ngoài ra, Philippines còn chủ động, tích cực tham gia các cuộc tập trận song phương với Mỹ, Nhật, Úc cả ở Biển Đông lẫn các vùng biển khác trong khu vực. Đặc biệt, năm 2023 đánh dấu việc tiến hành các cuộc tuần tra chung đầu tiên giữa Hải quân Philippines với Hải quân Mỹ và với Hải quân Hoàng gia Úc ở Biển Đông, khiến Bắc Kinh hết sức tức giận và cáo buộc Manila “lôi kéo” các nước ngoài khu vực gây căng thẳng ở Biển Đông.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định điều đáng tiếc là ASEAN tỏ ra “hụt hơi” trên vấn đề Biển Đông. Với tư cách Chủ tịch ASEAN trong năm 2023, Indonesia tuyên bố mạnh mẽ rằng sẽ nỗ lực thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC). Thế nhưng kết thúc năm 2023 mà đàm phán về COC vẫn giậm chân tại chỗ, mặc dù các bên đã khởi động vòng đọc thứ 3 về COC. Trước việc tiến trình đàm phán về COC không có tiến triển thực chất, Tổng thống Philippines buộc phải đưa ra sáng kiến về xây dựng một COC riêng của các nước nhỏ liên quan đến tranh chấp Biển Đông, đây được các học giả coi là tiêu điểm trong năm 2023 bởi nó thể hiện bất mãn cao độ của chính quyền Tổng thống Marcos trước cách hành xử “hai mặt” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Đáng chú ý là ASEAN làm ngơ trước những hành vi hung hăng của Bắc Kinh nhằm vào Philippines kể cả hành vi phun vòi rồng hoặc đâm va của tàu hải cảnh Trung Quốc; ASEAN cũng không lên án việc Trung Quốc công bố “bản đồ tiêu chuẩn” năm 2023 với việc mở rộng các yêu sách ở Biển Đông và với các nước láng giềng trên biên giới đất liền. Giới chuyên gia cảnh báo nếu ASEAN không tìm cách củng cố đoàn kết nội bộ sẽ dẫn đến một hệ quả là ASEAN sẽ mất dần tiếng nói trên các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông.
Năm 2023 đã khép lại, song dư âm về những căng thẳng triền miên trên Biển Đông cùng sự mất hết niềm tin đối với “thiện chí” của Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục kéo dài chưa có hồi kết, báo hiệu những sóng gió mới ở Biển Đông trong thời gian tới.