Thursday, December 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTuần tra chung - nỗ lực của Philippines thúc đẩy quốc tế...

Tuần tra chung – nỗ lực của Philippines thúc đẩy quốc tế hóa Biển Đông

Ngày 21/11, quân đội Philippines và Mỹ đã triển khai tuần tra chung kéo dài 3 ngày. Cuộc tuần tra bắt đầu tại vùng biển gần Đài Loan và kết thúc ở Biển Tây Philippines (cách Philippines gọi các vùng biển trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trên Biển Đông). Động thái có thể thổi bùng thêm căng thẳng với Trung Quốc. Động thái này được Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển, nhìn nhận là một trong những cách để Manila thể hiện lập trường mạnh mẽ về Biển Đông.

Các cam kết an ninh giữa hai nước đồng minh hiệp ước Philippines và Mỹ đã được đẩy mạnh trong năm nay, đáng chú ý là quyết định tăng gần gấp đôi số căn cứ trên lãnh thổ quốc gia Philippines mà quân đội Mỹ có thể tiếp cận. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. gọi cuộc diễn tập chung trên không và trên biển này là “sáng kiến quan trọng” nhằm củng cố năng lực phối hợp tác chiến song phương. Ông Marcos viết trên trang mạng xã hội X: “Tôi tin rằng việc này sẽ góp phần tạo ra môi trường an toàn và ổn định hơn cho người dân chúng tôi”.

Theo người phát ngôn của Bộ chỉ huy Bắc Luzon Eugene Cabusao, cuộc tuần tra sẽ bắt đầu ở Đảo Mavulis, điểm cực Bắc của Philippines, nằm cách Đài Loan khoảng 100 km. Quân đội Philippines thông báo ba tàu hải quân, hai máy bay hạng nhẹ FA-50 và một máy bay tấn công A-29B Super Tucano sẽ tham gia hoạt động, trong khi Mỹ triển khai một tàu chiến ven biển, một máy bay trinh sát hàng hải P8-A Poisedon.

Người đứng đầu lực lượng vũ trang Philippines, Romeo Brawner, nói với các phóng viên rằng một tàu hải quân Trung Quốc đã theo dõi các tàu chiến của Mỹ và Philippines đang tuần tra chung trong ngày 23/11. Ông Brawner cho biết vụ việc xảy ra vào khoảng 10h15 sáng gần giàn khoan khí đốt tự nhiên cách tỉnh Palawan 27 hải lý. Ông nói: “Không có thách thức, không có thao tác nguy hiểm nào”. Ông Brawner cho biết thêm Philippines đã đạt được mục tiêu hợp tác chặt chẽ với đồng minh của mình là Mỹ và không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra.

Ngày 22/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ và Philippines về các cuộc tuần tra của họ. Người phát ngôn này nói: “Trung Quốc đã nêu rõ quan điểm của mình với Philippines và Mỹ rằng các cuộc tuần tra chung giữa Philippines và Mỹ không được phá hoại chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc”. Trong khi đó, Bộ chỉ huy Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc cáo buộc: “Philippines đã lôi kéo lực lượng từ bên ngoài vào khu vực để tuần tra… gây rắc rối và cường điệu hóa, phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực”,

Cùng lúc với cuộc tuần tra chung trên biển và trên không của Hải quân Mỹ và Hải quân Philippines, Trung Quốc cũng tiến hành 2 cuộc tập trận bắn đạn thật tại Biển Đông, mỗi cuộc diễn ra trong 1 ngày duy nhất. Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc hôm 20/11 đã thông báo về 2 vùng cấm xâm nhập tại vùng biển gần đảo Hải Nam, nói rằng tất cả các tàu nên tránh xa khu vực này khi hải quân Trung Quốc tiến hành “huấn luyện quân sự” và “diễn tập bắn đạn thật”. Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc còn điều động tàu hộ vệ mang tên lửa dẫn đường Type 054A Vận Thành tới Biển Đông để thực hiện hoạt động mà Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc gọi là “cuộc tuần tra định kỳ”. Qua đây có thể thấy Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn kế hoạch đáp trả việc Mỹ và Philippines tăng cường hợp tác ở Biển Đông.

