Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhật Bản hoàn thành đổ bộ mặt trăng

Nhật Bản hoàn thành đổ bộ mặt trăng

Khoảng 22 giờ 20 đêm 19.1 (giờ Việt Nam), Nhật Bản đã trở thành quốc gia thứ năm đáp thành công xuống mặt trăng.

Cơ quan Thám hiểm Không gian Nhật Bản (JAXA) thông báo sứ mệnh đáp Tàu đổ bộ thông minh nghiên cứu mặt trăng (SLIM) đã thành công tốt đẹp, theo AFP. Với thành công này, Nhật Bản trở thành nước thứ năm đáp tàu đổ bộ thành công xuống bề mặt mặt trăng sau Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Vào đúng 22 giờ, tàu đổ bộ SLIM, biệt danh “xạ thủ mặt trăng”, bắt đầu hạ độ cao, đạt tốc độ khoảng 1.700 m/giây. Đây là vận tốc nhanh gấp 7 lần so với tốc độ của máy bay dân sự.

Tàu thăm dò Nhật Bản đổ bộ lên mặt trăng thành công, nhưng sợ “mất điện”

Giai đoạn hạ độ cao, vốn kéo dài 20 phút, được gọi là “20 phút nghẹt thở”, theo AFP dẫn lời giáo sư Osamu Mori, của Viện Nghiên cứu Không gian và Vũ trụ thuộc JAXA.

Đến 22 giờ 20, JAXA thông báo tàu đáp thành công, nhưng mất nhiều phút để xác nhận và kết nối với con tàu.

JAXA đặt mục tiêu trở thành nước đổ bộ chính xác xuống mặt trăng, đáp tàu đổ bộ SLIM cách vị trí lựa chọn trong vòng bán kính 100 m, khác với những tàu đổ bộ trước thường đáp trong khu vực rộng đến 10 km. Ước tính phải mất 1 tháng để xác nhận liệu SLIM đạt được mục tiêu này hay không.

SLIM có biệt danh “xạ thủ mặt trăng” vì được trang bị công nghệ chính xác cao. Theo tính toán, trong quá trình đổ bộ mặt trăng, SLIM sẽ sử dụng công nghệ định vị dựa trên hình ảnh, mà JAXA gọi là “mắt thần”.

Tàu đổ bộ liên tục chụp ảnh bề mặt mặt trăng và nhanh chóng xác định vị trí chính xác trên bản đồ mặt trăng, từ đó tự động điều chỉnh hành trình để hạ cánh xuống nơi đã định.

Trong những thời khắc cuối cùng của nỗ lực đáp, tàu đổ bộ SLIM được cho là liên tục bị trọng lực kéo về hướng mặt trăng, buộc các động cơ trên tàu phải vận hành không ngừng nghỉ để duy trì tốc độ ổn định nếu muốn “đáp êm” như dự kiến.

Với kích thước 2,4 x 1,7 x 2,7 m, trọng lượng 200 kg, tàu đổ bộ cỡ nhỏ của Nhật Bản được thiết kế để thực hiện cú đáp chính xác cao, xuống một vị trí cụ thể trên bề mặt mặt trăng.

Những sứ mệnh đổ bộ khác, bao gồm các phi thuyền Apollo của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), cũng đáp lên mặt trăng với độ chính xác cao, nhưng sử dụng phi thuyền trọng lượng đáng kể.

Trong khi đó, JAXA hy vọng có thể đưa các tàu robot cỡ nhỏ đến mặt trăng với trọng lượng nhẹ và chi phí thấp.

RELATED ARTICLES

Tin mới