“Điềm” – nôm na – là dấu hiệu những điều bất thường xảy ra. “Điềm” lành thì tốt. Nhưng ngại nhất là “điềm” dở gắn với sự xui xẻo…
Theo nghĩa đó, nhiều người quan tâm tình hình Biển Đông, mấy ngày này, đã và đang nghĩ Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á, như một “điềm” dở vậy.
Về thời điểm, Tuyên bố phát ra ngày 30/12/2023, coi như ngày cùng tháng tận của năm được rồi. Với không ít người xem nặng tâm linh, chẳng chỉ đầu năm, ngay cả những ngày cuối năm, cũng cần kiêng nói về điều không may mắn.
Chết nỗi, có lẽ công việc bộn bề quá, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN chỉ có thể tới Jakarta, Indonesia vào chót tháng, để cùng tổ chức một sự kiện được gọi là Hội nghị hẹp, bàn những vấn đề quan trọng. Hội nghị kết thúc thì ra văn kiện, trong trường hợp này, là Tuyên bố (nêu trên). Đơn giản vậy thôi.
Nên nhớ, đây là lần thứ 5 ASEAN ra tuyên bố riêng về vấn đề Biển Đông, gần nhất vào năm 2014. Giá tuyên bố lần này tuyền những lạc quan, thì chẳng ai eo xèo. Ngược lại, chưa biết chừng, có người còn hăm hở bổ ra phân tích, rồi hồ hởi, phấn khởi mà rằng: Cuối năm nhận định tình hình Biển Đông lạc quan, tích cực như thế, sang năm (2024), Biển Đông trời yên, sóng lặng là cái chắc!
Éo le thay, chuyện ngược lại. Trong Tuyên bố, bên cạnh việc khẳng định, nhấn mạnh các vấn đề có tính lý thuyết, như: cam kết chung về duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); cần duy trì và thúc đẩy ổn định trên không gian biển ở khu vực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường hợp tác biển và nghiên cứu phù hợp các sáng kiến mới hướng tới mục tiêu trên…, là đoạn: “Chúng tôi theo dõi sát sao và quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, có nguy cơ phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì và thúc đẩy hòa bình, an toàn, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trong không gian biển tại Đông Nam Á, đặc biệt là Biển Đông”.
Bình về điều này, có người nói các nhà ngoại giao ASEAN đã dùng “uyển ngữ”. Để làm gì? Để tránh và giảm đi so với thực tế căng thẳng đang diễn ra trên Biển Đông, đe dọa thực sự hòa bình, an ninh và ổn định khu vực…
Và họ dẫn ra những vụ việc căng thẳng gần đây. Sau chuyện tranh chấp với Philippines tại đảo Thị Tứ (nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam) hồi đầu năm, tiếp theo, Philippines càng hứng chịu nhiều hơn những hành động quấy nhiễu, đe dọa của lực lượng hải giám, tàu cá, thậm chí là tàu chiến Trung Quốc. Điển hình nhất, ngày 9 và 10/12/2023, tàu hải cảnh Trung Quốc đã phun vòi rồng, thậm chí “đâm vào” các tàu tiếp liệu của Philippines tại Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện Philippines kiểm soát). Một số cơ quan truyền thông phương Tây đã đánh giá đây là vụ “va chạm nghiêm trọng nhất” trong nhiều năm trở lại đây…giữa Trung Quốc và Philippines.
Trước đó, vào tháng 9/2023, Trung Quốc đã thả 300m phao vào bãi cạn Scaborough để ngăn cản ngư dân Philippines hành nghề khai thác hải sản trên ngư trường truyền thống…Sự kiện khiến giới chức Philippines nổi khùng, phản ứng quyết liệt bằng cách cho đội thợ lặn tới cắt…
Chính ông Ferdinand Marcos Jr- Tổng thống Philippines, đã nói trong một sự kiện truyền hình trực tuyến ở Hawaii ngày 20/11/2023, rằng: Căng thẳng ở Biển Đông đòi hỏi Philippines phải hợp tác với các đồng minh và láng giềng để duy trì hòa bình tại vùng biển này.
Một trong những toan tính “hợp tác với các đồng minh và láng giềng” mà ông Marcos Jr đề cập và nhắm đến, là tạo ra “bộ quy tắc ứng xử của riêng” giữa ba quốc gia: Philippines, Việt Nam và Malaysia – những nước liên quan yêu sách chủ quyền, cũng là các quốc gia thường xuyên bị Trung Quốc quấy nhiễu, đe dọa, gây hấn.
Mới thấy, căng thẳng trên Biển Đông là thật. Dù có nhắm mắt, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng không thể né tránh được sự thật này, cũng như những hậu quả có thể xảy ra của nó, nên phải đưa vào Tuyên bố thôi. Có là “điềm” gở hay không, chỉ thời gian cùng những diễn biến thực tế trên Biển Đông mới có thể trả lời.
T.V