Ngay sau khi tiến hành tuần tra chung với Philippines, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Hopper của Hải quân Mỹ đã áp sát quần đảo Hoàng Sa thực hiện chiến dịch tự do hàng hải (FONOP). Ngày 25/11, quân đội Trung Quốc chỉ trích tàu khu trục của Hải quân Mỹ USS Hopper đã tiến vào lãnh hải của Trung Quốc mà không có sự chấp thuận của nước này. Theo một bài đăng trên tài khoản WeChat chính thức của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), quân đội Trung Quốc triển khai lực lượng hải quân và không quân để “theo dõi, bám sát và cảnh báo” tàu USS Hopper, nhấn mạnh vụ việc “chứng minh rằng Mỹ luôn kẻ tạo ra rủi ro an ninh ở Biển Đông”. Trong khi đó, Bộ tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ ra tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng tôi (Hải quân Mỹ) hoạt động thường xuyên qua sự phối hợp sâu sát với các đồng minh và đối tác đồng chí hướng, chia sẻ cam kết của chúng tôi về việc tuân thủ trật tự quốc tế tự do và cởi mở, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng. Mọi hoạt động của chúng tôi đều được thực hiện an toàn, chuyên nghiệp, phù hợp với luật pháp quốc tế”. Đầu tháng 11, Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc đàm phán “thẳng thắn” về các vấn đề hàng hải, bao gồm cả các tranh cãi ở Biển Đông, trong đó Mỹ nhấn mạnh quan ngại về các hành động “nguy hiểm và bất hợp pháp” của Trung Quốc trong khu vực.

Trong thời gian tàu khu trục USS Hopper của Hải quân Mỹ triển khai FONOP ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Philippines đã cùng Australia tiến hành cuộc tuần tra chung trên không và trên biển tại Biển Đông. Hoạt động kéo dài 3 ngày được tổ chức sau các cuộc thảo luận hồi đầu năm về tập trận chung song phương nhằm nhấn mạnh điều mà các nước gọi là cam kết hướng tới hợp tác chặt chẽ hơn và đảm bảo một trật tự dựa trên luật pháp trong khu vực.

Các cuộc tuần tra chung giữa Australia-Philippines lần đầu tiên được Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles nhắc đến trong chuyến thăm Manila hồi tháng 2. Động thái này được coi là nỗ lực mới nhất của phương Tây nhằm hỗ trợ Philippines, quốc gia đã trở nên mạnh mẽ hơn trong việc phản đối các hành vi xâm lấn và quấy rối ngày càng gia tăng của tàu hải cảnh và tàu dân quân biển của Trung Quốc. Những hoạt động này được hợp thức hóa hơn với mối quan hệ đối tác chiến lược khởi động vào tháng 9 vừa qua bởi Thủ tướng Anthony Albanese và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., người đã cam kết sẽ chống lại Trung Quốc và không nhượng bộ một “dù chỉ một inch” vùng biển của Philippines.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết các cuộc tuần tra là nhằm triển khai thực tế mối quan hệ đối tác chiến lược hai nước đã ký vào tháng 9. Trong một tuyên bố chung với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto C Teodoro Jr. ông Marles chia sẻ: “Australia và Philippines cam kết vững chắc về việc bảo đảm một khu vực hòa bình, an toàn và thịnh vượng, nơi chủ quyền cũng như các quy tắc và chuẩn mực đã được thống nhất và tôn trọng. Hoạt động hợp tác hàng hải đầu tiên giữa Lực lượng Phòng vệ Australia và Lực lượng Vũ trang Philippines thể hiện cam kết quan trọng này”. Đầu năm nay, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cam kết sẽ đưa mối quan hệ của Australia với Philippines lên một tầm cao mới sau khi hai nước thúc đẩy việc xây dựng quan hệ quốc phòng và an ninh chặt chẽ hơn.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong cho biết các cuộc tuần tra sẽ được thực hiện trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông (được Manila gọi là Biển Tây Philippines). Quân đội Philippines cử 2 tàu hải quân và 5 máy bay tuần tra tham gia diễn tập. Về phần Australia, nước này triển khai tàu khu trục HMAS Toowoomba và máy bay tuần tra hàng hải P8-A.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ca ngợi cuộc tuần tra chung Australia-Philippines là hoạt động có ý nghĩa nhằm duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Ông bình luận trên mạng xã hội X: “Hoạt động hợp tác hàng hải mang tính khởi đầu này và những chương trình tiếp theo là sự thể hiện thực tế của mối quan hệ đối tác chiến lược và quốc phòng ngày càng phát triển và sâu sắc giữa hai nước”.

Trước đó, hôm 23/11, tàu chiến Australia đã đi qua Eo biển Đài Loan để hướng xuống phía Nam. Một quan chức Australia xác nhận con tàu này chính là tàu khu trục HMAS Toowoomba tham gia tuần tra chung với Philippines ở Biển Đông; nhấn mạnh tàu Toowoomba đi qua vùng biển quốc tế của Eo biển Đài Loan như một phần các hoạt động triển khai tàu trong khu vực của mình. Ông Euan Graham, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia cho biết hải quân Australia đã thường xuyên quá cảnh qua Eo biển Đài Loan nhưng “chọn không công khai điều này”; Hải quân Australia đi qua Eo biển Đài Loan vì đây là tuyến đường ngắn nhất giữa Biển Hoa Đông và Biển Đông. Theo Ông Euan Graham: “Đây chỉ là việc thực thi quyền đi lại quốc tế qua eo biển đó. Đây không phải là lĩnh vực gây tranh cãi trong luật pháp quốc tế – chỉ là Trung Quốc chọn cách gây ra vấn đề với điều đó”. Hải quân Mỹ điều tàu đi qua Eo biển Đài Loan khoảng mỗi tháng một lần – hoạt động mà Washington gọi là quá cảnh “thường lệ”. Trung Quốc thường xuyên lên tiếng phản đối những hoạt động đi qua Eo biển Đài Loan của tàu chiến Mỹ và đồng minh của Mỹ.

