Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân kết hợp với sự tham gia của một tàu sân bay Mỹ.
Hôm 17/1, quân đội Hàn Quốc cho biết cuộc tập trận giữa hải quân Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc diễn ra ở vùng biển ngoài khơi đảo Jeju, kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày 17/4.
Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho hay, cuộc tập trận hải quân ba bên có sự tham gia của 9 tàu chiến từ các nước, bao gồm tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ và tàu khu trục Aegis của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo JCS, cuộc tập trận nhằm mục đích nâng cao khả năng răn đe và phản ứng tổng hợp của các nước trước các mối đe dọa hạt nhân, tên lửa và dưới nước của Triều Tiên, đồng thời phối hợp tác chiến ngăn chặn vận chuyển trái phép vũ khí hủy diệt hàng loạt trên biển.
Cuộc tập trận hải quân Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc diễn ra khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp tục cho tiến hành các hoạt động thử nghiệm vũ khí, khiến căng thẳng trong khu vực leo thang lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Tại Seoul, đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc Kim Gunn dự kiến gặp người đồng cấp Nhật Bản Namazu Hiroyuki một trước cuộc gặp ba bên với phó đại diện đặc biệt của Tổng thống Mỹ Joe Biden về Triều Tiên – Jung Pak, để điều phối phản ứng trước mối đe doạ từ Triều Tiên.
Trước mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol mở rộng hợp tác và huấn luyện quân sự với Mỹ và Nhật Bản. Ông Yoon Suk-yeol cũng tìm kiếm cam kết mạnh mẽ từ Mỹ rằng Washington sẽ nhanh chóng và dứt khoát sử dụng khả năng hạt nhân để bảo vệ đồng minh trong trường hợp Triều Tiên tấn công hạt nhân.
Mỹ và Hàn Quốc cũng có những động thái thắt chặt hợp tác trong việc răn đe Triều Tiên. Tàu ngầm hạt nhân và máy bay mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ liên tục hiện diện ở bán đảo Triều Tiên trong thời gian gần đây.
Trong tuần này, lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên từ bỏ cam kết lâu dài về thống nhất hòa bình với Hàn Quốc, kêu gọi sửa hiến pháp để loại bỏ ý tưởng thống nhất giữa hai miền Triều Tiên.
Mới đây, Triều Tiên tiến hành vụ thử đạn đạo đầu tiên vào năm 2024. Đây là vụ phóng tên lửa tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn mới có gắn đầu đạn siêu thanh. Theo AP, động thái này cho thấy nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm nâng cao năng lực dòng vũ khí có thể tấn công căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam và Nhật Bản.