Việc tàu chiến Australia đi qua Eo biển Đài Loan diễn ra vào thời điểm quan hệ quân sự giữa Australia và Trung Quốc đang khó khăn, ngay cả khi hai nước đang tìm cách đưa mối quan hệ trở lại đúng hướng. Trung tuần tháng 11 vừa qua, Canberra đã phàn nàn về một vụ việc liên quan đến một tàu chiến Trung Quốc và một tàu hải quân Australia trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản, trong đó một thợ lặn quân sự Australia bị thương.

Với việc Hải quân Philippines liên tiếp cùng Hải quân Mỹ và Hải quân Hoàng gia Australia tiến hành tuần tra chung hàng hải và hàng không khiến Biển Đông trở nên “sôi động” hơn. Giới quan sát nhận định những động thái trên cho thấy Biển Đông đang được quốc tế hóa một cách mạnh mẽ; khẳng định Mỹ và các đồng minh không thể chấp nhận để Trung Quốc thâu tóm, khống chế Biển Đông. Các cuộc tuần tra chung kể trên đánh dấu một mốc mới trong việc hình thành mặt trận để chống lại Trung Quốc ở Biển Đông, đây là hành động thiết thực có ý nghĩa quan trọng phá mưu đồ của Bắc Kinh loại trừ Mỹ và đồng minh ra khỏi Biển Đông. Cụ thể là:

Thứ nhất, trong khi Bắc Kinh luôn phản đối việc quốc tế hóa Biển Đông thì các nước nhỏ ven Biển Đông luôn chủ trương quốc tế hóa vấn đề Biển Đông nhằm tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế bởi các nước này đều kém xa Trung Quốc về tiềm lực kinh tế, quốc phòng. Giáo sư Jay Batongbacal, Đại học Luật Philippines, và hiện là Giám đốc Viện Hàng hải và Luật Biển, bình luận: “Thực tế, những hoạt động tiếp nối trên cơ sở đồng thuận với Mỹ cho thấy Philippines đang thực sự cố gắng thể hiện sự ủng hộ của quốc tế đối với họ. Khẳng định họ không đơn độc… Dù họ có thể có một quân đội năng lực hơi kém so với các quốc gia khác, nhưng họ có thể tận dụng các liên minh và tình hữu nghị để củng cố khả năng phòng thủ”.

Thứ hai, các cuộc tuần tra chung giữa Philippines với Mỹ và Australia ở Biển Đông gửi tới Bắc Kinh thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm của Philippines cũng như Mỹ và đồng minh trong việc chống lại các thách thức từ Trung Quốc ở Biển Đông. Cùng với đà phát triển của quan hệ an ninh quốc phòng giữa Manila và Tokyo có thể trong thời gian tới sẽ còn các cuộc tuần tra chung giữa Philippines-Nhật Bản. Trung Quốc cáo buộc Philippines lôi kéo các “lực lượng nước ngoài” tới tuần tra Biển Đông chỉ kiến tình hình leo thang căng thẳng. Manila khẳng định các hoạt động hàng hải nằm trong phạm vi quyền và chủ quyền của nước này. Giáo sư Jay Batongbacal cho rằng Bắc Kinh hoàn toàn vô lý khi phản đối các cuộc tuần tra chung giữa Philippines với Mỹ hay Australia dù chúng không ở gần lãnh thổ Trung Quốc. Ông Batongbacal nói: “Tôi cho rằng điều đó sẽ thể hiện sự bất an, …. và chứng tỏ yêu sách (lãnh thổ) của họ thực sự bành trướng đến mức nào. Tôi nghĩ việc Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa bởi những cuộc tuần tra quá gần bờ biển Philippines có phần kỳ quặc”. Philippines đã từng đi đầu trong đấu tranh pháp lý ở Biển Đông khi khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Biển Đông năm 2013 và giành được thắng lợi vang dội. Giờ đây, với việc Philippines cùng Mỹ và Australia tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông, giới phân tích cho rằng Manila đang nỗ lực đi đầu trong thúc đẩy quốc tế hóa Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới